Về quê nuôi dúi

Với niềm đam mê nuôi dúi (còn gọi là cúi núi), anh Bùi Thanh Lương (33 tuổi, trú thôn An Mỹ, xã Bình An, H. Thăng Bình, Quảng Nam) quyết định từ bỏ một công việc ổn định về quê khởi nghiệp, phát triển mô hình nuôi con dúi. Miệt mài đúc kết kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, đến nay anh Lương đã gầy nên trại nuôi dúi hơn 500 con, mỗi năm xuất bán cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Với niềm đam mê nuôi dúi (còn gọi là cúi núi), anh Bùi Thanh Lương (33 tuổi, trú thôn An Mỹ, xã Bình An, H. Thăng Bình, Quảng Nam) quyết định từ bỏ một công việc ổn định về quê khởi nghiệp, phát triển mô hình nuôi con dúi. Miệt mài đúc kết kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, đến nay anh Lương đã gầy nên trại nuôi dúi hơn 500 con, mỗi năm xuất bán cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Anh Lương (trái) hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi cho những thanh niên đến tham quan, học hỏi.

Anh Lương (trái) hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi cho những thanh niên đến tham quan, học hỏi.

Anh Lương tâm sự, anh từng làm việc cho một Cty sản xuất Vật liệu xây dựng ở TP Đà Nẵng với mức lương tương đối ổn định. Tuy nhiên, vốn là người thích chăn nuôi nên anh thường ấp ủ suy nghĩ sẽ về quê khởi nghiệp, mở một trại chăn nuôi. Năm 2016, anh Lương xem trên mạng xã hội thấy mô hình nuôi dúi đang phát triển, thức ăn chính của dúi là tre, mía, cỏ voi, khoai rất dễ tìm ở quê nên lặn lội lên H. Nam Trà My (Quảng Nam) mua 10 cặp dúi rừng về nuôi. Tuy nhiên, do quá trình săn bắt dúi bị tổn thương, sức đề kháng yếu, kết hợp chưa có kinh nghiệm nuôi nên dúi chết dần. Khởi đầu thất bại không làm anh Lương nản chí, sau đó anh lặn lội tìm đến những người nuôi dúi có kinh nghiệm ở Quảng Nam, Đắk Lắk để học hỏi và mua thêm 20 cặp dúi giống về nuôi. Khi bắt tay vào thực hiện niềm đam mê, anh Lương đã đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Từ những kinh nghiệm cơ bản được hướng dẫn, anh Lương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm riêng cho bản thân trong quá trình nuôi và gặt hái được nhiều thành công. Đến khi đàn dúi đã đạt số lượng 200 con, anh Lương quyết định nghỉ việc để tập trung chăm sóc cho đàn dúi được tốt hơn.

"Thức ăn của dúi phải sạch sẽ, loại bỏ phần bị hỏng để dúi ăn không bị đau bụng. Không gian nuôi không cần rộng, chỉ cần ghép gạch men 0,5m2 thành ô vuông là đủ. Dúi là động vật hoang dã có sức đề kháng cao nên ít mắc bệnh dịch hơn số với các động vật khác. Nhưng khi nuôi nhốt cần bổ sung thêm can-xi, các khoáng chất và một số men vi sinh vào thời điểm giao mùa để tăng sức đề kháng cho dúi. Dúi sống ở hang, hoạt động vào ban đêm nên chuồng trại cần ít ánh sáng, nhiệt độ thích hợp từ 25-300C, trường hợp nóng phải có biện pháp giảm nhiệt. Dúi nuôi được 8 tháng là trưởng thành, đến kỳ động dục sinh sản. Lúc đó sẽ thả dúi đực vào giao phối chừng 20-25 ngày, lúc kiểm tra dúi mẹ có bầu thì tách ra để tránh trường hợp dúi đực đè hoặc cắn con. Dúi con ở với mẹ 45 ngày tự ăn khỏe cần tách ra, chăm dúi mẹ khỏe mạnh để chuẩn bị đến kỳ giao phối tiếp. 1 năm dúi đẻ được 3 lứa, mỗi lứa từ 1- 4 con. Ngoài ra, người nuôi cần đánh số chuồng dúi, ghi chép thời gian giao phối để theo dõi, tách dúi đực và dúi con riêng để tránh trường hợp giao phối cận huyết..."- anh Lương chia sẻ.

Mỗi năm anh Lương thu về hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi con dúi.

Hiện tại trại nuôi dúi của anh Lương đạt hơn 500 con, trong đó có hơn 300 con dúi trong độ tuổi sinh sản, số còn lại là dúi dưới 7 tháng tuổi. Dúi trưởng thành có trọng lượng gần 2kg, giá thịt thị trường hiện nay khoảng 500 ngàn đồng/1kg. Tuy nhiên, số dúi của anh Lương hiện "cung không đủ cầu", anh chỉ bán dúi giống cho những thanh niên trong và ngoài địa bàn, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế. Khi số lượng đàn quá đông, năm 2020 anh Lương đã xuất bán gần 100 cặp dúi giống thu về hơn 100 triệu đồng, đầu năm 2021 đến nay anh đã bán thêm 30 cặp dúi giống. Anh Lương tâm sự mong muốn được chính quyền hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để mở rộng quy mô trại chăn nuôi dúi, nhưng gặp khó khăn vì con dúi chưa được huyện đưa vào danh sách được hỗ trợ.

Chủ tịch UBND xã Bình An Lê Hồng Thiết cho rằng, mô hình nuôi con dúi của anh Lương là một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả mang lại lợi nhuận kinh tế cao ở xã. Hiện có nhiều thanh niên trên địa bàn cũng đang phát triển mô hình chăn nuôi con vật này. UBND xã đã có ý kiến xin huyện hỗ trợ cơ chế để anh Lương và nhiều thanh niên khác trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, có điều kiện mở rộng mô hình nuôi dúi, nhưng đang gặp khó bởi dúi chưa nằm trong danh mục loài vật nuôi được hỗ trợ.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_239964_ve-que-nuoi-dui.aspx