Về nơi nước chảy chia hai

Có thể nói, huyện Nhà Bè ngày nay vẫn còn lưu giữ ít nhiều hình ảnh của Gia Định xưa với những cánh rừng đầy bần, mắm, dừa nước trải dài theo những con rạch chằng chịt ngang dọc vùng đất này. Với đặc điểm sông nước, bảy tháng mưa, năm tháng nắng, nơi này vẫn còn lưu giữ những đặc sản hiếm có, ít nơi nào sánh bằng.

Tên gọi “Nhà Bè” bắt nguồn từ đâu?

Hàng trăm năm đã trôi qua nhưng “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” đã trở thành một trong những câu ca phổ biến nhất khi nói về vùng đất Gia Định - Đồng Nai của phương Nam này. Cho đến nay, nơi con nước được “chia hai” ấy vẫn còn nhiều tranh cãi.

Có người cho rằng địa danh được nhắc tới trong đó là ngã ba Phú Mỹ, hay còn gọi là Mũi Đèn Đỏ hiện nay, vì là nơi hợp lưu của hai con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đó cũng là nơi tương truyền khi xưa, vào giữa thế kỷ 18 có ông Thủ Huồn (tên thật Võ Thủ Hoằng), làm việc trong nha môn nhưng chủ tâm nhiều việc ác nhằm vơ vét tiền của bá tánh.

Sau một đêm nằm mơ, tìm đến chợ Mãnh Ma, gặp được người vợ yêu đã mất và được nàng đưa đi tham quan địa phủ, tận mắt nhìn thấy chiếc gông dành cho mình sau khi chết nên tỉnh ngộ, trở về làm nhiều việc thiện để chuộc lỗi. Trong đó có việc ông dành hết tài sản còn lại dựng căn nhà chòi trên chiếc bè cây ở ngã ba sông này lấy nơi làm phước, giúp người qua lại khúc sông khỏi đói khát.

Về sau, nhiều thương hồ tụ tập, bắt chước làm nhà trên bè để buôn bán, vì thế khu vực này trở nên sầm uất và địa danh “Nhà Bè” cũng bắt đầu từ đó.

Ngã ba sông Mũi Đèn Đỏ hiện nay - nơi cho ra đời tên Nhà Bè. Ảnh: Lê Quân

Cũng có thuyết khác cho rằng, khúc sông chia hai trong câu hát là địa danh ngã ba sông Nhà Bè - nơi giao lưu của hai con sông Lòng Tàu - Soài Rạp, cũng chính là nơi TPHCM đang vận hành phà Bình Khánh nối với huyện đảo Cần Giờ hiện nay, vì con sông Nhà Bè dài chỉ non chục cây số, bắt đầu từ cầu Phú Mỹ đổ đến ngã ba Bình Khánh, tới đây thì mới chia hai ngả tạo thành Lòng Tàu và Soài Rạp để đổ ra biển.

Thuyết nào cũng có lý, song thực tế nếu vào từ cửa sông Nhà Bè thì đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ dòng sông mới chia thành hai nhánh: một đi vào Sài Gòn - Gia Định gọi là sông Sài Gòn và một hướng về Biên Hòa - Đồng Nai gọi là sông Đồng Nai. Bởi vậy, địa danh được nhắc tới trong câu hát trên, theo tôi, có lẽ chính là ở khúc sông này, vì tại đây nếu đứng trên cầu Phú Mỹ quan sát sẽ thấy dòng nước chia hai rõ nhất, tạo nên nhánh rẽ rất rõ ràng.

Đặc sản nơi nước chảy đôi dòng

Nói đến Nhà Bè mà không nhắc tới dòng sông cùng tên và những đặc sản như cá chìa vôi, cá dứa, cá bống dừa thì quả là có phần thiếu sót. Từ xa xưa, con cá chìa vôi đã trở thành món ăn của người lắm tiền nhiều của ở vùng này; còn cá dứa và bống dừa nhờ đặc điểm của vùng đất nước lợ khiến thịt ngọt, thơm và ngon hơn nhiều chỗ khác, song ít người biết Nhà Bè còn có đặc sản ngon "nhức nách" là cua biển.

Một con cá chìa vôi lớn từng được đánh bắt tại sông Nhà Bè.

Cá chìa vôi giờ chỉ bắt được những con nhỏ như thế này. Ảnh: ST

Ngày nay cá chìa vôi ở Nhà Bè rất hiếm, ngay cả quán Tư Tàu ở lối vào kho C, nơi chuyên phục vụ món lẩu cá này, cũng không có sẵn cá trong hồ. Những người đi đặt đáy cho biết, do môi trường sống thay đổi, tốc độ đô thị hóa đã ảnh hưởng đến vùng đất Nhà Bè, dẫn đến cá chìa vôi cũng ngày càng hiếm, họ chỉ bắt được chúng sau ngày rằm, khi con nước triều đạt đỉnh cao nhất và cũng chính là lúc loài cá chuyên sống ở tầng đáy vào bờ và sa đáy.

