Về quê ở phố

Năm hết tết đến, người ta ai ai cũng hỏi thăm nhau 'Tết năm nay có về quê không?' là bởi từ lâu, tập tục 'về quê ăn tết' đã ngấm sâu vào mỗi người dân Việt. 'Quê' được hiểu là nơi ta sinh ra, lớn lên, hoặc đối với một số người, quê cũng có thể là nơi sinh ra của ông bà, cha mẹ. Không ít người về quê ăn tết lại chính là về phố thị.

Anh Trần Quang, một tài xế taxi nhà ở phố Trần Nhật Duật (Hà Nội) cho biết, tết năm nào cả gia đình ạnh cũng về quê ăn cơm tất niên cùng gia đình. “Gia đình tôi vẫn giữ thói quen về quê ăn tết, thường là từ chiều ba mươi là khăn gói về rồi. Ở quê còn bố mẹ và các cô dì chú bác, họ hàng, rất đông cho nên vừa về ăn tết vừa đi chúc tết họ hàng”. Khi được hỏi quê anh ở đâu, anh Quang cho biết quê anh ở Làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Ai cũng biết, Làng Cót xưa giờ đây đã trở thành một khu phố sầm uất nằm ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), ngoài là điểm du lịch làng nghề thu hút khách du lịch, thì cuộc sống nơi đây đã vô cùng tấp nập không kèm bất cứ con phố hiện đại nào ở Hà Nội.

Quê hương dù ở "quê" hay "phố" đều là nơi mỗi người muốn trở về mỗi khi tết đến (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Quê hương dù ở "quê" hay "phố" đều là nơi mỗi người muốn trở về mỗi khi tết đến (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Trải qua năm tháng, những làng quê đã biến thành phố, nhưng trong tâm trí mỗi người, ở đâu là nơi gắn với ông bà, cha mẹ, họ hàng vẫn là quê mà mỗi người khi tết đến đều tìm về.

Chị Nguyễn Thị Chinh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, quê chị ở Gia Lâm. Nơi đây, những ngôi nhà cao tầng mọc lên cùng nhiều công trình lớn đã xóa sạch “nét quê”, nhà chị không còn vườn tược, đã xây mới khang trang, hiện đại, nhưng tết đến chị vẫn kéo con cái về quê. “Ở đâu thờ gia tộc, tổ tiên thì ở đó là quê. Bây giờ về quê còn sướng hơn nhà mình cho nên bọn trẻ rất thích về quê”, chị Chinh chia sẻ.

Không chỉ những người dân có quê ở Hà Nội, nhiều người sống ở Hà Nội lại có “quê” ở những thành phố lớn. Chị Lại Phương Thúy lấy chồng và công tác tại huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, quê chị ở thành phố Lào Cai, tết năm nào chị cũng cùng gia đình về quê ăn tết.

“Ở Thường Tín, tôi sống cùng gia đình chồng, là một căn nhà đậm chất quê với ruộng vườn, ao cá. Bố mẹ chồng làm nghề nông. Còn ở quê tôi là một thành phố khá sầm uất và hiện đại. Bố mẹ tôi sống trong một căn hộ liền kề ngay sát bờ sông Hồng được xây khang trang. Nói là về quê ăn tết, nhưng là về phố”, chị Thúy chia sẻ. Chị Thúy còn hài hước cho biết, khi chị đăng ảnh bắn pháo hoa ở quê chị lên facebook, nhiều bạn bè còn không tin, họ cho rằng Lào Cai chỉ có núi, rừng, người dân tộc thiểu số và… nghèo, làm gì có pháo hoa mà bắn.

Đối với nhiều người, khi nhắc đến từ “quê” là nhắc đến con trâu, thửa ruộng, căn nhà đơn sơ với những con người cổ xưa, cũ kỹ. Vậy mới có câu “đồ nhà quê” mang ra nói khi người ta có điều gì đó không hài lòng về nhau.

Cũng có những người về quê thực sự được sống trong không khí cổ truyền của vùng quê cũ, nhưng đối với nhiều người, quê đơn giản là nơi cha mẹ sinh ra, ông bà sinh ra, hoặc là nơi mình sinh ra. Quê – dù mang nét cổ truyền hay hiện đại thì trong lòng mỗi người vẫn chính là nơi mà khi tết đến họ tìm về như tìm về nguồn cội.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ve-que-o-pho-102546.html