Về quê hương 'vua lửa' xem lễ hội cầu mưa

'... Ơi Yàng... hỡi các thần linh... Mẹ ở thượng nguồn sông Ba, cha ở hạ nguồn biển cả... cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu'. Lời khấn của thầy cúng Ksor Lol ở làng Plei R'bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai) lúc bổng, lúc trầm như đưa du khách về với miền xa thẳm. Giữa cái nắng khô khốc đặc trưng nơi 'Vương quốc của vua lửa' Pơtao Apui, lời khấn cầu mưa ấy ngàn năm qua vẫn vang vọng để đến hôm nay trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thầy cúng Ksor Lol và phụ tá cầu khấn các thần linh tại lễ cúng cầu mưa làng Plei R,bai. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ thành phố Pleiku xuôi theo Quốc lộ 25, qua đèo Chư Sê là đến “Vương quốc của vua lửa” Pơtao Apui (huyện Phú Thiện). Đất Phú Thiện xưa và nay là “Vương quốc của vua lửa” Pơtao Apui - một vị vua không ngai trong tín ngưỡng của đồng bào DTTS Jrai. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ở Plei Ơi (nay là làng Ơi, xã Ayun Hạ) có hai anh em T,dia và T,diêng mang về một thanh gươm thần bằng đồng được rèn từ một hòn đá ngay tại miệng núi lửa Hàm Rồng, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 11km về phía Nam. Khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực mãi, nhúng vào ghè rượu - ghè cạn, đem nhúng xuống suối - suối khô, nhúng xuống sông - sông hết nước. Cuối cùng phải nhúng thanh gươm vào máu của nô lệ thì thanh gươm mới nguội.

Sự linh thiêng, sức mạnh của gươm thần không biết lớn đến độ nào mà được dân làng hết sức suy tôn nên phải chọn ra người xứng đáng để cất giữ. Bởi, theo truyền thuyết của người Jrai, ai sở hữu linh vật này thì có thể nói chuyện với thần linh, truyền đạt ý nguyện của dân làng đến với thần linh và ngược lại. Chính vì vậy, những người cất giữ thanh gươm cũng được thần thánh hóa, được dân làng gọi là Pơtao Apui (vua lửa).

Gươm thần được các đời Pơtao Apui cất giấu trên đỉnh núi Chư Tao Yang cao 209m so với mực nước biển. Không ai được nhìn thấy gươm thần, ngoại trừ các Pơtao Apui. Theo sử sách ghi lại, tính đến năm 1999, đã có 14 đời “vua lửa” Pơtao Apui và tất cả đều mang họ Siu. Trong số này, nổi tiếng nhất là đời “vua lửa” thứ 11 Siu Ăt có chí khí quật cường, tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục giặc ngoại xâm. Việc cất giữ gươm thần và lo chuyện cúng tế ở làng Plei Ơi hiện tại được giao cho ông Rơ Lan Hieo, người phụ tá hai đời “vua lửa” thứ 13, 14, nên nhiều người lầm tưởng ông là Pơtao Apui thứ 15.

Sở dĩ ông Rơ Lan Hieo được đề cử vào “ghế nóng” là do người làng tin rằng ông là người duy nhất biết “điều khiển” gươm thần, nói chuyện được với thần linh để chuyển tải ý nguyện của buôn làng.

Không còn người kế tục “ngôi vương” Pơtao Apui, lễ hội cúng cầu mưa trong cộng đồng người Jrai ở Phú Thiện cũng dần bị mai một. May thay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành văn hóa, cũng như sự lo lắng, trăn trở của các bậc cao niên trong làng, hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này đã được tái sinh, duy trì đều đặn ở làng Plei R,bai, xã Ia Piar, cách khu di tích “vua lửa” Plei Ơi khoảng 10km về phía Nam.

Năm nay, lễ hội cúng cầu mưa ở Plei R,bai được tổ chức quy mô, công phu và bài bản. Là lễ hội mang tính cộng đồng, nên ngay sau Tết Nguyên đán, các chủ nhân trong làng Plei R,bai đã “rục rịch” chuẩn bị. Ngoài các khoản hỗ trợ từ huyện và xã, mỗi gia đình trong làng tự nguyện đóng góp 1 ghè rượu cần cùng một số ít tiền mặt. Sau các lễ cúng nhỏ ở bến sông để xua đuổi tà ma, bà con trong làng tập trung tại nhà thầy cúng Ksor Lol bắt đầu cho lễ hội chính.

Ngay tại vị trí trang trọng nhất, một dàn cồng, trống được đặt ngay ngắn, bên cạnh là 7 ghè rượu cần cổ của con cháu 7 hộ dân có mặt trong ngày đầu lập làng. Tiếp theo là khoảng 200 ghè rượu cần (loại ngon nhất) của các gia đình trong làng đóng góp bốc mùi thơm ngất ngây. Đúng giờ Ngọ, trời trưa đứng bóng, thầy cúng Ksor Lol và một phụ tá bước vào bệ cúng trong tiếng cồng réo rắt. Sau nghi thức khấn vái các vị thần linh, thầy cúng tự tay chế nước vào các ghè rượu bày biện trước sân, sau đó số đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng lần lượt “vít cần” tất cả các ghè rượu. Trong cái nắng hầm hập của vùng “lòng chảo” Phú Thiện, hơi men cứ thế ngấm dần, ngấm dần vào nhịp thở, “tạo đà” để các chủ nhân nơi đây bước vào phần hội với các tiết mục hát hò, múa xoang được kéo dài cho đến khi... đi không nổi mới thôi.

Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện cho biết: “Cùng với khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi với qui hoạch chi tiết xây dựng 33 căn nhà sàn truyền thống, núi Chư Tao Yang, Ao Ơi Y, khu nhà mồ, nhà trưng bày, nhà Pơtao Apui đời thứ 14 Siu Luynh, bến sông và hai điểm đến khác là chùa Quang Sơn, hồ Ayun Hạ, chúng tôi tiếp tục đầu tư và kêu gọi các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm xây dựng Phú Thiện trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong thời gian tới...”.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ve-que-huong-vua-lua-xem-le-hoi-cau-mua/