Về nơi phát tích chữ Quốc ngữ

Thời chúa Nguyễn, vùng đất Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) không chỉ được biết đến là một trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng thứ 2 sau kinh đô Phú Xuân (Huế), mà nơi đây còn được biết đến là một trong những cái nôi ra đời của chữ Quốc ngữ -là công cụ vô cùng quý giá cho chúng ta sử dụng, giao lưu và hội nhập với thế giới ngày nay.

Đình Thanh Chiêm nằm trong khuôn viên Trường THCS Nguyễn Du, được công nhận di tích Quốc gia năm 2017.

Năm 1602, nhận thấy vùng biên thùy ở phía Nam (đất Điện Bàn xưa) là nơi hiểm yếu, lại có vị thế địa chiến lược quan trọng nên Chúa Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn nhậm. Một thời gian sau, vùng đất này trở nên trù phú, nhân dân an cư, lạc nghiệp. Cũng trong thời gian này, cùng với sự phát triển ở cảng thị Hội An, là nơi tập trung các thuyền buôn nước ngoài đến giao lưu buôn bán, truyền đạo đã giúp cho Quảng Nam trở thành một trung tâm đối ngoại, kinh tế quan trọng bậc nhất ở xứ Đàng Trong. Cũng từ đó, Thiên Chúa giáo có cơ hội du nhập vào Thanh Chiêm, là tiền đề cho sự ra đời chữ Quốc ngữ. Quan điểm trước đây cho rằng, Alexandre de Rhodes chính là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, bởi ông có công tu chỉnh, hoàn thiện và xuất bản hai cuốn sách quan trọng là Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày vào năm 1651. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nghiên cứu đã tìm ra các tư liệu mới chứng minh Francisco de Pina mới là người đi đầu, tạo nền tảng trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ.

Francisco de Pina sinh năm 1585 ở Guarda, Beira Alta (Bồ Đào Nha), gia nhập Dòng Tên năm 1605, đến năm 1616 ông được thụ phong linh mục (LM). Năm 1617, ông cập bến Đà Nẵng sau đó chuyển vào Hội An. Giai đoạn đầu khi đặt chân đến Đàng Trong, sự khác biệt về văn hóa, sự phản đối của chính quyền, đặc biệt khác lạ về ngôn ngữ là thách thức lớn trong vấn đề truyền đạo đối với LM Pina, nên việc ông làm đầu tiên khi đến Việt Nam là trực tiếp học tập tiếng Việt. Pina gấp rút học tiếng Việt với một nỗ lực phi thường, thời gian sau, ông đã nhanh chóng vượt qua rào cản ngôn ngữ và nói thành thạo tiếng Việt, được xem là người giỏi tiếng Việt nhất lúc bấy giờ, tự mình có thể truyền giáo mà không cần người thông ngôn. Cùng với quá trình chuyên tâm học tiếng Việt theo cách riêng của mình, ông còn ra sức tạo ra một loại chữ viết mới để phiên âm ra tiếng Việt những cuốn kinh Thánh phục vụ cho công cuộc truyền giáo. Dấu mốc quan trọng nhất là vào đầu năm 1618, LM Pina cùng với một giáo dân học thức người Việt có tên đạo là Phêrô dịch ra tiếng Việt cuốn Kinh Lạy Cha cùng với một số kinh căn bản khác trong giáo lý Công giáo. Đây là tư liệu rất quý giá, cho thấy sự bắt đầu chữ Quốc ngữ là đầu năm 1618, đồng thời khẳng định, sự cố gắng vượt bậc của ông cùng với sự hỗ trợ của các nhà tri thức người bản xứ, họ là những thanh niên giáo dân, các nho sĩ, tại vùng đất Thanh Chiêm... là những cộng tác viên đắc lực của LM Pina trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Khoảng năm 1622-1623 đánh đấu một mốc quan trọng tiếp theo trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Trong thư Francisco de Pina viết vào thời gian này đã nhắc đến việc ông soạn sách chữ Quốc ngữ: "Phần con, đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt], và con đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp". Bên cạnh đó, Pina còn dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes, hai người học trò, một người sau này rất được xưng tụng trong lĩnh vực ngôn ngữ Việt học là Alexandre de Rhodes và Thanh Chiêm được xem là một trong những trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của cả nước...

Tìm về trấn Thanh Chiêm, chúng tôi không khỏi tiếc nuối, bởi, trải qua bao thăng trầm, thay đổi của lịch sử, hầu như Dinh trấn nay chỉ còn là phế tích. Trong quá trình hỏi thăm về những dấu tích Thanh Chiêm xưa ở Điện Bàn, chúng tôi may mắn gặp thầy Nguyễn Hữu Hoàng-Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, là người sinh ra và lớn lên tại đây và cũng có thời gian nghiên cứu về vùng đất này. Thầy Hoàng cho biết, qua 416 năm, hiện nay những dấu tích về một thời vang bóng của trấn Thanh Chiêm đã bị phủ theo lớp bụi thời gian, tuy vậy vẫn còn sót lại một số dấu tích như đền thờ Thánh Anrê Phú Yên, tương truyền trên mảnh đất này là nơi đặt trụ sở truyền giáo Dòng Tên do LM Pina làm quản lý và cũng có thể từng là "trường dạy" chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Thanh Chiêm, hay Đình làng Thanh Chiêm hiện nay nằm ngay trên khuôn viên tại trường Nguyễn Du. Đặc biệt, khi được thầy Hoàng giới thiệu vào bên trong Đình, chúng tôi bắt gặp một dòng ký tự trên văn bia có khắc "Ngay trên khu đất lịch sử này, năm 1602 chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho lập Dinh trấn Quảng Nam gọi là Dinh Chiêm", một cảm xúc vui sướng vỡ òa bởi sự may mắn, những nỗ lực tìm kiếm không quản khó nhọc của chúng tôi đã được đền đáp. Đứng trên khu đất cổ này, chúng tôi có cảm giác như đang ngược về hơn 4 thế kỷ trước, đây là một Dinh trấn nguy nga, tráng lệ, bề thế bậc nhất ở xứ Đàng Trong. Đâu đây, hiện lên hình ảnh về ngôi trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên do các giáo sĩ mà đi đầu là LM Pina cùng các cộng sự đắc lực là những nhà tri thức bản xứ đã cùng sáng tạo nên chữ Quốc ngữ... Để rồi sau đó, mọi cảm xúc chỉ trong phút chốc tan biến, nhường chỗ cho sự nuối tiếc về những dấu ấn vàng son một thời của Dinh trấn phồn hoa...

NGỌC QUỐC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_199764_ve-noi-phat-tich-chu-quoc-ngu.aspx