Về nơi Hai Vua Bà

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta tự hào có hai vị nữ Vương đã từng quét sạch ngoại xâm ra khỏi bờ cõi; đặt nền móng dựng xây nên ý chí quật cường, khí phách, tinh thần của Đại Việt. Hai vị nữ vương ấy là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Vì sao Hai Bà chọn Hát Môn làm đất dụng binh, khởi nghĩa

Trải qua gần 2000 năm, trên dải đất của Tổ quốc Việt Nam hôm nay có rất nhiều nơi thờ cúng, tưởng nhớ hai người phụ nữ, hai Vua Bà đã làm rạng danh non sông. Ba địa danh có đền thờ lớn nhất liên quan mật thiết đến lịch sử và truyền thuyết về Hai Bà, đó là: Đền thờ Hai Bà ở phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; đền thờ Hai Bà ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và đền thờ Hai Bà ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.

Một ngày đông của xứ Bắc có nắng vàng nhẹ nhàng như ánh vàng của những giọt mật ong rừng, chúng tôi tìm về nơi có nhiều huyền thoại, truyền thuyết và những tư liệu lịch sử nhất về Hai Bà, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, cách trung tâm Hà Nội gần 40 cây số. Chính tại nơi đây Hai Bà đã dựng cờ khởi nghĩa, tiến đánh giặc rồi cầm cự, lui về và tuẫn tiết.

Tượng Hai Bà Trưng được thờ tại đền Hát Môn.

Tượng Hai Bà Trưng được thờ tại đền Hát Môn.

Một câu hỏi cứ lởn vởn trong tâm trí chúng tôi, tạo sao Hai Bà lại chọn nơi đây làm đất dụng binh, phất cờ khởi nghĩa? Về đây, gặp các cụ trong ban quản lý di tích, cụ thủ từ và một số cao lão trong làng thì điều ấy đã được giải tỏa. Không biết bao đời, nơi đây vẫn truyền tụng câu:

Hát Môn có đất dụng binh
Sông sâu làm cứ rừng xanh làm nhà.

Theo các cụ, Hát Môn cách đây gần hai nghìn năm là nơi đất cao ráo, phía trước có con sông Hát Giang mênh mông, phía sau là rừng rậm và sau nữa có dãy núi Ba Vì che chắn. Hát Môn xưa thuộc vùng đất Mê Linh, quận Giao Chỉ thời nhà Hán.

Hát môn là vùng đất cổ của xứ Đoài, dưới góc độ của các nghiên cứu địa lý và sử học đều cho rằng Mê Linh là hữu ngạn sông Hồng đời Hán không ăn sang Phúc Yên, Vĩnh Yên; huyện Phúc Thọ nay chính là vùng đất có tên gọi Phúc Lộc xưa, kéo dài mãi tới xã Đường Lâm thuộc Sơn Tây ngày nay. Theo các tài liệu lịch sử quá ít ỏi về nguồn gốc của Hai Bà và theo thần phả tại đền Hát Môn, mẹ của Hai Bà là bà Man Thiện người làng Nam Nguyễn, Ba Vì; sau chép tên là Trần Thị Đoan.

Như vậy, gốc tích Hai Bà là người Việt cổ sinh sống ở vùng xứ Đoài ngày nay. Và, Hát Môn chính là quê hương của Hai Bà cũng được bia làm năm Bính Thìn (1736 ), đời Vĩnh Hựu ghi: " ... phải kỳ đại hạn, năm 1142, vua Anh Tông nhà Lý sai Cảm Tĩnh Thiền sư đến đảo vũ.

Quả nhiên được mưa, trời mát, vua vừa thiu thiu ngủ mộng thấy Hai Bà đội mũ hoa sen, mặc áo xanh, thắt đai và quân kỵ theo hầu tiến lên trước mặt vua mà nói: Chúng tôi là hai chị em họ Trưng phụng mệnh trời làm mưa. Vua tỉnh dậy bèn cho sửa lại ngôi đền và dâng lễ khấn rước về Kinh sư. Ít lâu sau Hai Bà báo mộng xin vua cho dựng đền ở quê hương xưa (chính là xã Hát Môn), vua ưng thuận".

