Về Sa Đéc ăn hủ tiếu sáu ngàn

Dân du lịch ' bụi' có dịp ngao du đến 'vương quốc hoa Sa Đéc' ở miền Tây (Đồng Tháp ), đều hết sức hào hứng khi 'khám phá' ra một địa chỉ bán hủ tiếu Sa Đéc thứ thiệt mà giá mỗi tô chỉ có… 6.000 đồng. Nhiều người còn lên mạng khen hết lời món hủ tiếu ngon mà quá rẻ này. Một blogger còn khẳng định: Hủ tiếu của quán Bà Sẩm ở Sa Đéc 'ngon và rẻ nhất ASEAN'!

Khách phải ngồi tràn cả ra vỉa hè vì quá đông.

Khách phải ngồi tràn cả ra vỉa hè vì quá đông.

Không hiểu do từ “những lời có cánh” trên mạng xã hội hay do lời đồn qua truyền miệng với nhau mà không ít khách đã ghé đến quán hủ tiếu bình dân có mặt tiền chỉ khoảng 4 mét ở số 188 đường Trần Hưng Đạo, Tp.Sa Đéc để thưởng thức tô hủ tiếu 6.000 đồng.

Trong cái quán chật chội, chỉ kê được chục cái bàn nhựa đỏ thấp lè tè, nhưng chật cứng người ngồi ăn và lố nhố khách đứng chờ mua mang về, tôi tranh thủ bắt chuyện một phụ nữ lớn tuổi đang ngồi chờ hủ tiếu có vẻ mặt điềm đạm, hiền lành thì được biết bà là dân Sa Đéc. Bà vui vẻ cho biết, “tui ăn hủ tiếu ở quán này tính ra đã hơn 20 năm. Từ hồi chỉ mới 1 ngàn đồng một tô, đến bây giờ 6 ngàn mà hương vị cũng như ngày nào”.

Tìm hiểu thêm, được biết quán hủ tiếu này mở ra tại đây từ năm 1968 do một người phụ nữ gốc Hoa (Quảng Đông ) là bà Quan Muội (1932-2001) làm chủ. Khách đến ăn hay gọi là quán bà Sẩm. Với suy nghĩ đơn giản là “mở quán hủ tiếu bình dân để bán cho bà con lao động nghèo, nên lấy công làm lời vừa đủ sống là chính, vậy nên buôn bán cũng phải thiệt thà, niềm nở”: Bà Xẩm cùng cô con gái thức dậy từ lúc 3 giờ sáng mỗi ngày để đốt lò than hầm xương, ninh khô mực… làm nước lèo; rồi luộc thịt để sẵn, bán đến đâu, xắt đến đó để thịt luôn mềm và ngọt. Sợi hủ tiếu thì lấy tại lò ở Sa Đéc đúng điệu là dai mà mềm.

Nay quán hủ tiếu bà Sẩm do con gái là Tăng Kiến Hưng (sinh năm 1957) kế nghiệp. Bà Tăng Kiến Hưng vẫn tuân thủ “triết lý kinh doanh” của mẹ và cho rằng, “Bán buôn thì phải có lời, nhưng tôi luôn quan niệm là lời ít thôi vì tôi bán ở đây mục đích là phục vụ những tầng lớp bình dân, người nghèo, người bán vé số… Tôi muốn chia sẻ với những người bình dân vì mình nghĩ sống là để giúp nhau nên không cần lời nhiều. Nhưng không phải bán rẻ là làm dở mà khi người ta đã bỏ tiền ra ăn thì phải phục vụ cho chu đáo, cho ngon”.

Chứng kiến cảnh 4 người trong gia đình tự bán hủ tiếu trong căn nhà chỉ rộng khoảng 20m2, khách đông đến phải kê ghế ngồi ra vỉa hè, tận nơi rửa chén bát, mà nét mặt ai cũng niềm nở, ân cần. Khách đến quán rất đông, nhưng ai cũng từ tốn, nhẹ nhàng, lịch sự nhường chỗ ngồi cho nhau chứ không hề chen lấn, tranh giành và nổi nóng gây ồn ào như những quán ăn đông và chật chội khác.

Tôi chợt thấy mê cái không khí mộc mạc, mùi lao động dân dã, thích hương vị Sa Đéc nghĩa tình của hủ tiếu Bà Sẩm. Vừa xì xụp thưởng thức món ngon, nhễ nhại mồ hôi, vừa nghiền ngẫm những triết lý kinh doanh độc đáo, những bài học không thể có trong sách vở mà càng thấy ý nghĩa.

(Baodulich.net.vn)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ve-sa-dec-an-hu-tieu-sau-ngan-115314.html