Về nhà đi tôi

Chiều. Vần vũ mây. Không khí nực nội, nhưng cơn mưa mong chờ nơi miền Trung vẫn chưa dội xuống. Hôm qua chính quyền Đà Nẵng họp khẩn yêu cầu các thủy điện nơi cheo leo thượng nguồn Quảng Nam phải xả bớt nguồn nước ít ỏi, để 'đẩy mặn' cho dân dưới thành phố bắt đầu đông đúc chật chội này. Vòi nước thủy cục trong bếp mặn điếng vì hạn hán, nay phải nhờ thủy điện pha loãng thôi, chứ biết sao! Đời sống ngẫm cũng nhiều thứ lạ lùng, phải không!

Đi trên phố, đã thoáng thấy những chiếc lu trước cửa nhà đâu đó. Chắc về nhà, tôi cũng sẽ mang đám lu kiểng của mình đưa ra ngoài trời, để hứng mưa. Bà “tiến sĩ lu” giờ này đang làm gì?
Nhưng tôi còn chưa về nhà. Đang ở trong một quán café tình cờ, với mấy cuốn sách cũng tình cờ vớ vội mang theo.

Đây, cuốn “Kỷ nguyên hỗn loạn” dày cộp của Alan Greenspan, người từng là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) trong suốt hơn 18 năm từ 1987 đến 2006. Bày biện ra những suy tư về thế giới này kể từ sau bước ngoặt tòa Tháp đôi 110 tầng đổ sụp hồi 2001.

Đọc đến đoạn này. “Khi được hỏi, phần lớn các sinh viên Harvard mới tốt nghiệp trả lời họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận 50.000 USD/năm nếu như các bạn của họ nhận được nửa số đó, hơn là nhận được 100.000 đô la/năm trong khi các bạn của họ nhận được gấp đôi số đó”.

Cái quy luật của hạnh phúc con người, thế có lạ quá không?! Ừ, có gì đâu mà lạ. Tất cả chỉ là tương đối. Nhớ hình như Will Durant có nói ý rằng, khi đồng tiền xuất hiện con người không hoàn toàn là con người nữa. “Nếu những gì bạn có dường như không đủ cho bạn, thì dù bạn sở hữu cả thế giới bạn cũng vẫn còn khổ sở” (Seneca).

Đây nữa, cuốn “Giăng lưới bắt chim” của Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp từ lâu nhận ra “Cuộc đấu tranh giành giật miếng ăn để sinh tồn, để tiến tới một đời sống vật dục có văn hóa cao diễn ra trong xã hội lộn xộn và ngẫu nhiên hết sức... Người ta hoài công đi tìm các quy luật, tìm ra nó thì sung sướng tự đắc, ít lâu sau hiểu ra đã bé cái nhầm thì lại im thin thít”.

Ngay “lũ nhà văn” đầy ảo tưởng chúng ta, vốn đầy rẫy những “góc sơ xuất trong thế giới nội tâm” mà đâu hề hay biết. Ngoài Thiệp, còn nhà văn có lương tri nào nữa cảm thấy ngượng khi rọi vào thế giới nội tâm chính mình. Khi thấy các sự kiện “thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc…”. Và chất chứa cô đơn, “Giấc mơ ban đêm thì một mình, còn giấc mơ ban ngày thì chẳng có ai”...

Thật là những cuốn sách, ý tưởng chẳng ăn nhập gì với nhau. Rời rã như không khí chiều này. Như đời sống này.

Thôi, về nhà đi tôi. Mình có phải đi cứu thế giới đâu cơ chứ! Về nhà xem nước hết mặn chưa...

Tịnh Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/ve-nha-di-toi-1455610.tpo