Tương truyền, bà Man Thiện kết duyên với ông Hùng Định thuộc dòng dõi các Vua Hùng, làm quan Lạc tướng ở huyện Mê Linh. Hai ông bà tuổi đã cao nhưng vẫn hiếm muộn đường con cái. Một đêm trong giấc chiêm bao, bà Đoan thấy mình được Tiên ban cho một cành mẫu đơn có hai bông hoa trắng muốt. Sau đó bà mang thai và sinh được hai cô con gái nhằm ngày 1 tháng 8 năm Giáp Tuất (14 Sau Công nguyên).

Đến nay các nguồn tài liệu vẫn cho rằng Hai Bà là chị em sinh đôi. Lớn lên trong gia đình Lạc tướng, Trưng Trắc, Trưng Nhị sớm có tư chất thông minh lại được cha truyền dạy nhiều về võ nghệ và kiến thức thời ấy. Khi ông Hùng Định qua đời, bà Đoan tiếp tục nuôi dạy con theo hướng của chồng. Hay tin có ông Đỗ Năng Tế và bà Tạ Cẩn Nương ở làng Khánh Hợp (nay là xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) là người hiền tài, giỏi việc quân; bà liền mời về dạy dỗ cho con.

Lớn lên, Hai Bà trở thành người giỏi võ công, văn trị. Năm 19 tuổi, Trưng Trắc kết duyên với Thi Sách - con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Khi ấy, nước ta đang bị Bắc thuộc, thái thú Tô Định rất tàn ác, bạo ngược. Hai gia đình Lạc tướng đã ngầm mưu tính việc lớn; bí mật liên lạc với các thủ lĩnh ở mọi miền đất nước. Thi Sách bị thái thú Tô Định sát hại.

Hai Bà đã chọn nơi thế đất cao ráo, bằng phẳng lại ngay cửa sông Hát Giang để dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ hiền tài, hội quân. Mùa xuân năm 40, ở bãi Tràng Sa cửa sông, Hai Bà đã cho lập đàn tế cờ. Trên đàn thề bà Trưng Trắc dõng dạc đọc lời thề:

Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin ven vẹn sở công lênh này.

Thế rồi trên bành voi chiến, Hai Bà đã chỉ huy nghĩa quân ào ào tiến đánh các thành Mê Linh, Cổ Loa, Luy Lâu và các nơi khác. Trong khoảng thời gian ngắn đã thu về 65 thành, giải phóng toàn bộ giang sơn. Khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà đóng đô tại Mê Linh.

Nơi Hai Bà tuẫn tiết

Từ trước đến nay, mọi tài liệu và sử sách đều ghi Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở sông Hát Giang. Tuy nhiên, không ai chỉ ra được cụ thể nơi ấy, mà vẫn là chung chung. Thật may, chúng tôi gặp được cụ Hoàng Vĩ, một cao lão ngoài 80 tuổi trong thôn, cụ cho biết: Theo các cụ truyền lại đến ông nội rồi bố cụ, thì khu đền thờ Hai Bà rộng khoảng trên 2 ha hiện nay nằm trên đất cửa sông Hát Giang ngày xưa. Cũng chính là nơi Hai Bà đã lập đàn thề khởi nghĩa.

Cửa đền hôm nay chính là cửa sông Hát Giang ngày xưa. Đứng ở cửa đền (được dựng trên con đê bao), nhìn bao quát toàn cảnh phía trước là làng mạc trù phú. Cụ Vĩ bảo, theo các cụ kể lại, hàng nghìn năm qua, đất bồi bên mạn Vĩnh Phúc đã bồi đắp và lấp mất dòng Hát Giang thời Hai Bà; nay từ cửa đền ra tới sông quãng hơn hai cây số.

Đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn.

Sử liệu, truyền thuyết và thần phả đền Hai Bà có ghi, tháng tư năm 42, vua Quang Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện (Phục ba tướng quân) chỉ huy 2 vạn quân và 2000 chiến thuyền sang đàn áp (lúc này phải gọi là vương triều của Hai Bà mới đúng, chứ không như sử liệu, các sách ghi là đàn áp cuộc khởi nghĩa; bởi Hai Bà đã khởi nghĩa thắng lợi, đã lên làm vua rành rành rồi). Sau những trận chiến ác liệt tại Lãng Bạc, quân Hai Bà lui về Cấm Khê và dừng chân ở Hát Môn.

