Về nhà, chồng 'xanh mặt' đọc mảnh giấy vợ để lại

Trên đường đi làm về, chị thấy bất an, ruột nóng như có lửa đốt mà không rõ chuyện gì. Chưa kịp dong xe vào nhà, bé Sóc đã chạy bắn ra, ôm chầm lấy chị, nước mắt giàn giụa: 'Mẹ ơi! Con vừa làm đổ bát mì xuống sàn nhà'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chị luống cuống kiểm tra tay chân bé: "Có bị bỏng chỗ nào không con? Bố con đâu?". "Dạ! Bố đang ở trong phòng ạ". Chị bế con đặt trên salon rồi phóng lên phòng. Anh đang mải miết chơi điện tử, không hề biết sự xuất hiện của chị.

Giận run người, chị hét lên: "Anh ở nhà làm gì mà để con tự nấu mì?". Anh ngước lên: "Con làm đổ mì á? Ai bảo nó không nhờ anh? Nó vừa chơi ở đây cơ mà".

Chị chưa bao giờ giải thích được lý do tại sao ngày xưa chị lấy anh. Hồi mới yêu, anh sẵn sàng đứng đợi chị hàng tiếng, kiên nhẫn chờ chị thử quần áo đến vài giờ đồng hồ trong siêu thị, chỉ cần chị nhờ gì là anh sẵn sàng mua dù mưa xối xả, nắng vỡ đầu. Còn giờ là thế này đây, chồng lười như hủi, bẩn như cú, nếu không vì bé Sóc thì có lẽ chị chẳng thiết sống với anh làm gì nữa.

Trong lúc nấu bữa tối, càng nghĩ chị càng thấy ức, chị làm việc quần quật ở cơ quan suốt 8 tiếng, về nhà lại đánh vật với tỉ việc, trong khi anh chỉ ngồi chơi điện tử mà vẫn vỗ ngực tự hào là "ông chồng mẫu mực, người cha đầy trách nhiệm của gia đình". Chị không thể chịu cảnh ấm ức này nữa, chị phải hành động.

Chợt nhớ ra công thức "trị chồng lười" mà đồng nghiệp vừa "truyền" cho sáng nay, chị giở ra đọc, trút một hơi thở dài rồi đứng dậy, đi thẳng vào phòng ngủ.

Anh đang co cả 2 chân lên ghế, mắt dán vào màn hình máy tính, không hay biết chị đang đứng bên cạnh, chị nhăn nhó: "Anh ơi, em đau đầu quá, sáng nay đi khám, bác sĩ bảo em bị suy nhược thần kinh, cần phải nghỉ ngơi cho lại sức. Từ mai anh thay em làm việc nhà nhé". Anh ngừng bổ bàn phím, nhìn vợ với ánh mắt đầy lo âu: "Chết dở! Em mệt sao không nói cho anh biết? Được rồi, việc nhà cứ để anh, em nghỉ ngơi đi".

Anh đỡ chị vào giường nằm, kéo chăn đắp cho chị cẩn thận rồi nhẹ nhàng đóng cửa, đi xuống dưới nhà. Chị gắng nhịn cười, không ngờ chiêu giả vờ ốm yếu này lại tác dụng mạnh đến thế. Hóa ra bệnh lười của anh chưa đến mức miễn dịch.

Hôm sau chị sai cái gì anh cũng "ok", bảo gì anh cũng nghe răm rắp. Nhưng ngặt nỗi, cơm anh nấu chị chẳng thể nào nuốt nổi. Bảo đi rửa bát. Ok, thì rửa bát. Nhưng làm vỡ cho vài cái, rửa thì bẩn, lần sau có tranh nhau chị cũng chả cho anh rửa nữa.

Chị bảo anh lau nhà. Ok, thì lau nhà. Nhưng lau qua loa, nước lau đổ ra nhà vẫn còn nguyên. Chị đi trơn xuýt ngã gãy răng. Lần sau anh có ngồi chơi chị cũng chả dám sai anh đi lau nhà nữa. Anh cười thầm: "Vỏ quýt dày khắc có móng tay nhọn mà".

Mấy hôm sau không thấy chị kêu đau đầu hay suy nhược thần kinh nữa, anh càng đắc ý: "Có thế chứ, việc nhà là của phụ nữ, hay ho gì cái trò đàn ông cứ lao vào làm việc nhà như một mụ đàn bà. Chẳng ra dáng một thằng đàn ông trong nhà gì cả".

Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho tới hết tuần đó, anh từ cơ quan về nhà, định lên phòng bật điều hòa rồi cày game tiếp thì thấy một mảnh giấy thông báo: "Em đưa con về nhà ông bà ngoại một tuần. Anh ở nhà tự nấu nướng, dọn dẹp nhà của nhé". Anh cười khẩy: "Lại giở chiêu cũ đây mà".

7 ngày sau chị trở về, nhà cửa tanh bành, bát đũa ăn mì gói để đầy trong chậu, tủ lạnh trống không, nồi cơm điện bốc mùi, rác rưởi vung vẩy khắp nơi, tổ ấm ngày nào của chị không khác gì cái nhà hoang. Chị giận run lên, chỉ muốn bước chân ra khỏi nhà cho rồi. Nhưng nén giận, chị lên phòng tắm rửa, giặt đồ và nghĩ nhất định phải "cải tạo" lão chồng lười biếng của mình bằng một loại thuốc mạnh hơn.

Bữa đó anh về, nhìn thấy mảnh giấy dán trên tủ lạnh nhưng không thèm đọc: "Mẹ con nhà nó lại về nhà ngoại chứ gì! Càng tốt, không gian này là của riêng mình".

Nhà tối om, đèn không sáng, quạt không quay, thấy lạ, anh bèn chạy đến tủ lạnh, đọc kỹ tờ giấy vợ dán trên đó: "Bố Sóc yêu quý, em và con về bên ngoại một tháng. Biết anh không không muốn vất vả nấu nướng, dọn dẹp nên em đã thông báo cắt điện, nước cho đến lúc mẹ con em về. Anh cứ yên tâm nhé, khi nào về, em sẽ tiếp tục làm tròn phận sự của một người vợ, yêu và nhớ anh nhiều".

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/ve-nha-chong-xanh-mat-doc-manh-giay-vo-de-lai-8DcxUrOGg.html