'Về quê hương, tôi sẽ kể chuyện Việt Nam'

Báo chí các nước khi đề cập đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Việt Nam thì cũng nhắc đến 'điểm sáng' là cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Câu chuyện về viên sĩ quan Cảnh sát Hoàng Gia của Anh Quốc (BN 57) và anh Koma…(BN 370), quốc tịch Serbia được các y bác sĩ ở Quảng Nam và Quảng Ngãi cứu sống là một phần trong câu chuyện này.

Cảnh sát Hoàng gia Anh

Sáng ngày 16/3/2020, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trở nên hơi ngột ngạt một cách khác thường. Các y bác sĩ, dù có kinh nghiệm đến đâu, nhưng lần đầu tiên nhận được thông báo “có bệnh nhân dương tính COVID-19” thì ai cũng có cảm giác lo âu, cổ họng đắng, khát nước. Ca dương tính đầu tiên nhập viện, có bệnh viện thậm chí còn không thông báo chính thức, mà chỉ đưa ra thông tin gói gọn “trực tăng cường, dọn phòng, có bệnh nhân nặng…”.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền chọn một bệnh viện bỏ hoang, cách xa khu dân cư, không có bệnh nhân (từng là Bệnh viện Đa khoa Dung Quất), cải tạo lại thành một “pháo đài” để chiến đấu với đại dịch COVID-19. Còn tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, khi tiếp nhận ca dương tính đầu tiên, các y bác sĩ đã phải phát loa đến toàn bệnh viện để trấn an người nhà và các bệnh nhân “người mắc COVID sẽ nằm ở phòng đặc biệt…chống lây nhiễm”.

 Viên cảnh sát Hoàng Gia Anh đã chia sẻ nhiều lời ca ngợi Việt Nam.

Viên cảnh sát Hoàng Gia Anh đã chia sẻ nhiều lời ca ngợi Việt Nam.

Bệnh nhân 57 có dáng người vạm vỡ, bước chân sải dài trên hành lang ngắn rồi bước vào căn phòng được vạch một vệt màu đỏ (vùng đặc biệt nguy hiểm). Ở phía bên kia đại dương, quê hương của ông, đây cũng là những ngày u ám - vương quốc Anh có 35 người chết, 1.391 ca dương tính. Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nước Anh chỉ đi sau Ý khoảng "2-3 tuần" về quy mô lây nhiễm, và Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) có thể bị "vỡ trận".

Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt – thông tin này được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải đã giúp cho những người nước ngoài đang điều trị tại Việt Nam yên lòng.

Bác sĩ Lê Viết Nhiệm (SN 1986) và các nữ hộ lý thỉnh thoảng bước vào phòng, nhún vai, đưa ngón tay ra hiệu với BN 57 “all right - mọi cái rồi sẽ ổn”. Ngay sát Tết năm 2020, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tổ chức tổng diễn tập ứng phó với đại dịch Covid-19, vì vậy khi có tình huống thật thì mọi công đoạn được ráp nối và vận hành tương đối thuận lợi.

Tại nước Anh vào thời điểm đó, Hiệp hội Bác sĩ Vương quốc Anh (DAUK) cảnh báo về tình trạng thiếu trang bị bảo hộ cá nhân. Báo chí nước ngoài đề cập, có khoảng 50 bác sĩ thông báo rằng họ không có bất cứ vật dụng PPE nào trong tay, như khẩu trang, áo choàng, găng tay... và phải tự mua trên eBay hoặc cửa hàng. Một bác sĩ cầm tấm phim chụp phổi bệnh nhân và minh họa rằng, căn bệnh này không khác nào một quả bom nổ tung trong phổi 1 bệnh nhân – điều này quá nguy hiểm.

Quả bom trong phổi bệnh nhân là cách mà nhiều người hình dung ra căn bệnh quái ác trong những ngày đầu. Để quả bom này không phát triển xuống phổi BN 57, các bác sĩ đã thức trắng đêm và theo dõi từng nhịp thở của viên cảnh sát. Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, đơn vị phối hợp giữa việc điều trị bệnh với liệu pháp tinh thần, cộng với chăm sóc về dinh dưỡng để giúp bệnh nhân tiến triển tốt.

Kỹ sư Koma…quốc tịch Serbia, trước khi rời Bệnh viện dã chiến Dung Quất đã cho biết, “khi về quê hương tôi sẽ kể chuyện Việt Nam”.

Tại khu điều trị hiện nay vẫn lưu lại xấp thực đơn song ngữ Việt - Anh, kỷ niệm những ngày điều trị cho viên Cảnh sát Hoàng gia Anh. Thực đơn gồm các món ăn quen thuộc của người nước ngoài: khoai tây chiên, salad, thịt bò bít tết, bánh mì kẹp thịt chấm pho mát, nước trái cây…

Ngày 1/4/2020, bác sĩ Nhiệm bước vào phòng và lần thứ 3 liên tục nhún vai và thốt lên: Ok! Fine! (tốt, khỏe rồi). Đó là ngày viên cảnh sát này liên tiếp có kết quả âm tính. Ngày nhận tin vui của BN 57 thì cũng là ngày tồi tệ ở nước ông – số 1.789 người thiệt mạng. Khi rời căn phòng điều trị, vợ chồng viên Cảnh sát Hoàng gia Anh đã không tiếc lời cảm ơn và ca ngợi Việt Nam là một nước nghèo, nhưng đã ngăn chặn rất tốt đại dịch COVID-19.

