Về thăm đất Tổ

Là con dân đất Việt ai cũng mong được một lần về thăm đất Tổ - nơi có Di tích Lịch sử Đền Hùng để thành kính tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên. Khi đến đây, đứng trước các điện thờ, thành kính dâng nén hương, mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ, nhưng có lẽ ai cũng cầu mong tổ tiên phù hộ cho đất nước luôn hòa bình, dân tộc muôn đời ấm no, hạnh phúc, mãi trường tồn.

Di tích Lịch sử Đền Hùng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì (Phú Thọ) nằm ở độ cao 175m so với mực nước biển, bao quanh là rừng cấm linh thiêng.

Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Kiến trúc vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống.

Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Kiến trúc vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống.

Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng này được xây dựng từ thế kỷ 15. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền: đền Hạ - đền Trung - đền Thượng - đền Giếng, 1 chùa và lăng vua Hùng hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao, hùng vĩ.

Đền Trung có tên Hùng Vương Tổ miếu, được xây dựng vào thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XV bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất, 3 gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giang cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi.

Tương truyền đây là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước.

Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy.

Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền, đây là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa.

Đây cũng là nơi Thục Phán sau khi lên ngôi dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp vua Hùng.

Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng 4 cấp: Nhà chuông trống (cấp I), Đại bái (cấp II), Tiền tế (cấp III) và Hậu cung (cấp IV).

Lăng Hùng Vương tọa lạc ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Trong lăng có mộ Vua Hùng Vương thứ 6. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1m.

Đền Giếng được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công.

Tương truyền, đền Giếng là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời.

Nơi đây, sáng 19-9-1954, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng. Bác giảng giải nhiều điều và căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ve-tham-dat-to-a125144.html