Về những hình ảnh nhạy cảm, dung tục trên gameshow truyền hình

Gần đây, một số chương trình gameshow truyền hình có xuất hiện những hình ảnh nhạy cảm, gây phản ứng khá gay gắt trong các giới khán, thính giả. Liệu đây có phải là một sự buông lỏng trong khâu biên tập của các Đài truyền hình, hay họ muốn tăng ratings?

Hiện tượng này, theo tôi, chắc chắn sẽ xảy ra trong giai đoạn xã hội giải trí hôm nay, khi mà nhu cầu giải trí của người dân rất lớn, đôi lúc còn định hướng cả sự chú ý và phân bổ nguồn lực của các cơ quan truyền thông.

Hơn 10 năm gần đây, xuất hiện rất nhiều những chương trình giải trí, trong đó có những gameshow. Chương trình phải nhiều, phải nhanh để phục vụ thị hiếu thay đổi luôn luôn của khán giả, để đáp ứng cạnh tranh gay gắt về ratings (tỷ lệ người xem) để tăng nguồn thu tài trợ - quảng cáo, nhất là khi hầu hết các cơ quan truyền thông giờ đây đều phải tự cân đối thu chi. Vậy nên sạn nội dung sẽ dễ xuất hiện không chỗ này thì chỗ khác, không ở lúc này thì lúc khác nếu việc kiểm soát nội dung bị thiếu quy trình chặt chẽ, hoặc bị buông lỏng.

Hài nhảm là một ví dụ khá rõ nét khi mà năm nào cũng khiến công luận và dư luận sôi lên, năm nào báo chí cũng phải tốn nhiều giấy mực.

Chương trình Gameshow Kèo này ai thắng(*) tối ngày 12 tháng 3 năm 2020 nên được đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta có thể hình dung được bức tranh tổng thể của sự việc.

Chúng ta nhất trí rằng chương trình giải trí (trên truyền hình, sân khấu, nơi công cộng) không chỉ đơn thuần có chức năng giải trí mà nó còn tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của người xem – mà người xem thì rất đa dạng: khác biệt về tuổi tác, trình độ học vấn, giới tính và nhiều đặc điểm nhân khẩu - xã hội khác. Cũng có nghĩa những chương trình giải trí góp phần trực tiếp và gián tiếp cấu thành nên đạo đức xã hội và chất lượng của một nền văn hóa.

Gameshow "Kèo này ai thắng" có hình ảnh phản cảm

Trong bối cảnh đạo đức xã hội đang xuống cấp, các cơ quan truyền thông có trách nhiệm rất lớn trong việc cùng đất nước chặn lại và đảo ngược xu hướng này. Đài Truyền hình Việt Nam, trong những năm qua, đã có rất nhiều chương trình hay, có chất lượng, truyền cảm hứng tới khán giả cả nước đối với những vấn đề nhức nhối này. Vì thế, những hạt sạn như chương trình gameshow tối ngày 12 tháng 3 vừa rồi là sự việc rất đáng tiếc, là bài học kinh nghiệm sâu sắc để Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng, các cơ quan truyền thông nói chung cẩn trọng hơn trong những chương trình giải trí của mình, thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận xã hội mà Đảng và Nhà nước đã giao cho.

Để kiểm soát nội dung, cần tạo điều kiện để đội ngũ biên tập viên và những người trực tiếp thực hiện gameshow nâng cao nhận thức về văn hóa, báo chí, về những gì nên làm, không nên làm, những gì là tốt đẹp hay độc hại cho xã hội, về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới. Cũng cần đề cao hơn nữa và cụ thể hóa trách nhiệm của các biên tập viên, phụ trách các chương trình giải trí; cũng như cần sớm phân loại chương trình giải trí theo các lứa tuổi tiếp nhận, sớm chấm dứt cảnh gia đình cả mấy thế hệ cùng xem một chương trình như bấy lâu.

Song hành cần thực hiện tốt bộ quy tắc nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí, đẩy mạnh chế tài dư luận, chế tài danh dự trong lĩnh vực hoạt động báo chí.

Từ những giải pháp đó, chúng ta hy vọng sẽ được xem những chương trình giải trí vừa hấp dẫn, vừa có chất lượng, nội dung tốt trong thời gian sắp tới, đáp ứng được kỳ vọng mà khán giả cả nước dành cho VTV – Đài Truyền hình Quốc gia.

______________________________________________

(*)Trong Kèo này ai thắng tập mới phát sóng tối 12/3/2020, phần thử thách có đoạn nữ người mẫu dùng miệng và tay giữ một củ cải trắng, là chi tiết được cho là 'nhạy cảm' , khiến nhiều người xem 'đỏ mặt' - BTV

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ve-nhung-hinh-anh-nhay-cam-dung-tuc-tren-gameshow-truyen-hinh-383355.html