Thưởng thức món cá chìa vôi, ngoài cái xương cờ trên lưng, để phân biệt thật giả thì phải... xơi luôn đầu mới biết, vì đầu của loài cá này có hai cục xương tròn, to, dài như ngón tay cái nằm hai bên hõm má. Da cá rất dày, đánh vảy khá khó khăn vì cứ dính với da như keo dán sắt, vì thế mà thịt cũng rất dai và ngọt. Có lẽ do trên lưng loài cá này có đoạn gai dài như cái chìa vôi của các cụ bà ăn trầu nên được đặt chết tên như vậy.

Cá chìa vôi khi sa đáy chỉ chừng nửa giờ là ngộp nên ngư dân khi bắt được phải phóng xe máy đem bán cho mối ngay mới được giá, có lúc lên tới gần 2 triệu đồng/ký. Hiện trong Sách đỏ Việt Nam, cá chìa vôi cũng là loài cần được bảo vệ.

Ở sông Nhà Bè bây giờ, cá dứa cũng chẳng còn mấy. Đây là loài cá da trơn, nhìn rất giống cá tra nhưng con nhỏ, to nhất cũng chỉ cỡ 2 ngón tay người trưởng thành, mỡ trắng chứ không vàng như cá tra. Ngày Tết, đi đâu cũng thấy bia, rượu, chả thịt, nên chỉ cần dăm con cá dứa sông Nhà Bè nấu ngót mới thấm hết hương vị đặc sản vùng này.

Còn nói về cua biển thì phải nhắc đến một nhân vật mà ở chợ Phú Xuân hiện nay ai cũng biết, đó là ông Sáu Mới, hay còn có tên khác là Sáu Cua, Sáu Cây... Người đàn ông này tên thật là Nguyễn Văn Mới (68 tuổi, hiện ngụ tại ấp 5B, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè).

Sở dĩ ông có tên là Sáu Mới là do ông thứ 6; Sáu Cua là do cả đời người đàn ông này chỉ chuyên bắt cua kiếm sống; còn Sáu Cây là cái tên liên quan đến một chuyện "dở khóc dở cười" của người đàn ông này.

Tìm đến căn nhà tình thương do UBND xã Phú Xuân cất cho chị em ông Sáu Cua vào một buổi chiều cuối năm, sau trận bão, lụt lịch sử của TPHCM năm 2018, tôi may mắn gặp ông Sáu đang ở nhà. Nghe khách lạ hỏi mua cua, ông lắc đầu: “Hổng có đâu!”, rồi giải thích: “Mấy tháng nay nước lớn ngọt ngay, con cua nó không chịu ở. Chừng hơn tháng nữa, hết mưa nước mặn mặn thì mới có”.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện xưa, người đàn ông này như chạm đúng đài, chắc lưỡi xuýt xoa: “Cua Nhà Bè ngon lắm! Tôi bắt cua từ năm 10 tuổi nên biết rõ. Vùng Nhà Bè này, ở Hiệp Phước nhiều cua vì nước mặn hoài, lại ở gần rừng Sác. Còn mình ở đây xa, hễ mưa xuống, nước ngọt rồi là không có. Chừng nào ngưng mưa lâu lắm mới mặn lại, con cua lớn mới chịu vô.

Bây giờ lấp cát nhiều nên cua hết rồi... Hồi trước, đất ruộng ở vùng năm sáu xã huyện Nhà Bè này chưa bị phèn hóa nên hễ mưa xuống là tôi đi bắt cua. Lúc đó đất sanh cua nhiều lắm, mình đi bắt chúng đỡ cực hơn gieo mạ. Khi nước lớn, con cua lội dọc mé sông, chỗ nào nước rút vô là nó biết vàm rạch hoặc khe, theo rạch vào tìm chỗ đất cao ráo rồi lựa lúc nước kém đùn đất làm hang. Từ sông lớn vô vàm rạch, quẹo chỗ này chỗ kia tới sáu bảy cây số mà hàng ngàn con cua chẳng lạc hang bao giờ...”.

Với gần 60 năm bắt cua, biết rõ từng đặc tính của loài này, cái tên Sáu Cua đã gắn chặt với cuộc đời ông Mới là thế. Còn tên Sáu Cây lại là một câu chuyện khác, xuất hiện sau khi ông Sáu trúng độc đắc được 6 tờ vé số, tương đương 6 cây vàng, nên người ta gọi ông là “Sáu Cây”. Nghe nhiều người kể lại, hồi đó ông Sáu đi bắt cua ở Phước Long nhưng hay thiếu tiền đò nên người lái đò không chịu chở.

Tức mình, ông Sáu vái trời cho trúng số và hứa nếu được sẽ sắm cái ghe cho người khác đi không lấy tiền. Quả nhiên ông Sáu trúng số thật, nhưng lại quên không thực hiện lời hứa, nên chỉ nửa năm sau đó ông đã bị người ta lừa, ăn chơi cạn túi...

Có lẽ mai đây với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và ý thức bảo vệ thiên nhiên ngày càng kém thì chỉ vài năm nữa, con cua tự nhiên, đặc sản nức tiếng vùng sông Nhà Bè sẽ chỉ còn trong ký ức!

Quang Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/o-noi-dong-song-nuoc-chay-chia-hai_69188.html