Về nguồn thơ chữ Hán Nguyễn Du

Theo cách phân chia của GS, TS Mai Quốc Liên trong 'Nguyễn Du toàn tập, tập 2' (Nhà xuất bản Văn học, 2015) 3 tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du có 203 bài ('Thanh Hiên thi tập' 67 bài, 'Nam trung tạp ngâm' 27 bài, 'Bắc hành tạp lục' 109 bài). Mỗi tập thơ được viết trong một khoảng thời gian nhất định và nội dung theo sát từng chặng đường đời của tác giả.

Trong giai đoạn đầu sáng tác kéo dài đến những năm ra làm quan với nhà Nguyễn ở Bắc Hà, Nguyễn Du có “Thanh Hiên thi tập”. Tập thơ bộc lộ nỗi niềm thi nhân trong những tháng năm sống long đong, mất phương hướng, mất lòng tin, thậm chí cả tâm trạng hoang mang, vô vọng với những xót xa về thân phận "chân trời góc bể", "một nhánh cỏ bồng đứt gốc trước gió tây", "người đã đến bước đường cùng"... Sống giữa thời buổi loạn ly, Nguyễn Du cảm nhận về cuộc đời thường nhật, về nỗi cửa nhà tan tác, nỗi đơn côi và ý thức về sự vô vị vô nghĩa của đời mình trước thời gian đang qua mau: “Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác/ Đầu bạc thường bực vì ngày tháng trôi mau” (Đêm rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải).

Nhiều khi khác là tâm trạng vô vọng, muốn thoát ra khỏi cuộc đời phiền lụy, tìm đến nơi non xanh thanh tĩnh, mong làm bạn với cỏ cây, mây nước: “Ước gì có thể gọt tóc vào rừng/ Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây” (Than thân - Bài 2).

Dường như với tư chất thi sĩ kiểu Nguyễn Du đã sớm định hình một cách cảm nhận về cuộc đời, sớm ý thức về số phận và sự tồn tại của mỗi thân phận con người trong cõi đời bất định. Nỗi đau đời, thương đời tiếp tục theo đuổi ông trong những ngày ra làm quan và thể hiện bàng bạc trong cả tập thơ “Nam trung tạp ngâm”. Được làm quan với thường nhân ai kia là cả một dịp vinh thân và cơ may tiến thân. Riêng với Nguyễn Du, ông ngại ngần và cảm nhận nhiều hơn ở phía mặt trái, những hệ lụy, ràng buộc, mất tự do: "Triều đình có đạo khiến anh phải tròn đạo hiếu", "Khá thương mình đầu bạc vẫn phải chịu để người sai khiến/ Không cùng với núi xanh giữ được thủy chung"...; những sự giả dối, tranh chấp, bon chen, đố kỵ chốn quan trường: "Không bệnh mà lưng lom khom", "Phương xa một mình gửi cái thân làm quan/ Khi gặp việc bọn đầy tớ, lính hầu đều lên mặt với ta"..., hay sự vọng tưởng về chốn thanh tao, biết rằng mình lỗi hẹn với cỏ cây hoa lá: "Ta cũng muốn từ đây treo mũ áo từ quan mà ra đi", "Rất thẹn cùng trúc đá vì lỗi phụ lời thề"... Hơn nữa, Nguyễn Du làm quan nhưng chẳng giàu có gì nên luôn chạnh lòng thương nhớ những đứa bé chịu cảnh đói nghèo nơi quê xa: “Nơi quê hương nắng hạn lâu ngày, làm hại việc nông/ Nhà mười miệng trẻ đói xanh như rau” (Ngẫu hứng - Bài 4).

Đặc biệt khi viết về chiến tranh, ông mừng vui khi đất nước thu về một mối, gián cách ngay cả với những chính-phản, thắng-thua, ta-địch mà đề cao tinh thần hòa giải, đức hiếu sinh, vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa và cuộc sống thanh bình: “Nam bắc xe thư, hội đại đồng/ Pháo đài bỏ trống phía thành đông/ Đá tan núi lở, thành còn vững/ Hán cướp Tần tranh việc đã xong/ Hại vật trước kia đà kém đức/ Giết người sau chẳng kể là công/ Thanh bình thời thế không chinh chiến/ Cày cuốc trâu bò trọng việc nông” (Pháo đài, Phan Khắc Khoan và Lê Thước dịch).

Phải ghi nhận rằng tâm thức “Giết người sau chẳng kể là công” (Nhĩ lai bất quý sát nhân công) của Nguyễn Du thật siêu việt, hiện đại, đạt đến tầm cao giá trị nhân văn muôn thuở, đạt tới tính Phật, tinh thần yêu chuộng hòa bình của bậc hiền triết, minh triết.

