Về nơi 'nước nổi nhà chìm'

Nếu ai đã từng về Tân Hóa, được mệnh danh là rốn lũ của Quảng Bình trong mùa mưa lũ mới thấu hết câu 'nước nổi nhà chìm' của người dân nơi đây.

Du khách chuẩn bị xuất phát khám phá hệ thống hang động Tú Làn

Du khách chuẩn bị xuất phát khám phá hệ thống hang động Tú Làn

Chính quyền từng tính đến nhiều phương án giúp Tân Hóa tránh lũ nhưng bất thành. Trong cơn bĩ cực, người dân Tân Hóa vươn lên, trở thành một hình mẫu vượt nghịch cảnh.

Ngạc nhiên Tân Hóa

Trận lũ lịch sử năm 2010 nhấn chìm toàn bộ xã Tân Hóa. Người dân chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người” lên núi trú ẩn. Cả nước lúc đó rúng động, khi mà cả xã gần 1.000 nóc nhà đều chìm trong biển nước. Đói rét, bệnh tật bủa vây người dân Tân Hóa gần nửa tháng trời nơi bìa rừng.

Đón chuyến hàng cứu trợ của báo Tiền Phong lên Tân Hóa vào thời điểm đó, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa nghẹn ngào: “Tân Hóa giờ không còn gì, chỉ còn sót lại người thôi chú à!”. Khi thuyền đi qua vùng nước có mấy ngọn cây bạch đàn nhô lên, ông Bình dùng cây sào dài hơn 3 mét thọc xuống dòng nước khua khoắng nhưng chẳng trúng thứ gì, ông buồn rầu nói “nhà tui ở dưới này”.

Trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ, huyện Minh Hóa và tỉnh Quảng Bình lúc đó đã tính đến phương án giúp người dân Tân Hóa tránh lũ. Hai giải pháp được đưa ra là di dời dân đi nơi khác hoặc phá núi khơi thông dòng chảy, nhưng bất thành vì kinh phí quá lớn.

Không còn cách nào khác, người dân Tân Hóa đành phải tìm cách “sống chung với lũ”. Bằng kinh nghiệm hàng ngày vượt sông suối bằng bè, mảng, họ đã tự thiết kế cho mình nhưng ngôi nhà bè nổi trên mặt nước. Mỗi chiếc nhà bè rộng từ 15 đến 20m2, được chồng lên từ 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước lên là nhà nổi và được cố định bằng dây néo. Lũ về, trên ngôi nhà bè ấy, là nơi cư trú cho cả gia đình 8 đến 10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, lương thực, lợn, gà..., thậm chí là hàng quán phục vụ người dân trong những ngày mưa lũ kéo dài.

Trận lũ mới đây vào tháng 10/2019 cũng không kém phần khốc liệt, gần 50% ngôi nhà của Tân Hóa bị lút nóc. Nhưng người dân nơi đây vẫn ung dung tự tại trên ngôi nhà bè của mình.Trên chiếc thuyền máy chạy vòng vòng thăm hỏi bà con tình hình lũ lụt,khác với gương mặt thất thần trong trận lũ 2010, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cười nói: “Chú coi, lũ lụt to rứa mà cả Tân Hóa không một ai phải chạy vào rừng. Với phương châm “bốn tại chỗ” như hiện nay, người dân Tân Hóa có thể “đấu” với lũ lụt cả tháng mà không sợ thiếu lương thực, thực phẩm”.

Thuyền cập vào một nhà bè khá lớn, bày biện đủ thứ hàng hóa, phía trong có một nhóm đàn ông đang nhâm nhi rượu cùng con gà luộc vàng ươm. Họ là những người vừa lên núi chăn bò trở về, hẹn nhau làm tí rượu cho đỡ lạnh. Bà Trương Thị Anh Đào, chủ chiếc nhà bè đặc biệt này hồ hởi chào mời: “Các chú mua chi nào, ở đây cái chi cũng có, giá cả không khác chi ngày thường”.

Phát triển du lịch

Năm 2012, Công ty Du lịch mạo hiểm Oxalis lần đầu tiên đưa khách du lịch đến Tân Hóa để khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Ngày đó, người dân Tân Hóa vừa trải qua cơn đại hồng thủy, cuộc sống vô cùng khó khăn và hoàn toàn xa lạ với khái niệm du lịch. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, người dân Tân Hóa đã phối hợp với Công ty Oxalis để làm hài lòng du khách trong và ngoài nước.

