'Vẽ' quy định phụ cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp

Mặc dù phóng viên đã xuất trình giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc của cơ quan nhưng cán bộ Chi cục quản lý thị trường Lạng Sơn không đồng ý làm việc.

Thời gian gần đây, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tìm hiểu về một số vấn đề liên quan đến thực trạng buôn bán các sản phẩm thuốc bắc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan tại chợ Đông Kinh, TP.Lạng Sơn. Các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra phát hiện và thu giữ với số lượng lớn.

Để làm rõ vấn đề và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và quản lý đối với việc bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc này phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã đến đặt lịch làm việc với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn.

Khi phóng viên đến trụ sở Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thì được nhân viên bảo vệ yêu cầu lên Phòng văn thư để làm việc. Tại phòng văn thư, một nữ cán bộ tên Hiền yêu cầu PV ra khỏi phòng và đề nghị phóng viên xuất trình thẻ nhà báo.

Vị này liên tục yêu cầu: “Thẻ nhà báo đâu?”, khi phóng viên xuất trình giấy giới thiệu thì nữ cán bộ này nói “Không có thẻ nhà báo phía chúng tôi không làm việc, đấy là quy định”.

Bà Hiền yêu cầu phóng viên đọc kỹ thông báo dán ở trên và cho rằng dựa theo quy định của Luật Báo chí.

Khi Phóng viên đặt câu hỏi: “Chị căn cứ vào quy định nào để yêu cầu phóng viên phải có thẻ Nhà báo mới tiếp?", Bà Hiền liên tục nói “Luật báo chí quy định” và yêu cầu phóng viên tìm đọc, sau đó vị này đi vào phòng ngồi.

Sau một hồi trình bày phóng viên cũng không thuyết phục được vị cán bộ tên Hiền tiếp nhận giấy giới thiệu để sắp xếp lịch làm việc để cung cấp thông tin cho báo chí.

Sự việc xảy ra tương tự với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tại Phú Thọ khi phản ánh về vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty TNHH Yakjin thuộc KCN Thụy Vân (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thiêu rụi hoàn toàn 3 xưởng và nhà vật liệu nguy cơ 5000 công nhân có thể mất việc.

Bên ngoài Công ty TNHH Yankin Việt Nam nằm trong KCN Thụy Vân.

Sau thông tin phản ánh ban đầu, để tìm hiểu rõ về công tác PCCC của công ty TNHH Yakjin, phóng viên đã đến liên hệ với Ban quản lí các khu công nghiệp Phú Thọ về vấn đề trên.

Tuy nhiên, khi PV được đưa lên giới thiệu làm việc với ông Đào Tiến Dũng – Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ thì nhận được câu trả lời là không làm việc vì không có thẻ phóng viên và thẻ nhà báo.

Mặc dù phóng viên đã trình giấy giới thiệu của cơ quan cũng như chứng minh thư nhân dân khẳng định mình đủ điều kiện để tác nghiệp, lấy thông tin, tư liệu để viết bài, ông Dũng vẫn không làm việc với lí do trên. Khi phóng viên hỏi đây là quy định của UBND tỉnh Phú Thọ hay Ban quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ, ông Dũng chỉ nói là làm theo quy định.

Một lần nữa ông Dũng khẳng định, chỉ làm việc với những người có thẻ phóng viên và thẻ nhà báo theo quy định dù chẳng biết là quy định của cơ quan nào của tỉnh Phú Thọ.

Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số cơ sở. Điển hình, khi nhà báo đến làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi phải có giấy giới thiệu và thẻ Nhà báo.

Đặc biệt, cách đây chưa lâu, tại Thông tư 01/2014/CA của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa vào quy định nhà báo đến dự phiên tòa phải có cả thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu. Quy định này đã gây dư luận không đồng tình từ báo giới và dư luận xã hội.

Tờ giấy thông báo được dán bên ngoài phòng Văn thư, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn.

Thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị khi nhà báo muốn làm việc với lãnh đạo thường bị yêu cầu quay trở lại cơ quan xin giấy giới thiệu.

Hoặc khi đã có giấy giới thiệu thì yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo. Trong khi đó, Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12.11.2013, có hiệu lực vào ngày 1.1.2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo.

Với lý giải tương tự, trong Nghị định 159, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu.

Theo Luật báo chí mới tại khoản 12, điều 9 quy định: nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Nghị định 159 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2014 mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”. Nhà báo là người hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.

Trong Nghị định 159, Điều 7 về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ:

Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

Khoản 3, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Với Nghị định mới này, Nhà nước đã nâng cao biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời công nhận và bảo vệ lực lượng phóng viên tác nghiệp báo chí chưa có thẻ nhà báo trong hoạt động báo chí.

Nhóm PV Đông Bắc

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/ve-quy-dinh-phu-can-tro-phong-vien-nha-bao-tac-nghiep-885515.html