Tập thơ thứ ba “Bắc hành tạp lục”, bên cạnh mấy bài thơ viết về Thăng Long thì tất thảy đều viết về chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài qua suốt một năm trời. Tập thơ với số lượng bài lớn, đề tài phong phú, giàu suy tư, có ý nghĩa kết tinh các giá trị nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Sau nhiều năm trở lại Thăng Long, Nguyễn Du xúc cảm về một kinh đô dâu bể, bâng khuâng với thành quách đổi thay, xót thương từ một kiếp ca nhi, một nàng hầu và biết bao người xưa, cảnh cũ đã phai bạc dần theo năm tháng. Có thể nói Nguyễn Du đã viết những vần thơ cảm khái về Thăng Long đạt đến độ tuyệt bút, biểu cảm được tấm lòng thi nhân thao thức trong một đêm trăng, trước vô hạn những buồn thương bởi sự chuyển hóa, đổi thay của con người và đất trời: “Núi Tản sông Lô vẫn núi sông/ Bạc đầu còn được thấy Thăng Long/ Nghìn năm cự thất thành quan lộ/ Một giải tân thành lấp cố cung/ Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ/ Bạn chơi thuở nhỏ thảy thành ông/ Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận/ Ðịch thổi trăng trong tiếng não nùng” (Thăng Long-Bài 1, Quách Tấn dịch). Trên hết cả là bài thơ dài “Long thành cầm giả ca” (Bài ca người gảy đàn ở Long Thành) đã khắc họa sâu sắc những đổi thay của cả một thời và cả một đời người, bày tỏ mối đồng cảm thương người và se sắt nỗi thương thân.

Còn lại những bài thơ Nguyễn Du viết trên đường đi sứ được chia thành hai loại: Phản ánh đời sống hiện tại, những điều tai nghe mắt thấy và loại đề vịnh lịch sử. Trong tư cách một vị Chánh sứ, Nguyễn Du cũng như bao người đi sứ khác thường nói đến nỗi nhớ nhà, tình cảnh nơi đất khách quê người, những cảnh trí lạ lùng mà lần đầu mình được gặp, được biết, thưởng ngoạn. Song điều khác biệt là ông thường nhạy cảm quan sát, phản ánh cuộc sống những người dân lao động bình thường như người kéo xe ở Hồ Nam, thôn xóm bên trạm Tây Hà, hình ảnh người mẹ với ba đứa con đói khổ đối lập với bữa tiệc phung phí của đám quan lại và một ý nghĩ bất chợt: “Ai vẽ bức tranh này/ Dâng lên nhà vua rõ” (“Sở kiến hành”).

Trong mảng thơ đề vịnh lịch sử, Nguyễn Du thường bày tỏ rõ tinh thần dân tộc. Nguyễn Du am tường nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Quốc, đặc biệt những nơi còn để lại dấu tích mà ông gặp trên đường. Ông hết lời ca ngợi những danh nhân văn hóa, các bậc trung thần nghĩa sĩ như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Văn Thiên Tường, Hàn Tín và cũng phê phán, khinh bỉ những kẻ xâm lược, gian hùng như Mã Viện, Minh Thành Tổ, Tần Cối... Trên hết cả, ông không chỉ nêu bài học giáo huấn, tấm gương đạo lý mà nhấn mạnh hơn về những khía cạnh nhân văn, những nỗi niềm thế sự, những buồn vui, còn mất trong một đời người và cũng là chung cho mọi kiếp chúng sinh.

Nguyễn Du triệt để khai thác, liên tưởng, nhấn mạnh và đi đến nâng cấp, đúc kết những khía cạnh có tính muôn thuở của con người. Ông luôn đặt mỗi sự kiện, hiện tượng và nhân cách trong tương quan với bản chất sự sống, với cái vô cùng vô tận của thời gian và không gian. Chính vì thế mà ông luôn trở đi trở lại các motif nấm mồ, đứng trước mồ, bóng chiều, bóng đêm, gió tây, trời tây; luôn ngoái nhìn lại quá khứ với những tuổi xuân, tuổi trẻ, cảnh xưa người cũ đã một đi không trở lại; luôn luôn đặt mình vào một "ngày mai", khi mình đã nhắm mắt xuôi tay, đã đi qua cõi đời, đã cập bến hư vô mà gián cách chiêm nghiệm lại những tháng năm quá khứ. Qua các hình tượng nhân vật lịch sử, một mặt ông bày tỏ rõ thái độ trước những chính-tà, thiện-ác, đúng-sai nhưng cũng đi tới chiết trung, tâm trạng hư vô chủ nghĩa, coi mọi sự sang giàu, chức quyền, buồn vui cũng chỉ là hư ảo: “Nhân sinh quyền lợi thành vô vị/ Kim cổ thùy năng phá thử mê”. ("Cho hay đời người uy quyền danh lợi thực là vô vị/ Mà xưa nay ai phá được giấc mê ấy", Đình Tô Tần-Bài 1).

Trước đây Nguyễn Du khóc thương nàng Tiểu Thanh mà chạnh lòng xót xa cho thân phận mình một mai về cõi hư vô: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?”, thì bây giờ ông cảm thương mọi kiếp con người: “Giàu sang trên đời mây nổi đó/ Trăm năm rút cuộc đều như nhau...” (Đồ trung ngẫu hứng, Phạm Khắc Khoan-Ngô Ngọc Can dịch).

Bên cạnh kiệt tác “Truyện Kiều” và thi phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” cùng các tác phẩm thời trai trẻ, có thể nói bộ phận thơ chữ Hán giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Ba tập thơ cho thấy những chặng đường sáng tác phù hợp với các chặng đường đời và tư tưởng tác giả. Xuyên suốt nội dung thơ chữ Hán Nguyễn Du là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người.

PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN (Viện Văn học)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ve-nguon-tho-chu-han-nguyen-du-636027