Là một công ty du lịch luôn đề cao bảo vệ môi trường, Oxalis đã cùng với lãnh đạo địa phương tìm các giải pháp, quyết tâm đưa Tân Hóa trở thành hình mẫu thân thiện với môi trường. Một chiến dịch đưa chuồng trại chăn nuôi rời xa khu dân cư được thực hiện. Ban đầu không ít người dân phản đối, họ cho rằng như thế là bất tiện cho việc chăm sóc cũng như bảo vệ vật nuôi. Nhưng với một chủ trương đúng, lại được Oxalis hỗ trợ một phần kinh phí, người dân dần dần cũng thấu hiểu và cùng nhau thực hiện. Hàng loạt khu chuồng trại được thiết kế kiên cố liên tiếp mọc lên nơi bìa rừng.

Từ thành công ban đầu, Công ty Oxalis và lãnh đạo xã Tân Hóa tiếp tục mạnh dạn đề ra nhiều chương trình hành động thiết thực cùng với người dân chung tay bảo vệ môi trường như: Xây dựng nhà vệ sinh tự hủy, đặt hàng trăm thùng đựng rác dọc theo đường làng, ngõ xóm, trồng cây bản địa để làm hàng rào thay thế cho bê tông cốt thép… làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Tân Hóa.

Không chỉ người dân Tân Hóa hài lòng với thành quả của mình, mà những du khách đã từng đến đây đều rất ấn tượng với một Tân Hóa xanh, sạch, đẹp. Anh Deirdre Osegan, một du khách đến từ Đan Mạch đã rất ngạc nhiên khi nói về Tân Hóa: “Đến Tân Hóa tôi thực sự ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Đặc biệt, người dân rất ý thức trong việc gìn giữ môi trường. Nhìn cách họ dọn từng cọng rác dọc đường khiến tôi rất ngạc nhiên. Ngay cả cư dân ở những thành phố lớn không phải ai cũng có ý thức tốt như thế”.

Không chỉ bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, người dân Tân Hóa bắt đầu ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Gần 100 sơn tràng bỏ hẳn nghề đốn gỗ để gia nhập đội quân phục vụ khách du lịch. “Tây họ yêu thiên nhiên lắm! Một cây cổ thụ, một con suối mát cũng có thể níu chân họ cả ngày. Giờ ai đụng vào cây rừng, không chờ đến kiểm lâm mà mỗi người dân chúng tôi đều ra tay ngăn chặn” - anh Cao Văn Tình, một người dân Tân Hóa nói.

Theo ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, mỗi nhà dân ở Tân Hóa hiện nay đều có thể làm nơi cư trú cho du khách khi đến Tân Hóa. “Trong cuộc đua Tú Làn Rây, Công ty Oxalis đưa về Tân Hóa hơn 300 du khách và đều được phân về ở nhà dân. Người dân phục vụ du khách từ ăn uống, đến ngủ nghỉ, vậy mà khi ra đi không hề có điều tiếng gì, toàn là những lời khen ngợi từ du khách” - ông Bình tự hào nói.

Theo thống kê, mỗi năm Tân Hóa đón hơn 7.000 khách về khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Hàng trăm người dân Tân Hóa có thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp từ hoạt động du lịch. Từ mỗi năm Tân Hóa thu ngân sách được vài triệu đồng, nay lên đến gần 1 tỷ đồng, phần lớn nguồn thu từ du lịch.

Một chiếc nhà bè của người dân Tân Hóa

Làm tour khám phá lũ lụt

Một ý tưởng “điên rồ” của ông chủ Oxalis đang dần thành hiện thực, đó là đưa du khách khám phá lũ lụt ở Tân Hóa. Ông Nguyễn Châu Á cho biết, trong những lần mang hàng cứu trợ lũ lụt lên Tân Hóa, ông bất ngờ phát hiện, trong nước lũ, Tân Hóa đẹp không thua gì Vịnh Hạ Long. Ông đã đưa thử một vài du khách theo cùng và họ rất thích thú. “Làm du lịch bây giờ không thể theo lối mòn, cần có cách nghĩ khác, cách làm khác. Chúng tôi đang lên kế hoạch, với hạ tầng “sống chung với lũ” như ở Tân Hóa hiện nay, tôi tin sẽ rất thành công. Người dân Tân Hóa sẽ làm du lịch trong lũ và có thu nhập trong lũ” - ông Á khẳng định.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ve-noi-nuoc-noi-nha-chim-1504483.tpo