Về ngôi chùa cổ của xứ Thanh

VH- Chùa Hàn Sơn là một ngôi chùa cổ được xây dựng năm 1797, tọa lạc tại Thần phù Hải Khẩu (cửa biển Thần Phù), thuộc thôn Chính Đại, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Hàn Sơn (Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa)

Theo sử ký, Cửa biển Thần Phù xưa kia là nơi có nhiều sóng lớn (sóng Thần). Khi Vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Chiêm Thành khi qua đấy gặp sóng lớn bị đắm nhiều thuyền, nên ngài đã sai Đạo sĩ La Thế Viện dẹp sóng Thần giúp đoàn thuyền đi qua.Chùa có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp hữu tình; hệ thống hiện vật đa dạng phong phú, có giá trị văn hóa lâu đời và là di tích quan trọng, một danh lam cổ tích, hiện nay tại chùa còn lưu giữ 2 văn bia được tạo tác từ đầu thế kỷ thứ XIX, đề mô tả công đức tôn tạo chùa chiền, tổ đường, tịnh xá…đây cũng là ngôi chùa có truyền thống cách mạng lâu đời, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong kháng chiến chống Pháp của tỉnh Thanh Hóa.
Theo sử sách để lại, thời kỳ này, địa danh vùng đất này được gọi là làng Quang Minh, Chính Đại” thuộc Tổng Thần phù, tỉnh Ninh Bình. Đến thời kỳ trước năm 1945, được đổi thành Tân Phong Tổng thuộc tỉnh Thanh Hóa và ngày nay là thôn Chính Đại, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1797 chùa Hàn Sơn bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn giữ được nét đẹp riêng của chùa. Đến năm 1800, cụ Đinh Công Sầm (đời thứ 5 của Đinh Công Tộ) tu ở chùa đã cho sửa lại chùa, tôn tạo nội thất, tô tượng, đúc chuông... Năm 1930, Thượng tọa Thích Đăng Quế tiếp tục tu sửa lại chùa. Ngài xây điện Thánh Khổng (Nguyên Minh Không) và phù thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.. Các vị Hòa thượng trụ trì chùa Hàn Sơn sau khi qua đời đều được nhà chùa và các Phật tử xây mộ tháp và đúc tượng đề thờ tại nhà thờ tổ của chùa Hàn Sơn.
Từ năm 1936-1940 cũng như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hàn Sơn có nhiều công lao đóng góp trong việc giúp đỡ và bảo vệ các cán bộ cách mạng của Đảng ta, cũng như ủng hộ tiền, của cho kháng chiến.

Văn bia được tạo tác từ đầu thế kỷ thứ XIX còn lưu giữ tại chùa Hàn Sơn

Năm 1949, giặc Pháp nhảy dù vào Phát Diệm và đánh chiếm Điền Hộ- Chính Đại. Năm 1951 chùa hàn sơn bị giặc Pháp tàn phá toàn bộ các công trình kiến trúc. Theo lời kể của các vị cao niên tại làng Chính Đại thì chùa Hàn Sơn thời đó có đó có 14 ngôi nhà gồm 56 gian và 30 pho tượng, một tòa cửu long cùng các đồ thờ sơn, son, thếp vàng hầu như đã bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại duy nhất ngôi mộ tháp của Hòa thượng Thích Đăng Quế.
Đến cuối năm 1998 đầu năm 1999, chùa được phục dựng lại một phần để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh tin ngưỡng của người dân nơi đây. Năm 2014, được sự quan tâm của chính quyền, địa phương tỉnh Thanh Hóa cùng với bà con nhân dân làng Chính Đại và sự hỗ trợ của gia đình doanh nhân Mai Xuân Thắng, Chùa được mở rộng mặt bằng, xây dựng các công trình kiến trúc bề thế, mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với cổng Tam quan khang trang, hồ bán nguyệt, Tòa Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc, cùng các công trình nhà tổ, nhà mẫu, nơi nghỉ ngơi, làm việc của nhà chùa, nơi đón tiếp khách thập phương và chữa bệnh cho nhân dân cùng sân vườn quy mô bề thế.
Ông Mai Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Trong thời gian tới đây huyện Nga Sơn sẽ tiếp tục quan tâm, kêu gọi xã hội hóa, tạo mọi điều kiện để chùa Hàn Sơn xây dựng các công trình bảo tháp, cầu bắc qua dòng Hoạt giang cũng như các công trình phụ trợ. Chùa Hàn Sơn được xây dựng cạnh Thần Phù- Hải khẩu sẽ là điểm nhấn trong quần thể di tích lịch sử văn hóa gồm Chùa Tiên, đền thờ Mai An Tiêm, động từ Thức, chiến khu Ba Đình của vùng quê giàu truyền thống cách mạng Nga Sơn, Thanh Hóa.
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, kỳ thú, ngày nay chùa là điểm thu hút nhiều du khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu phật. Ngoài ra, vào ngày mùng 9,10.3 âm lịch hằng năm, tại chùa Hàn Sơn sẽ diễn ra lễ hội truyền thống Chùa Hàn Sơn - Cửa Thần Phù. Do có những giá trị quan trọng của di tích, Ngày 20.3.2011, chùa Hàn Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Bằng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.

Nguyễn Linh

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/ve-ngoi-chua-co-cua-xu-thanh