Về thăm 'Bến cảng lòng dân'

'Đồng đội ơi Rạch Gốc còn đợi đấy / Dù đi đâu xin một chuyến quay về'

Lời thơ của Đại tá Khưu Ngọc Bảy khiến chúng tôi nao nao khi về thăm bến Vàm Lũng thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cùng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962. Đó là câu chuyện rất dài về tình đất, tình người, tình đồng đội trong những năm kháng chiến ác liệt và hôm nay nơi cuối trời Tổ quốc.

Từ thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), vượt cái nắng gay gắt ban trưa và hơi nóng hầm hập hắt từ dòng nước lên thân vỏ lãi, chúng tôi đến thăm Khu lưu niệm Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa tại xã Tân Ân. Mọi người trong đoàn thành kính thắp nhang tưởng nhớ người anh cả của đơn vị. Sau thời gian dài hoạt động cách mạng, năm 1960, đồng chí Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ tổ chức tuyến đường biển ra miền Bắc nhận vũ khí và hàng hóa cho miền Nam. Ngày 1-8-1961, chuyến ghe đầu tiên rời rạch Cá Mòi, mũi Cà Mau, bắt đầu hải trình. Khi gặp đồng chí Lê Duẩn, ông Dĩa trình bày nguyện vọng của miền Nam và được Trung ương giải quyết ngay, nhưng phải tìm hiểu nơi tập kết “hàng”. Các phương án như đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối... đều không ổn. Ông Dĩa đề đạt hướng Vàm Lũng là nơi lúc có nước lớn đầy, độ sâu lòng lạch từ 2 đến 3m, có thể đưa tàu tải trọng trên 30 tấn vào được.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 dâng hương báo công tại Khu di tích lịch sử Quốc gia bến Vàm Lũng.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 dâng hương báo công tại Khu di tích lịch sử Quốc gia bến Vàm Lũng.

Đầu tháng 10-1962, 30 tấn vũ khí và hàng hóa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), sau 9 ngày về tới Vàm Lũng. Đang họp, nhận được tin vui từ Cà Mau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mừng rỡ: “Đây là thắng lợi to lớn, mở đầu việc chi viện vũ khí cho tiền tuyến lớn. Số vũ khí này bằng 3.000 người mang vác, đi bộ 6 tháng mới vào tới nơi”. Sau chuyến mở đường Nam-Bắc, Bắc-Nam thành công, đồng chí Bông Văn Dĩa được Khu ủy giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí thành lập Đoàn 962 để tổ chức triển khai bến bãi, tiếp nhận, bảo quản vũ khí, hàng hóa và vận chuyển cung cấp cho các mặt trận. Từ đó, hình thành con đường mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đồng chí Bông Văn Dĩa trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, nay là Lữ đoàn 962.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 là thế hệ chỉ huy tiếp nối, nay đã nghỉ hưu nhưng ký ức một thời oanh liệt vẫn in hằn trong ký ức, trong từng lời tâm sự. Đứng trước Khu di tích lịch sử Quốc gia bến Vàm Lũng, ông xúc động chia sẻ: “Chiến thắng của "Đường Hồ Chí Minh trên biển" là chiến thắng của lòng dân. Nếu không có sự đồng lòng hỗ trợ của nhân dân chắc chắn không có kỳ tích diễn ra. Để làm bãi tiếp nhận vũ khí, 800 hộ dân Vàm Lũng phải di dời từ ven biển vào trong rừng, nhưng tất cả đều ủng hộ, đồng tình. Trong quá trình hoạt động, bộ đội Trung đoàn 962 cùng chia sẻ với dân từng bát cơm, chén nước ngọt, tấm áo. Nước ngọt được chưng cất từ nước biển. Thức ăn có lúc là trái mắm rừng chát đắng. Sự gắn bó khăng khít này tạo nên thế trận lòng dân vững chắc. Tại Tân Ân, người dân cưu mang, che giấu một tổng kho có sức chứa lúc cao nhất lên tới hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn dược. Năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn, lập tức bà con được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Tổng kho này cách chi khu Năm Căn của địch khoảng chục cây số, vậy mà chúng chẳng thể phát hiện ra. Thế nên, bến Vàm Lũng chính là "Bến cảng lòng dân”.

Mỗi lần trở về “Bến cảng lòng dân”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 phối hợp nhiều đơn vị tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo tại xã Tân Ân. Xúc động khi trở về cái nôi xưa, Đại tá Trần Văn Nước, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 962, chia sẻ: “Những món quà tuy không lớn về giá trị vật chất, nhưng là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, như một cách tri ân bà con, người dân địa phương đã đùm bọc, nuôi dưỡng đơn vị từ khi mới thành lập. Mong bà con ghi nhận, tin tưởng, tạo điều kiện giúp đỡ LLVT hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như truyền thống tốt đẹp bao năm qua”.

ĐĂNG AN-THÀNH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ve-tham-ben-cang-long-dan-646008