Về Phú Thọ thăm nhà cổ Hùng Lô

Nằm trong quần thể di tích làng cổ Hùng Lô - vùng đất giàu truyền thống văn hóa của người Việt xưa, những ngôi nhà có niên đại trên dưới 100 năm tuổi nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút của du khách thập phương khi đến với quê hương đất Tổ.

Cách trung tâmthành phố Việt Trì khoảng 5km, làng cổ Hùng Lô nằm cạnh dòng sông Lô cuồn cuộn chảy. Vùng đất này xưa kia được gọi là Trang Khả Lãm, qua nhiều thời kỳ làng có tên: làng Xốm, làng An Lãm, làng An Lão, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 nơi đây được đổi tên thành xã Hùng Lô.

Gian thờ tại ngôi nhà cổ thuộc xã Hùng Lô

Gian thờ tại ngôi nhà cổ thuộc xã Hùng Lô

Các nghệ nhân xưa bằng sự tài hoa, sáng tạo đã để lại cho vùng đất Hùng Lô nhiều công trình mang giá trị văn hóa có sức sống lâu bền. Trong đó, đình Hùng Lô với niên đại khoảng hơn 300 năm hiện là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ. Cùng với đó là những nếp nhà cổ có niên đại trên dưới 100 năm tuổi. Những ngôi nhà gỗ cổ nơi đây hầu hết được xây dựng trong giai đoạn cuối thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam và trong quá trình xâm lược, đô hộ của thực dân Pháp (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).

Tại làng cổ xã Hùng Lô, hiện có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng trên 100 năm. Các ngôi nhà trên do chủ sở hữu ngôi nhà đang sử dụng làm nhà ở, sinh hoạt gia đình hoặc làm nhà thờ họ. Một số hiện đang được chính quyền và các cấp quản lý tìm hiểu để phục vụ phát triển du lịch

Phần lớn các ngôi nhà được làm từ gỗ tự nhiên, được thiết kế theo kết cấu chồng rường 5 hoặc 6 hàng chân với các chi tiết hoa văn được chạm khắc tinh tế. Trên những chồng bồn, kẻ, bảy, câu đầu của những ngôi nhà cổ này đều được chạm khắc những biểu tượng lân, ly, quy, phượng (tứ linh), tùng, trúc, cúc, mai (tượng trưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông) – đặc trưng kiến trúc của làng quê Việt Nam lúc bấy giờ.

Các ngôi nhà tại làng cổ Hùng Lô có lối kiến trúc khá giống nhau, đa số có kết cấu 3 gian 2 chái (hoặc 2 dĩ) cân đối, gian giữa là nơi thờ tự, hai gian bên cạnh thường đặt giường nằm, gian buồng là của bố mẹ hoặc các con. Trong đó, nơi quan trọng nhất của ngôi nhà là gian giữa - nơi đặt bàn thờ tổ tiên được bài trí trang trọng thể hiện lòng thành kính của con cháu với thế hệ cha ông đi trước.

Du khách cùng tham gia trải nghiệm gói bánh chưng cùng với chủ nhà

Đến tham quan những ngôi nhà cổ Hùng Lô, giao lưu với chủ nhà, du khách sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc và những câu chuyện gắn với từng thế hệ đã sinh sống trong mỗi ngôi nhà. Cùng với đó, du khách còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại các khu vực làm nghề truyền thống như làm mỳ gạo, làm bánh chưng, bánh đa, kẹo vừng… Đồng thời tìm hiểu và khám phá thêm không gian của làng Việt xưa với ao làng, lũy tre, giếng làng…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người dânnơi đây vẫn bảo tồn và phát huy được những nét đẹp truyền thống, thể hiện rõ qua từng nếp nhà cổ, mái đình cùng điệu hát xoan mượt mà.... Đây không chỉ là những giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa mà còn trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên.

Ngọc Phúc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/ve-phu-tho-tham-nha-co-hung-lo-578489.html