Về Nà Bó nhớ đoàn binh Tây Tiến

Trong hành trình lên Mộc Châu, có một 'địa chỉ đỏ' đã để lại dấu ấn không thể nào phai mờ trong cuộc trường chinh bảo vệ đất nước. Đó là di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến ở đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu (Sơn La)...

Đài tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đồi Nà Bó.

Đài tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đồi Nà Bó.

Vang danh đoàn quân Tây tiến

Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập vào năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào để bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc. Chiến sỹ của đoàn quân Tây Tiến nhiều người là học sinh, sinh viên Hà Nội. Họ rời tay bút, tự nguyện ghi tên, cầm súng vào chiến trường. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, chủ yếu là các tỉnh vùng cao Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa... Điều kiện chiến đấu của họ vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Đến tháng 6/1949, Trung đoàn 52 Tây Tiến đổi tên thành Trung đoàn 12 thuộc Liên khu III. Đến năm 1951, khi Sư đoàn 320 được thành lập, Trung đoàn Tây Tiến trở thành một trong ba trung đoàn của Sư đoàn này. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn quân Tây Tiến đã vượt mọi khó khăn về điều kiện chiến đấu, địa hình để lập nên những chiến công vang dội. Trung đoàn đã được tặng Cờ “Quyết chiến, chiến thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được mang tên truyền thống đoàn Đông Biên, Trung đoàn được tám Huân chương Quân công và 218 Huân chương các hạng.

Di tích lịch sử đồi Nà Bó

Để ghi lại công lao và truyền thống oanh liệt, vẻ vang của Trung đoàn Tây Tiến, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn, tại tiểu khu 12, đồi Nà Nó, thị trấn Mộc Châu (Sơn La), Nhà nước đã xây dựng Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Đây là “địa chỉ đỏ” ghi dấu một thời chinh chiến của đoàn binh Tây Tiến với những chiến công oanh liệt, đồng thời là nơi để thế hệ trẻ hướng về để nhân lên niềm tự hào dân tộc. Năm 2016, sau khi hoàn thành các hạng mục công trình, Bộ VH,TT&DL đã cấp bằng công nhận Khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến là di tích cấp quốc gia.

Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến tọa lạc trên đồi Nà Bó giữa bốn bề lộng gió, không gian thoáng đãng, cảnh vật núi rừng thơ mộng, hoang sơ, đậm chất Tây Bắc. Quần thể khu di tích gồm các hạng mục công trình như khu nhà truyền thống, đường lên di tích gồm 52 bậc đá, 5 bức phù điêu, đài tưởng niệm, bia ghi danh chiến sỹ Tây Tiến, khu hoài niệm, đài vọng tưởng. Mỗi một hạng mục trong khu di tích đều là một câu chuyện, một kỷ niệm, một chiến công gắn với chặng đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến. Bởi vậy, khi đến đây, chỉ cần nghe qua lời giới thiệu, chắc hẳn ai cũng sẽ thầm hiểu những ý tưởng mà nhà thiết kế gửi gắm vào đây.

Bước chân vào khu di tích, theo 52 bậc đá, là tên của Trung đoàn 52, bậc đá được thiết kế có đoạn thẳng vút, có đoạn uốn lượn tượng trưng cho chặng đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến qua những dốc cao, vực sâu vô cùng hiểm trở. Càng lên cao, mỗi người như vọng về câu thơ của nghệ sỹ đa tài Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Năm bức phù điêu được thiết kế xung quanh quần thể ghi lại những câu chuyện cảm động về những chiến công của đoàn quân Tây Tiến. Vì thế, đến đây, mỗi người sẽ biết thêm, hiểu hơn về sự gian nan, vất vả và tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của đoàn quân Tây Tiến “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Tây Tiến - Quang Dũng).

Nhà lưu niệm, nơi trưng bày những kỷ vật của Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Lắng lòng mình để nhớ những chiến công

Đài tưởng niệm ở vị trí cao nhất của quần thể, đài được thiết kế là hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của đoàn binh Tây Tiến. Lưỡi lên, mũi súng hướng lên trời cao là ý nghĩa biểu tượng của câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” (Tây Tiến - Quang Dũng). Hình ảnh “Súng ngửi trời” vừa thể hiện chất lính đầy hồn nhiên, tinh nghịch, vừa diễn tả đắc địa độ cao của dốc núi trên chặng đường hành quân.

Người lính Tây Tiến hành quân trên dốc núi cao, có cảm giác mũi súng như chạm tới đỉnh trời. Phía trước đài tưởng niệm là hai biểu tượng gắn liền với chặng đường hành quân của Trung đoàn 52, đó là Thạt Luông, biểu tượng của văn hóa, tinh thần của các bộ tộc Lào gửi tặng đoàn binh Tây Tiến và hoa lau, loài cây rừng gắn với chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến tạo nên một không gian thơ mộng, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc, đúng như câu thơ miêu tả của nhà thơ Quang Dũng: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” (Tây Tiến).

Khu hoài niệm, đài vọng tưởng được thiết kế khá đặc biệt với sự bao bọc của kính trong suốt, đài cao mở ra một không gian thoáng đãng. Đây là nơi, con người sẽ có điều kiện quan sát một vùng không gian núi rừng Tây Bắc thơ mộng, bồng bềnh sương khói, huyền ảo và đầy bí hiểm. Chính không gian ấy sẽ gợi lên trong tâm hồn mỗi người sự hoài niệm về đoàn binh Tây Tiến, lắng lòng mình để nhớ về những chiến công, những kỷ niệm về một thời chinh chiến oanh liệt, rất đỗi tự hào của những chàng trai đất Hà thành dấn thân vào nơi gian khó, hiểm nguy.

“Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi/Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”, những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng như vang lên nơi không gian núi rừng Tây Bắc thơ mộng, hoang sơ, như thấm sâu vào tâm hồn thế hệ trẻ về chặng đường hành quân, sự hy sinh anh dũng và những chiến công oanh liệt của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Nơi đồi Nà Bó hôm nay và mai sau là “địa chỉ đỏ” để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và nghị lực vươn lên trong cuộc sống để tiếp bước các thế hệ cha anh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ve-na-bo-nho-doan-binh-tay-tien-4052591-b.html