Về nơi tìm thấy hộp vàng hoa sen thời Trần...

Việc tìm thấy hộp vàng hoa sen thời Trần - Quốc bảo Việt Nam, liệu có phải một sự tình cờ, hay là hơn thế, là điềm báo linh thiêng về tuyến hành hương lên Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật năm xưa...

Sự tình cờ vô giá

Người dân, du khách về dự lễ hội Thái Miếu nhà Trần tại xã An Sinh (TX Đông Triều).

Người dân, du khách về dự lễ hội Thái Miếu nhà Trần tại xã An Sinh (TX Đông Triều).

Nhớ về việc phát hiện hộp vàng hoa sen chiều 21/6/2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường mòn từ Trại Lốc lên chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều), nhiều người không khỏi bất ngờ. Con đường mới san gạt thênh thang, đỏ rực màu của đất đồi nguyên sơ, quả thật rất dễ lẫn với màu vàng của một chiếc hộp nhỏ như thế. May thay, Đại đức Thích Quảng Hiển, Trụ trì chùa Trung Tiết, trên đường cùng một số phật tử lên lễ Phật tại chùa Ngọa Vân, khi đi ngang qua đây đã vô tình chạm phải. Ông cũng sẽ lướt qua nếu như không có người nhắc “thầy vừa chạm vào cái gì kìa...”.

Quả đồi nơi phát hiện chiếc hộp nằm ở khu vực suối 1, thuộc xã An Sinh, TX Đông Triều, trước đây vốn là con đường mòn dẫn vào am Mộc Cảo và lên Ngọa Vân. Sự tình cờ này đã đưa lại một di vật hiếm có, bởi cho đến nay, những đồ vật làm bằng vàng, bạc phát hiện được tại các di tích khảo cổ học lịch sử ở Bắc Việt Nam khá hiếm, phổ biến nhất là đồ gốm. Riêng với Đông Triều, đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được di vật khảo cổ học bằng vàng còn nguyên vẹn rất quý giá. Hơn thế, theo PGS.TS Bùi Minh Trí, chiếc hộp còn là di vật độc nhất vô nhị hiện nay, không chỉ bởi nó được làm bằng vàng, mà hình dáng, hoa văn được tạo tác rất hoàn hảo, mang tính nghệ thuật rất cao, thể hiện rõ tính đẳng cấp của loại hình đồ vật quý dùng trong cung đình.

Hộp vàng hoa sen thời Trần - Bảo vật Quốc gia của Việt Nam.

Chiếc hộp quý hiếm vậy dùng để làm gì? Có những ý kiến khác nhau, song đều thống nhất cho rằng đây là một di vật quan trọng liên quan đến hoàng gia hoặc nghi lễ tôn giáo tôn nghiêm. TS Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá, cho rằng: Hộp hình hoa sen là bát/cốc Át già, một trong 6 pháp khí quan trọng được sử dụng trong nghi lễ Phật giáo Mật tông. Át già vốn được phiên âm từ tiếng Phạn Argha, có nghĩa là nước. Nó cũng được dùng để chỉ đặc tính tinh khiết của nước. Át già khí được dùng để chỉ cốc/bát đựng nước thơm trong nghi lễ cúng dường Phật giáo và để chỉ các vật phẩm cúng dường nói chung. TS Nguyễn Văn Anh và PGS.TS Tống Trung Tín cũng thống nhất khẳng định, di vật này có liên quan mật thiết đến di tích Ngọa Vân - nơi chỉ tồn tại các công trình và hoạt động tu tập khi Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông lên đây lập am vào tháng 5/1307, hoặc di tích Mộc Cảo - nơi Thuận Thánh Bảo từ Hoàng Thái hậu lui về dựng am trông nom phần mộ của vua Trần Anh Tông sau năm 1320.

Sự đổi thay trên quê gốc nhà Trần

Người dân chiêm ngưỡng phiên bản hộp vàng tại Khu trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần tại đền An Sinh (TX Đông Triều).

Chiếc hộp nhỏ quý hiếm tựa đóa sen vàng “mãn khai” nay đã được tôn vinh đúng với giá trị của nó khi được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam. Hộp nay được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Quảng Ninh, nơi có hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế tham quan hằng năm. Phiên bản của chiếc hộp cũng được chế tác, đặt trang trọng tại Khu trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần tại đền An Sinh - nơi thờ các vua nhà Trần tại Đông Triều, để người dân trên vùng quê gốc của nhà Trần cũng như du khách gần xa thưởng lãm mỗi dịp ghé thăm.

Kể từ năm 2012 khi phát hiện chiếc hộp vàng, vùng đất nơi sở hữu các di sản nhà Trần nay cũng đã đổi thay rất nhiều. Các tuyến đường đất dẫn vào các di sản nay đều được bê tông hóa sạch, đẹp. Trong đó, riêng với Ngọa Vân, du khách có thể vào thẳng suối Phủ Am Trà theo lối hành hương bộ, hoặc đi theo lối cáp treo chỉ vài phút để lên chùa Ngọa Vân. Chùa Ngọa Vân cũng không còn là khu chùa đổ nát năm nào, mà đã được khôi phục lại khang trang, to đẹp hơn, hằng năm đều mở hội xuân rộn ràng bước chân khách hành hương. Thái Miếu, chùa Trung Tiết đã khánh thành, chùa Quỳnh Lâm đang trong quá trình đầu tư các tòa lớn... Tương lai của quần thể di sản nhà Trần còn rộng mở khi các tập đoàn lớn, như MyWay, Vingroup đồng hành tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tôn tạo các điểm di tích còn lại, như: Am Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bậc, chùa Hồ Thiên, đền An Sinh, lăng mộ các vua Trần...

Các xã tập trung chủ yếu các di sản nhà Trần như An Sinh, Bình Khê, Tràng An... nay đã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hoặc trong lộ trình lên phường. Đây cũng là những vùng trồng cây ăn quả đặc sản, nơi tập trung nhiều những trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Đông Triều, đời sống nhân dân no ấm, hạnh phúc hơn. Xuân về, người dân vốn quanh năm bận rộn với đồng ruộng cũng không quên dành thời gian vui chơi, tận hưởng không khí các lễ hội mùa xuân quê hương, từ Ngọa Vân, Thái Miếu, Quỳnh Lâm...

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201903/ve-noi-tim-thay-hop-vang-hoa-sen-thoi-tran-2425342/