Cụ Vĩ cho biết, quân Hai Bà rút về đến bãi Trường Sa, phía đầu làng Hát Môn bỗng có chiếc quán tranh nhỏ, trong quán có bà cụ phúc hậu; Hai Bà dừng ngựa, hỏi: "Thưa cụ, tình thế này xin cụ chỉ cho nên tính thế nào?". Cụ già khuyên Hai Bà nên đánh tới cùng và không để giặc bắt được. Hai Bà cùng số quân còn lại đã chiến đấu ngoan cường và lui dần ra mạn cửa sông, rồi nhảy xuống dòng Hát Giang mênh mông tuẫn tiết (hôm đó là ngày 6 tháng 3 năm Quý Mão, tức năm 43 SCN).

Trước đó, khi dừng chân ở bãi Trường Sa, Hai Bà được dân làng dâng bánh trôi và muỗn. Ngày nay, bánh trôi ở đây vẫn ngon nổi tiếng và trong thờ cúng không thể thiếu bánh trôi. Còn muỗn, nơi Hai Bà vứt hạt đã mọc lên hai cây muỗn sum suê; dân làng lấy hướng hai cây muỗn làm hướng xây đền thờ cúng. Bà cụ trong quán tranh nhỏ, sau khi Hai Bà đẫm mình dưới dòng Hát Giang thì cũng biến mất; được cho rằng đó là người nhà trời sai xuống mách bảo Hai Bà, nên đời sau đã lập am thờ gọi là quán Tiên. Quán Tiên ngày nay nằm phía bên phải ngay trước cửa đền.

Giải đáp thắc mắc của chúng tôi vị trí nơi Hai Bà nhảy xuống dòng Hát Giang! Cụ Vĩ chỉ: Đấy! Các cụ tôi truyền lại, phía trái trước cửa đền, chỗ cây đa nhìn ra đấy. Theo hướng cụ Vĩ chỉ nay đang là ruộng vườn và xa xa nhà cửa.

Tôi mang chuyện này trao đổi cùng GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, ông gật gù: Đúng đấy, và bổ sung thêm: tên sông Hát Giang thì chữ Hát hoàn toàn vô nghĩa. Hát tức là tiếng Thác của người Mường, người Mường ngày xưa sinh sống ở khu vực này. Cửa sông Hát Giang tức là Thác thời cổ xưa. Chắc chắn nơi này ngày xưa là vị trí của một cái thác đổ xuống, nên nó sâu, rộng, mênh mông là phù hợp với truyền thuyết lưu lại.

Về với đền Hát Môn, về nơi quê hương, nơi khởi nguồn một cuộc chiến chống giặc ngoại xâm nhanh nhất, thu được thắng lợi cũng nhanh nhất trong lịch sử dân tộc; mà lại do hai người phụ nữ lãnh đạo: Hai Bà Trưng; chúng tôi cảm nhận sâu sắc thêm khí phách từ đôi câu đối trên cổng ngọ môn:

Đồng trụ triết hoàn Giao Lĩnh trĩ
Cấm Khê doanh hạc Hát Giang trường.

Nghĩa là:

Cột đồng trụ gãy hay còn núi Giao Lĩnh vẫn ngàn năm đứng vững
Nước Cấm Khê đầy hay cạn dòng Hát Giang vẫn mãi mãi chảy dài.

Trải bao thăng trầm của lịch sử gần hai nghìn năm, cũng hiếm có khu đền nào mãi tồn tại trên chính mảnh đất Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa, Hai Bà lui về với dân làng trước khi băng mình xuống dòng sông cuộn sóng. Kiến trúc của đền hiện nay được xây từ cuối Lê đầu Nguyễn; trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý, có niên đại vài thế kỷ như: 6 tấm bia đá, hương án, long ngai, bài vị, đôi kiệu song loan và hơn 40 bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của Hai Bà.

Đặc biệt có 22 đạo sắc của các triều đại phong kiến Việt nam phong tặng. Sắc sớm nhất có từ thời Lê Cảnh Hưng Nguyên niên (1740). Đền Hai Bà Trưng tại Hát Môn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia rất sớm, năm 1964.

Hai vị nữ Vương đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử muôn đời là niềm tự hào của dân tộc. Và, cái khí phách của Hai Vua Bà từ cách đây 2000 năm vẫn nhắc nhở, soi rọi cho chúng ta hôm nay.

Cao Minh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ve-noi-hai-vua-ba-527996/