Kĩ sư Serbia

Ngày 9/7/2020, đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi sau nửa năm “chờ đợi và sẵn sàng”, thì đây là một ngày nín thở. Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (được giao điều hành Bệnh viện dã chiến thời gian đầu) đặt bát cơm xuống bàn và thốt ra câu nói “cuối cùng rồi cũng đã đến…”. Cái gì đã đến? Bác sĩ Viễn không thông báo chính thức, mà chỉ thực hiện cuộc gọi khẩn, ngắn cho tất cả nhân viên “xuống ngay trong đêm nay để dọn phòng…”.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã trải qua cả năm. Nhưng nếu phỏng vấn các nhân viên y tế thì hãy hỏi về giây phút đầu tiên. Đó là cảm giác hơi ngột ngạt, đắng họng. Nỗi lo lắng khiến cho thời gian tưởng chừng như chùng lại, lắng xuống. Nhưng sau một thời gian điều trị thì tâm lý mọi người bắt đầu quen dần. Và trong đêm ngày 9/7, ca bệnh dương tính COVID-19 đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào Bệnh viện dã chiến Dung Quất. Anh Koma…, quốc tịch Serbia (BN 370), kỹ sư Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất.

Những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân 370, tôi bước qua cánh cổng của bệnh viện để quay hình ảnh những người hùng bắt đầu đi vào “phòng đỏ” – vùng đặc biệt nguy hiểm. Các bác sĩ này chỉ được “hòa nhập” trở lại sau khi bệnh nhân xuất viện, tiếp đến là cách ly. “Hòa nhập” là cụm từ các các y bác sĩ thường nhắc đến tại các căn phòng được ước định là vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh. Đó là người ở vùng nào thì chỉ được ăn cơm với người đang ở vùng đó. Sau khi điều trị xong, tự cách ly hoàn thành thì mới được ăn bữa cơm hòa nhập.

Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện dã chiến Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi .

Người kỹ sư, quốc tịch Serbia khi nhập viện đã được các hộ lý đổi sim điện thoại, kết nối zalo nhóm để có thể trao đổi, tạo tâm lý thoải mái, đáp ứng các yêu cầu, cũng như thông báo thường xuyên về tình trạng sức khỏe. Chỉ sau 5 ngày đưa về Bệnh viện dã chiến Dung Quất, kỹ sư này đã nhắn tin “Xin chào mọi người, khi nào tôi có được kết quả; khi đã âm tính thì tôi có phải tiếp tục bị cách ly thêm hay không?”. Trong nhiều tin nhắn còn lưu lại, bệnh nhân 370 luôn đều đặn “hi everyone và hỏi test resunlts” (chào mọi người, kết quả xét nghiệm của tôi ra sao?) và sau đó anh nhận được lời động viên, “nào, hãy cố lên, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp”.

Bệnh viện dã chiến Dung Quất nằm cạnh biển, xung quanh khuôn viên nở đầy hoa vàng. Những nữ hộ lý ở trong vùng đỏ, ngày đêm chăm sóc anh Kova…cũng là những cô gái xinh xắn và trách nhiệm y đức. Nữ hộ lý Nguyễn Thị Mộng Cầm, người trực tiếp ở tuyến trong đã kể lại rằng, “ngày đầu tiên anh ấy vào, em không ngủ được, nên cứ nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe ra sao, nếu có việc gì cần thì bất cứ lúc nào cũng có người chờ ở bên cạnh phòng”.

Phóng viên thông qua các bác sĩ, gởi câu hỏi phỏng vấn Kova…từ những ngày đang điều trị bệnh. Kova…luôn nhắc về sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Ngày 12/8, chàng trai này gởi lại dòng tin nhắn “các bác sĩ ở đây là những người dễ chịu nhất mà tôi từng gặp, tôi yêu đất nước này đến nhường nào, khi về Serbia tôi sẽ kể lại chuyện này, xin cảm ơn các bạn!”. Và đó cũng là ngày anh nhận thông báo “bạn đã ổn, ngày mai sẽ rời bệnh viện”.

“Vietnam has won the 19 covid campaign. I thank you!” (Việt Nam đã chiến thắng đại dịch COVID -19, tôi cảm ơn các bạn). Đó là những dòng tin nhắn mà người kỹ sư, quốc tịch Serbia đã để lại.

Lê Văn Chương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/ve-que-huong-toi-se-ke-chuyen-viet-nam-101628.html