Về nghe trống hội

Những ngày xuân mới bắt đầu, mặc cho cái nắng gay gắt và nhiệt độ chạm mức 30oC, nên ai đó nói vui, miền Bắc chỉ còn hai mùa đông và hạ. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy mình đang đi giữa tiết xuân, bởi tiếng trống đâu đó vừa vang lên giục bước chân kẻ đi xa về với hội làng.

Ở mảnh đất trung du này, mỗi độ xuân sang, người người, nhà nhà đều háo hức mong chờ đến ngày hội đình làng Hạ Khê vào mồng 7 tháng Giêng hằng năm. Đó không chỉ là dịp để tưởng nhớ đến nguồn cội, tri ân người đã có công khai thiên lập địa chốn này, mà còn là dịp để người trong vùng tề tựu, du xuân, vui chơi với ước mong một năm an vui, mưa thuận gió hòa. Đình Hạ Khê thuộc xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đình nổi tiếng khắp vùng bởi những truyền kỳ bí ẩn và sự linh thiêng.

Tương truyền, đình thờ hai vị thần thời Hùng Vương là Khai Cơ đại vương và Quế Hoa công chúa. Hai vị đã có công phò tá Hùng Duệ Vương diệt giặc, giữ nước và được vua phong tước ban cho cai quản một vùng trung du rộng lớn, đất đai trù phú, cư dân thuần hậu. Sau này, khi nghe tin Hùng Duệ Vương trao ngôi vua cho Thục Phán, hai vị thần đã căn dặn cư dân cách làm ăn, sinh sống rồi cùng nhau hóa vào đám mây vàng. Nhân dân trong vùng thương tiếc và biết ơn đã lập đình Hạ Khê để tưởng nhớ.

Minh họa: ĐỖ HUYỀN

Minh họa: ĐỖ HUYỀN

Theo chân đoàn người rước hội và tiếng trống giục giã, tôi choáng ngợp trong không khí của ngày lễ hội đình làng. Ngày thường nơi này im vắng, người làng đa số đi làm ăn xa, chỉ dịp Tết và ngày lễ hội mới về đông đủ. Cảnh vật nơi đây, từ những thửa ruộng đang gối mình chờ ngày gieo cấy, những ao chuôm bằng lặng soi trời, hay những gò đồi nhấp nhô ẩn hiện cũng như được đánh thức và bừng lên sức sống mới. Tinh hoa của vùng đất này như được trổ ra từ chính không khí, sắc màu của lễ hội đình làng.

Bắt đầu từ đình Cả, đoàn rước đi vòng quanh làng. Đi đầu là những nam thanh, nữ tú với kiệu, cờ lễ, ngũ quả, đao kiếm, sau là các vị trưởng lão trong làng, các sư, các vãi, rồi đến những người con ưu tú của làng và người dân cùng khách thập phương. Cụ Trúc năm nay bước vào tuổi 84, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn hòa vào đoàn rước hội. Cụ bảo: “Chẳng biết còn được tham gia bao nhiêu cái hội làng nữa nên còn đi được thì còn phải đến. Người già như trái chín nhưng người già cũng như núi cao. Tham gia hội làng vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của người già, để bọn trẻ chúng bây dù đi đâu cũng còn biết lối tìm về với đất này”.

Nhìn đoàn rước đi quanh làng, qua những lũy tre nhiều năm phủ bóng, qua những bóng đa cổ thụ uy nghi, qua những tường gạch rêu phong trầm lặng, tôi càng thêm thấu hiểu giá trị văn hóa, tâm linh của một vùng quê sơn thủy hữu tình. Qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, đình làng đã trải qua tôn tạo, sửa chữa nhưng căn cốt của đình làng là sự linh thiêng, bí ẩn vẫn còn nguyên vẹn. Lễ hội đình làng là sự kết tụ những vẻ đẹp của đời sống tinh thần và nét văn hóa truyền thống. Đây cũng là sinh hoạt cộng đồng được người dân đề cao, mong đợi nhất.

