Về Serbia, tôi kể chuyện Việt Nam!

'Khi về Serbia, tôi sẽ kể với người dân ở đó về chiến công chống dịch Covid-19 của Việt Nam', đó là lời nhắn nhủ của bệnh nhân 370.

 Bệnh nhân 370, quốc tịch Serbia đã nói lời cảm ơn và ca ngợi Việt Nam

Bệnh nhân 370, quốc tịch Serbia đã nói lời cảm ơn và ca ngợi Việt Nam

Chàng thanh niên này là bệnh nhân Covid dương tính đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi và anh đã được điều trị tại một khu cách ly bên cạnh biển, khung cảnh nhiều hoa, được chăm sóc bởi nhiều nữ nhân viên y tế xinh đẹp.

Đêm trắng Việt Nam

“Vietnam has won the 19 covid campaign. I thank you!” (Việt Nam đã chiến thắng đại dịch Covid -19, tôi cảm ơn các bạn). Bệnh nhân 370, quốc tịch Serbia nói. Bệnh nhân 29 tuổi này còn nói nhiều điều ca ngợi Việt Nam. Trong suốt 33 ngày được chăm sóc tại khu cách ly Bệnh viện dã chiến Dung Quất, bệnh nhân 370 đã được các y bác sĩ chăm sóc tận tình. Tin nhắn của anh nằm trong nhóm kết nối, vì vậy, chỉ cần 370 hỏi “how is my health today?” (hôm nay sức của của tôi ra sao?), thì lập tức có hàng loạt tin nhắn trả lời, động viên, hướng dẫn, thông báo.

Đêm ngày 9-7, bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhắn tin vào nhóm trực chiến tại Bệnh viện dã chiến Dung Quất dòng tin ngắn “xuống gấp trung tâm Dung Quất, dọn dẹp vệ sinh”. Đó là một tin nhắn không đi trực diện vào vấn đề, mà vẫn đi lòng vòng để ám chỉ một điều gì đó, một công việc có tính chất đặc biệt. Các nhân viên y tế sau này tâm sự, nhận dòng tin này, ai cũng đoán “đã có chuyện, chắc có ca dương tính đầu tiên, sẵn sàng, sẵn sàng”.

Vào giờ phút đó, một chiếc xe cứu thương hụ còi, hướng về Bệnh viện dã chiến Dung Quất. Trên xe là một thanh niên, 29 tuổi, dáng người cao dong dỏng, trên người khoác chiếc áo màu đỏ đậm, ngực áo in hình thổ dân da đỏ thường tiên đoán về ngày tận thế. Sau này, khi bệnh nhân 370 xuất viện, tôi đã hỏi “hình ảnh người thổ dân da đỏ trên ngực áo của anh có ý nghĩa gì?”. Chàng thanh niên này cho biết, đó là hình ảnh mang lại sự may mắn, và trong những ngày ở Việt Nam, các bác sĩ đã chăm sóc anh rất tận tình, đó cũng là những đêm dài anh mất ngủ.

Người thanh niên này là chuyên gia bay sang Việt Nam để đến làm việc tại Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất. Ca dương tính đầu tiên ở Quảng Ngãi đã kéo theo 33 người bị cách ly để theo dõi. Bệnh nhân 370 được đưa về một trung tâm nằm ở sát biển, cách xa các khu dân cư. Từ trên tầng 5 có thể quan sát làng chài, mặt biển gợn sóng và bãi cát vàng phẳng lặng. Xung quanh bệnh viện này còn có nhiều hoa vàng đang vào mùa nở rộ.

Chát online

Chỉ sau 5 ngày đưa về Bệnh viện dã chiến Dung Quất, chàng thanh niên này đã nóng lòng nhắn tin “xin chào mọi người, khi nào tôi có được kết quả; khi đã âm tính thì tôi có phải tiếp tục bị cách ly thêm hay không?”. Trong nhiều tin nhắn còn lưu lại, bệnh nhân 370 luôn đều đặn “hi everyone và hỏi test resunlts” và sau đó anh nhận được lời động viên, “nào, hãy cố lên, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp”.

Để tiện cho việc chăm sóc, các bác sĩ đã mua cho bệnh nhân sim điện thoại, giữ ổn định mạng internet, đưa zalo của bệnh nhân 370 vào nhóm theo dõi. Từ zalo này, bệnh nhân 370 có thể tương tác và nhìn thấy mặt các nữ y tá, bác sĩ xinh đẹp. Có những lúc mọi người cảm thấy hơi khó xử, khi chàng thanh niên hỏi máy giặt quần áo. Nhưng các nữ bác sĩ đã động viên anh là hãy giặt quần áo bằng tay, chúng tôi sẽ giúp anh thêm xà phòng.

Nữ hộ lý Nguyễn Thị Mộng Cầm, người trực tiếp ở tuyến trong, hàng ngày chỉ di chuyển ở trong vạch khu vực nguy cơ lây nhiễm cao. Cô gái 27 tuổi này luôn hồi hộp theo dõi bệnh nhân 29 tuổi. Nỗi lo dồn dập ập đến, khi trung tâm tiếp tục nhận thêm bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng 419. Mộng Cầm cho biết, “hàng đêm mất ngủ, em luôn nhắn vào nhóm và hỏi sức khỏe của 370 xem tình trạng ra sao, ăn ngủ như thế nào”.

