Về nơi cọng lục bình biến thành chai, lọ, lon

Nhắc đến đồ thủ công mỹ nghệ, làng đan lục bình thuộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã trở thành địa chỉ uy tín từ xưa đến nay. Với các sản phẩm đa dạng, đạt chuẩn về chất lượng, nghề đan lục bình nơi đây đã chiếm được niềm tin người tiêu dùng.

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình.

Đan lục bình là nghề truyền thống lâu năm, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong huyện có nhiều cơ sở, mô hình sản xuất đa dạng nhưng Ngãi Tứ là xã trọng điểm phát triển nhất trên địa bàn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tính là một trong những hộ thu mua lục bình lớn nhất ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Bắt đầu thu gom từ năm 2001, đến nay anh Tính đã tạo dựng riêng cho mình một thương hiệu uy tín về nghề đan lục bình. Gia đình anh có 6 nhân công làm xuyên suốt quanh năm.

Anh Tính cho biết gia đình anh thường gom hàng của các hộ trong vùng và bỏ mối lại cho công ty, chủ yếu là các sản phẩm như: chai, lon, thảm và chậu. Thời điểm hiện tại, mức giá của các mặt hàng khá bình ổn, không chênh lệch nhiều so với mọi năm, lon có giá khoảng 5.500 đồng/chiếc, chậu tầm 28.000 đồng/chiếc, chai 35.000 đồng/chiếc và thảm tầm 13.200 đồng/chiếc.

Trung bình một tháng anh xuất ra khoảng 4 đơn hàng, mỗi đơn tầm 5.000 lon, 5.000 – 6.000 thảm, 2.000 chai và chậu. Trừ toàn bộ chi phí, mỗi tháng anh thu về khoảng 15 – 16 triệu đồng tiền lời, những tháng cao điểm có thể đạt 20 triệu đồng.

Thảm lục bình, sản phẩm đặc trưng tại huyện Tam Bình, Vĩnh Long.

Với truyền thống đan lục bình lâu năm, hiện tại xã Bình Ninh có hơn 700 hộ đang theo nghề, đây cũng là xã đầu tiên trong huyện Tam Bình có hợp tác xã. Chị Phạm Thị Tơ, chủ cơ sở thu mua lục bình lớn nhất vùng, vừa là giám đốc hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng cho biết, trung bình một tháng chị xuất 6 chuyến hàng, mỗi chuyến khoảng 10.000 cái các loại, tháng cao điểm tầm 8 chuyến, xuất ra 12.000 – 14.000 sản phẩm lục bình. Cơ sở của chị thường đổ hàng ở Bình Dương, trừ công cán, chị thu về khoảng 20 triệu tiền lời mỗi tháng.

“Nghề đan lục bình ngày càng phát triển, không chỉ ở đây mà các tỉnh lân cận cũng làm nhiều nên cạnh tranh các mối hàng cũng vất vả”, chị Tơ nói. Hiện tại hợp tác xã có khoảng 12 hộ gia đình tham gia, bên cạnh việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lục bình, hợp tác xã cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho các hội viên.

Chị Trần Thị Kim Oanh, ngụ ấp Bình Ninh đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề đan lục bình. Theo lời chị kể, trước đây gia đình chị sống chủ yếu dựa vào nghề đan lục bình nhưng những năm gần đây chỉ làm để phụ thu thêm chi phí. Trung bình mỗi ngày chị tranh thủ làm tầm 4 – 5 cái, mỗi tháng thu nhập cũng hơn 1 triệu đồng.

Nhiều hộ dân đã hình thành các cơ sở và xây dựng thương hiệu riêng. Hiện tại, các sản phẩm lục bình của huyện Tam Bình không chỉ bán trong nước mà còn có mặt tại nhiều thị trường khó tính tại châu Âu. Bởi lẽ không chỉ đa dạng về mẫu mã, đạt tiêu chuẩn về chất lượng mà những sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn ẩn chứa sự dẻo dai, bền bỉ giống như những con người tạo ra nó.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/ve-noi-cong-luc-binh-bien-thanh-chai-lo-lon-157209.html