Về nhân vật đặc biệt nhất trong tiểu thuyết của Kim Dung

Vi Tiểu Bảo trong tác phẩm 'Lộc đỉnh ký' chính là nhân vật đặc biệt đó, một nhân vật đi ngược lại với tất cả những chuẩn mực anh hùng mà trước đó Kim Dung đã xây dựng nên.

Nếu như hình tượng các nhân vật anh hùng mà nhà văn Kim Dung xây dựng trước đó đa phần đều là người có tài, trí, khí chất ngất trời như: Lệnh Hồ Xung, Dương Quá, Kiều Phong, Quách Tĩnh,… thì Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” lại hoàn toàn khác. Với dáng người nhỏ thó sống trong kỹ viện thành Dương Châu, gương mặt không có gì nổi bật, Vi Tiểu Bảo còn không được học hành, lười biếng, chúa ghét tập luyện võ nghệ, nhiều thủ đoạn và luôn gặp may mắn, nhờ thời thế mà trở thành nhân vật quan trọng.

Vi Tiểu Bảo sinh ra ở kỹ viện Lệ Xuân, đất Dương Châu, từ nhỏ, Tiểu Bảo đã sống trong môi trường giao thương buôn bán. Mẹ của Vi Tiểu Bảo, bà Vi Xuân Phương thường giao du ăn nằm với khách vãng lai tứ xứ đến từ các thảo nguyên, núi tuyết. Do đó, khi mang thai Vi Tiểu Bảo, bà Vi Xuân Phương chẳng thể biết cha ruột của Bảo là ai.

Diễn viên Huỳnh Hiểu Minh trong vai Vi Tiểu Bảo, Lộc đỉnh ký 2008

Lớn lên, Vi Tiểu Bảo bị thái giám Hải Đại Phú bắt về Bắc Kinh, rồi đưa đẩy vào cung. Vua Khang Hy hơn Vi Tiểu Bảo 2 tuổi, vốn ngán ngẩm lễ nghi và ràng buộc cung đình, gặp Vi Tiểu Bảo cùng đấu vật, tán gẫu, đôi lúc chửi thề, thì thấy thích, cùng kết bạn.

Từ lầu xanh, Tiểu Bảo, kẻ vô học, tên tiểu lưu manh, dần lên chức hộ vệ, tướng quân, khâm sai đại thần, phụng mệnh làm hòa thượng chùa Thiếu Lâm, trụ trì chùa Thanh Lương. Không chỉ có quyền cao chức trọng trong chiều đình, bên ngoài giang hồ, Vi Tiểu Bảo còn lên chức hương chủ Thanh mộc đường của Thiên địa hội, giữ chức Bạch long sứ của Thần long giáo, thành đại sứ, người tình của công chúa Sophia, lấy 7 bà vợ…

Nhiều ý kiến thắc mắc rằng, vì sao trong tác phẩm cuối cùng của sự nghiệp, tiểu thuyết gia đại tài Kim Dung lại tạo ra một nhân vật lưu manh Vi Tiểu Bảo như thế? Thậm chí, có lần Kim Dung còn kể rằng, khi bộ tiểu thuyết này đăng trên báo, có nhiều độc giả liên tiếp gửi thư tới hỏi “Lộc đỉnh ký” có phải do người khác viết không? Họ phát giác ra rằng giữa bộ này với các tác phẩm trước đây của ông có sự khác biệt rất lớn.

Kim Dung đã nhiều lần khẳng định, “Lộc đỉnh ký” chính là tác phẩm hay nhất trong suốt sự nghiệp của ông. Và nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý nhưng ông từng nói, ông rất thích sự không đồng ý đó của họ.

Kim Dung khẳng định rằng, Lộc đỉnh ký khác hẳn với những tiểu thuyết võ hiệp trước đó là cố ý. Thứ nhất, là vì một tác giả không nên lặp lại phong cách và hình thức của mình, phải cố gắng hết sức tìm kiếm những sáng tạo mới.

Nhà văn Kim Dung cho rằng: Nếu nhân vật trong tiểu thuyết trọn vẹn mười phần, thì không thể chân thực

Kế đến, Kim Dung cho rằng nhân vật chính trong tiểu thuyết không nhất định phải là "người tốt". Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiểu thuyết là sáng tạo nhân vật, người tốt, người xấu, người tốt có khuyết điểm, người xấu có ưu điểm… đều có thể miêu tả. Việc Trung Quốc thời Khang Hy có loại nhân vật như Vi Tiểu Bảo hoàn toàn không phải là chuyện không có khả năng.

Nhưng quan trọng nhất là theo ông, nếu nhân vật trong tiểu thuyết trọn vẹn mười phần, thì không thể chân thực.

Trong Lời tựa dành cho quyển “Lộc đỉnh ký” phát hành năm 1981, Kim Dung có viết rằng: “Tiểu thuyết phản ảnh xã hội, trong hiện thực xã hội không có con người hoàn mỹ tuyệt đổi. Tiểu thuyết hoàn toàn không phải là sách giáo khoa đạo đức. Có điều người đọc tiểu thuyết của tôi có rất nhiều thiếu niên thiếu nữ, vậy thì cũng nên nhắc nhở với những người bạn trẻ trong trắng ấy một câu: Vi Tiểu Bảo coi trọng nghĩa khí, đó là phẩm đức tốt, còn như những hành vi còn lại, thì ngàn vạn lần đừng nên học theo”.

A.N (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ve-nhan-vat-dac-biet-nhat-trong-tieu-thuyet-cua-kim-dung-520062.html