Ngày 28/7, bệnh nhân 370 tiếp tục hỏi về tình hình sức khỏe, và anh nhận được tin nhắn từ bác sĩ Bảo “đã âm tính, tình hình tiến triển tốt”. Tuy nhiên, việc điều trị cho ca bệnh này luôn diễn biến khó lường. 370 được xét nghiệm và có kết quả âm tính, sau đó lại tiếp tục dương tính trở lại. Có những tin nhắn của 370 khiến các bác sĩ bật cười và khó xử. Đó là 370 xin thêm khăn tắm và nhờ người giặt giúp áo, quần. Đó là một việc ngoài khả năng và khiến ai cũng bất ngờ. Mọi người chỉ biết cười và hỗ trợ cho bệnh nhân thêm xà phòng với lời nhắn, “cố gắng giặt và phơi khô”.

Trong thời gian điều trị cho bệnh nhân 370, Khu kinh tế Dung Quất đang vận hành và cần có các chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất. Nhưng để 55.000 công nhân tại Khu kinh tế Dung Quất được làm việc trong môi trường an toàn, việc rà soát, truy vết, tổ chức cách ly được thực hiện sát sao, 373 người được đưa vào Bệnh viện dã chiến Dung Quất để cách ly, trong đó có 10 người nước ngoài, số ca dương tính tăng lên 5 người, các bác sĩ phải lập thêm nhóm zalo với từng bệnh nhân.

Vùng xanh, vùng đỏ

Đã mấy tháng trôi qua, nhưng hình ảnh và âm thanh được tôi ghi trực tiếp tại Bệnh viện dã chiến Dung Quất trong thời gian điều trị cho bệnh nhân 370 vẫn in sâu trong tâm trí. Ba ngày sau đêm nhận bệnh nhân 370, tại khu hành lang ở vùng xanh, cách vùng đỏ (vùng có nguy cơ lây nhiễm) một ô vườn nhỏ. Bác sĩ Vũ Diệu Hương chạy trên khu hành lang, trong khi một số bác sĩ khác liên tục gọi điện thoại. Bởi vì từ ngày tiếp nhận bệnh nhân 370, những ca truy vết tiếp tục được đưa vào. Một bác sĩ lúc đó đã nói gấp vào điện thoại: “Thêm 4 người nữa, thêm suất cơm, tìm ngay 4 suất”.

Điều dưỡng viên Đỗ Thị Hà lúc nào cũng vừa nói vừa cười. Nhưng nhìn bước chân thất thểu và nét mặt phờ phạc, dáng người hao gầy thì tôi phán đoán, mọi người nơi đây đều đã thấm mệt. Đã hơn 4 tháng bám trụ kể từ ngày thành lập bệnh viện dã chiến. Bóng chị Hà chao nghiêng khi vách 2 túi nặng và đặt trước cửa phòng bước vào vùng vàng (vùng nguy hiểm). “Ai ở trong ra nhận đồ ăn xíu đi”, cứ đặt túi đồ ăn ở cửa, chị lại gọi to mấy lần vào phòng. Tôi nói đùa, việc tiếp tế của chị giống như thời cách mạng nằm rừng, được các mẹ bí mật mang gạo ra rừng để tiếp tế.

Khi chị Hà quay lưng thì các nhân viên y tế ở vùng vàng thập thò trước cửa, ngước mắt nhìn quanh, vội vã cầm túi thức ăn rồi rút lui ngay vào bên trong để chuyển cho 370 và ăn bữa tối. Những người đang ở vùng vùng vàng ngày đêm phải chịu cái nóng bức bối từ bộ đồ bảo hộ bằng ni lon, mồ hôi luôn đẫm ướt lưng. Nhưng anh em ở đây còn phải liên tục rảo bộ để đi hết 4 tầng nhà, mỗi tầng 30 bậc thang, mỗi ngày lên xuống từ hàng chục lần, đi hết 1500 đến 2000 bậc thang.

Một điều dưỡng có dáng người nhỏ nhắn hiện ra trước khung cửa, phía sau rào chắn màu đỏ. Đó là nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mộng Cầm, 26 tuổi, quê ở xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn.

“Chúc ngoài đó luôn vững vàng…”, nữ điều dưỡng này nói to trước khi rút vào bên trong.

“Trong này” và “ngoài đó”, đây là những cụm từ được Mộng Cầm nói với giọng chứa đựng bao nỗi thiết tha. Chỉ cách nhau mấy bước chân, chỉ cách nhau một rào chắn, nhưng thứ vi rút bí ẩn kia đã khiến cho mọi thứ dù gần nhưng cũng trở nên xa cách như vách núi nằm cạnh vực sâu.

Ngày 12/8, bệnh nhân 370 gởi lại dòng tin nhắn “các bác sĩ ở đây là những người dễ chịu nhất mà tôi từng gặp, tôi yêu đất nước này đến nhường nào, khi về Serbia tôi sẽ kể lại chuyện này, xin cảm ơn các bạn!”. Đó là ngày 370 nhận thông báo “bạn đã ổn, thu dọn và rời bệnh viện”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ve-serbia-toi-ke-chuyen-viet-nam-d281625.html