Về Quảng Ngãi xem tuồng, Bài chòi và dân ca, kịch miền Trung

Những ngày cuối tháng 10/2018, ngay trước mùa mưa lũ miền Trung, Quảng Ngãi trở thành nơi hội tụ và tỏa sáng của những tinh hoa nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca kịch trong Liên hoan sân khấu tuồng, bài chòi và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc do UBND tỉnh Quảng Ngãi và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức từ 20 đến 28/10/2018.

Cảnh trong vở "Quyền uy và tội ác".

Thành phố bên bờ sông Trà như bừng sáng và sôi động hơn với hệ thống pano, bandroll cũng như những chuyến xe thông tin lưu động xuôi ngược trên các đường phố quảng bá cho Liên hoan. Nhà thơ Thanh Thảo, gương mặt tiêu biểu của văn nghệ Quảng Ngãi, cho biết ông rất vui vì quê hương núi Ấn, sông Trà, Lý Sơn, Dung Quất của ông, nơi sản sinh văn hóa Sa Huỳnh và những tài năng nghệ thuật kiệt xuất như Bích Khê, Tế Hanh, Lệ Thi…lại trở thành điểm đến của một sự kiện nghệ thuật mang tính quốc gia. Nhà văn, nhà viết kịch lão thành Nguyễn Thế Kỷ, người kết nối UBND Quảng Ngãi với Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức Liên hoan, người đã dốc hết công của sáng lập và duy trì hoạt động của Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và hát Hố Quảng Ngãi hàng chục năm qua, dù sắp bước vào tuổi 90, vẫn say sưa cùng trung tâm xã hội hóa của ông vượt qua cả núi khó khản để dàn dựng lại vở bài chòi “Núi rừng năm ấy”, một tác phẩm xuất sắc về lịch sử cách mạng Quảng Ngãi từng gây chấn động tại một hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cách đây gần 40 năm, để thay mặt cái nôi bài chòi Quảng Ngãi tham dự Liên hoan.

Còn các ông Đặng Ngọc Dũng (ảnh trên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thì thường xuyên có mặt ở Nhà Văn hóa Lao động, nơi diễn ra Liên hoan, để kịp thời giải quyết các công việc của Liên hoan và món quà vô giá mà các ông tặng cho các đơn vị tham dự Liên hoan là những buổi diễn đầy ắp khán giá, đầy ắp những tràng vỗ tay nồng nhiệt hưởng ứng, chia sẻ.

Cảnh trong vở "Chàng Lía"

Là Liên hoan chỉ mới được phát động từ giữa năm, trong tình hình khó khăn cùng cực của sân khấu truyền thống nói chung, nhất là của chính các bộ môn tuồng, bài chòi và dân ca kịch. Nhưng thật bất ngờ khi có tới 9 đơn vị công lập và 2 đơn vị xã hội hóa đăng ký tham dự với 15 vở diễn khá công phu mới mẻ: Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định với “Chuyện tình làng Võ”; Nhà hát tuồng Đào Tấn với “Chàng Lía”;Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế với “Hoa trinh nữ” và “Đường đến Tuần lễ vàng”; Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam với “Ký ức lửa”. Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh với “Lê Công kỳ án”; Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng với “Sơn hậu” và “Rực lửa hoàng cung”.Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với “Nước mắt đứa con út” và “Quyền uy và tội ác”; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa với vở tuồng “Trảm Trịnh Ân” và vở bài chòi “Thiên địa”. Nhà hát ca kịch Huế với “Những người mẹ”. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế với “Trò đời nghiệt ngã”.Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và hát hố Quảng Ngãi với “Núi rừng năm ấy”...

Cảnh trong vở "Chuyện Làng võ".

Liên hoan đã mở đầu không thể tuyệt vời hơn với vở tuồng “Rực lửa Hoàng cung” của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tác giá trẻ Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn trẻ Phan Văn Quang và dàn diễn viên trẻ đầy khao khát khẳng định mình của nôi tuồng xứ Quảng lần đầu xuất hiện tại một Liên hoan sân khấu toàn quốc đã làm mê mẩn đồng nghiệp cùng khán giả Quảng Ngãi bằng một vở diễn dã sử mà đầy tính thời sự, kết hợp khá sống động giữa truyền thống và cách tân trong nghệ thuật biểu diễn, giữa yêu cầu lành nghề và sự tươi mới của cảm xúc trong thể hiện nhân vật, luôn hướng đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay để lao động sáng tạo.

Cảnh trong vở "Rực lửa Hoàng cung".

Sau sự chính phục của sức trẻ Nguyễn Hiên Dĩnh trong vở tuồng “Rực lửa Hoàng cung”, trong 3 ngày đầu Liên hoan, các vở bài chòi và dân ca kịch “Ký ức lửa”, “Chuyện tình làng Võ”, “Quyền uy và tội ác”, và vở tuồng “Trảm Trịnh Ân” đều là những vở diễn rất tươi trẻ, đẳng cấp, hấp dẫn và như đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng, các vở diễn này đã thực sự đem đến cho khán giả Quảng Ngãi cơ hội được thưởng thức những bữa tiệc sân khấu đỉnh cao thịnh soạn với các bài học sống đầy chất nhân văn với các nghệ sĩ tài năng, yêu nghề đáng được ca ngợi, tôn vinh.

Cảnh trong vở "Ký ức lửa".

Chỉ mới qua 1/3 chặng đường, nhưng Liên hoan nghệ thuật tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018 tại Quảng Ngãi đã phát đi những tín hiệu vui: Trong cơn “bĩ cực”, trước cuộc tổng sắp xếp các đơn vị nghệ thuật công lập đầy thách thức, gian nan, nghệ thuật tuồng, bài chòi và dân ca kịch đang “tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng một cuộc cách mạng lấy sức trẻ và yêu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay làm tiêu chí hành động một cách quyết liệt. Và Liên hoan lần này sẽ phần nào cho ta chứng kiến cái quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông” đang diễn ra như thế nào ở nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc…

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Khoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ve-quang-ngai-xem-tuong-bai-choi-va-dan-ca-kich-mien-trung-64557