Trong buổi sáng ngày chính lễ, người ta làm lễ tế ở đình, như sự báo hiếu, báo công và gửi vào đó ước mong của dân chúng. Những người con của làng dẫu thành đạt ở nơi xa cũng không quên về đây công đức, thắp nén hương bái tổ. Buổi chiều là phần hội, những trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi, hào hứng, như: Đấu vật, đánh đu, tam cúc, bịt mắt bắt dê... Cũng không thể thiếu những tiết mục văn nghệ như diễn kịch, ca hát. Những tích cổ được diễn lại để tôn thêm không khí truyền thống như Phạm Công-Cúc Hoa, Sơn Tinh-Thủy Tinh. Trong sự nô nức của lễ hội, trong sự rộn rã của nhiều âm thanh, làn điệu Xoan vang lên, tha thiết, khoan nhặt, như mời mọc tri âm. Lời ca vang xa, hòa vào nắng, vào gió miền trung du, tiếng hát giục lòng người đi xa, tiếng hát chùng chân kẻ lữ khách. Một mùa xuân nào, có người khách phương xa vì say tiếng hát Xoan của cô gái vùng này mà dùng dằng không đi được. Họ nên duyên chồng vợ rồi làm ăn, sinh sống trên đất này. Đó là câu chuyện của vợ chồng chị Phùng Thị Liên. Mỗi mùa lễ hội họ lại xốn xang hòa vào đoàn rước hội, như được sống lại mùa lễ hội năm xưa, cho dù họ không còn trẻ nữa.

Đình làng nằm trên một gò đất, gọi là Gò Soi, xung quanh được phủ bóng bởi những cây cọ, loài cây đặc trưng của vùng trung du. Những thân cọ ở đây cũng uy nghiêm, sừng sững như ẩn chứa trong mình khí chất của người xưa, vừa hiên ngang, dũng mãnh, vừa khoan hòa, chở che. Ông từ giữ đình cho biết, đây là những cây cọ cổ, không ai rõ cọ mọc ở đây từ khi nào nhưng đây là loài cây nhắc nhở chúng ta nhớ về đất tổ và nguồn cội. Trước đây, cọ gắn liền với mỗi mái nhà, bây giờ cuộc sống hiện đại, ít nhà lợp mái cọ hơn, nhưng cọ vẫn là biểu tượng của đất và người trung du. Cọ mọc xung quanh đình làng là một điềm lành cho dân chúng.

Phương Xá hôm nay đang chuyển mình với những thay đổi mới, nhiều gia đình chuyển từ nông nghiệp sang buôn bán nhỏ, lẻ. Nếu quan sát từ trục đường cái chính của khu trung tâm xã thì nơi đây đã mang dáng dấp của một thị trấn nhỏ. Ở hai đầu của trục đường, một phía có Quốc lộ 32 chạy qua, một phía có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai trên cao cắt ngang. Vô hình trung Phương Xá cũng ít nhiều cuốn theo vào những guồng quay mới mà cuộc sống hiện đại mang lại. Nhưng trong sâu thẳm người dân vẫn không quên ý thức gốc gác thuần nông của mình. Lễ hội đình làng Hạ Khê chính là dịp để người dân cúng dâng sản vật và cầu mong mưa thuận, gió hòa. Bởi ngay sau hội làng, người dân sẽ xuống đồng để cấy cày, gieo trồng một vụ mùa mới.

Lễ hội là khi một mùa xuân mới bắt đầu, một vụ mùa mới bắt đầu, một hy vọng mới được nhen lên. Ngay dưới chân Gò Soi, nơi đình Hạ Khê tọa lạc là cánh đồng làng chạy xa ngút tầm mắt. Những thửa ruộng nghiêng mình đợi nắng, đợi mưa để ấp ủ dưỡng chất nuôi hạt lúa, củ khoai. Năm nay, khí hậu có vẻ hơi thất thường, giữa những ngày Tết mà trời nắng như đổ lửa, không ít người âu lo về một vụ mùa sắp tới. Cụ Trúc nheo đôi mắt mờ đục nhưng đầy thành kính ngước lên đình làng đang nghi ngút khói nhang rồi lại xa xăm dõi ra cánh đồng trước mắt: “Hai vị trước đây đã khai thiên lập địa, cũng cùng dân trồng trọt cấy cày, thì nay cũng từ trên cao mà dõi ra cánh đồng để độ trì cho mùa màng tươi xanh. Còn sự linh thiêng cũng là do lòng tôn kính của đời sau mà thành. Ấy là già này cả nghĩ thế”.

Ngoài kia, khuất sau đê làng là dòng sông Hồng đang xuôi chảy, đêm ngày rì rầm kể chuyện về những vùng đất sông đã đi qua. Phương Xá như một khúc quanh để con sông nán lại, ngơi nghỉ và thầm thì. Tiếng trống hội bay qua những cánh đồng, vượt qua những gò đồi, lan trên sóng nước mênh mang.

Ghi chép của TÙNG QUÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ve-nghe-trong-hoi-566604