Về một tương lai thống nhất đảo Síp

Người dân miền Bắc Síp đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống vào hôm 10-10, với kết quả sát nút, vì thế cuộc bầu cử sẽ bước vào vòng 2 vào ngày 18-10 tới. Giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến trình đàm phán thống nhất đảo Síp, bởi một trong hai ứng cử viên là người được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy đương kim Tổng thống Mustafa Akinci và ứng cử viên “thách đấu” là Thủ tướng Ersin Tatar so kè nhau từng lá phiếu, khi thì ông Akinci dẫn trước, khi thì ông Tatar vượt lên nhưng không ai giành chiến thắng tuyệt đối để kết thúc ngay vòng 1. Người thứ ba là lãnh đạo đảng trung tả CTP Tufan Erhuman bị loại. Vòng 2 cuộc bầu cử sẽ quyết định ai giành chiến thắng.

Đương kim Tổng thống Mustafa Akinci.

Đương kim Tổng thống Mustafa Akinci.

Cuộc bầu cử tuy chỉ diễn ra tại vùng Bắc Síp nhưng tầm quan trọng và phạm vi ảnh hưởng của nó được cho là khá lớn đối với hòa bình, an ninh, chính trị trên đảo Síp cũng như toàn khu vực Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là quan hệ đang căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia có liên quan trực tiếp đến hai miền của Síp. Trước khi cuộc bỏ phiếu vòng 1 diễn ra, dư luận đã chú ý đến cuộc song đấu giữa 2 ứng cử viên năng ký là đương kim Tổng thống Akinci và đối thủ là Thủ tướng Tatar. Đây là 2 đại diện cho 2 lập trường quan điểm trái ngược nhau đối với tiến trình đàm phán hòa bình với chính quyền Nicosia ở miền Nam. Vì vậy, cuộc so kè giữa họ cũng đồng nghĩa với sự chọn lựa

Một sự kiện diễn ra ngay trước vòng 1 cuộc bầu cử đã khiến giới quan sát lo ngại sẽ làm cho tình hình Síp và khu vực càng căng thẳng thêm. Với sự hậu thuẫn từ Ankara, ông Tatar đã chỉ đạo việc mở cửa trở lại khu bãi biển Varosha thuộc phía Nam thành phố Famagusta, Đông Bắc Síp. Đây là khu vực nhạy cảm nhất trên đảo Síp, xét về mặt chính trị. Nó gắn liền với lịch sử chia cắt 2 miền Nam và Bắc Síp.

Miền Bắc Síp do người gốc Thổ Nhĩ Kỳ cai quản. Cho đến nay, miền Nam là nước Cộng hòa Síp của người gốc Hy Lạp do Tổng thống Nicos Anastasiades lãnh đạo được quốc tế công nhận, còn miền Bắc thì chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ công nhận. Cộng hòa Síp gia nhập EU vào năm 2004.

Năm 1974, với sự hậu thuẫn của Hy Lạp, người Síp gốc Hy Lạp tiến hành một cuộc đảo chính và ngay lập tức Ankara đưa quân đội vào chiếm đóng miền Bắc Síp để “bảo vệ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng lại đó, mà còn đi xa hơn, tấn công, xua đuổi tất cả người gốc Hy Lạp ra khỏi nhà cửa, đất đai của họ. Khu phố biển Varosha giai đoạn trước 1974 là khu sầm uất bậc nhất ở miền Bắc Síp.

Thủ tướng Ersin Tatar có sự hậu thuẫn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Khi quân Thổ Nhĩ Kỳ ập đến, ngượi gốc Hy Lạp bỏ nhà cửa tại khu Varosha chạy nạn về phía Nam. Quân đội Thổ Nhĩ kỳ đã quây rào ngăn lại không cho bất cứ ai vào khu vực này, trừ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhân viên Liên Hợp Quốc (LHQ). Năm 1983, miền Bắc Síp đơn phương tuyên bố độc lập, tách khỏi đảo quốc Síp do người gốc Hy Lạp lãnh đạo.

Hành động mở cửa cho định cư trở lại ở khu phố biển Varosha đã gặp phản ứng quyết liệt ở Síp và bị cộng đồng quốc tế lên án. Các cường quốc thế giới đều cho rằng hành động của chính quyền Bắc Síp với sự hậu thuẫn của Ankara là không thể chấp nhận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động được Ankara dàn dựng nhằm gia tăng tỉ lệ phiếu ủng hộ cho ông Tatar trước khi bước vào cuộc bầu cử.

Và với sự can thiệp từ Ankara, cuộc bầu cử càng tăng thêm mức độ căng thẳng chính trị, không chỉ là sự cạnh tranh quyền lực giữa 2 chính trị gia đơn thuần mà còn tạo thêm căng thẳng chính trị giữa 2 nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Síp Anastasiahos cho rằng hành động của Bắc Síp là “bất hợp pháp” và đề nghị LHQ có hành động để ngăn chặn những hành động gây căng thẳng tiếp tục được Ankara tiến hành.

Năm nay 72 tuổi, ông Akinci là một trong số ít chính trị gia vẫn còn giữ những hồi ức về thời kỳ chung sống với người Síp gốc Hy Lạp trước khi xảy ra biến cố 1974. Có những người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ xem cuộc bầu cử như cơ hội cuối cùng để chấm dứt tình trạng Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp, chi phối mọi chuyện, để ngăn việc Ankara tìm cách thôn tính miền Bắc Síp và họ muốn cho ông Akinci tái đắc cử để tiếp tục duy trì sự độc lập chính trị và giữ gìn bản sắc riêng. Với chính sách “hai vùng”, “hai cộng đồng” cùng chung sống của ông Akinci, trên thực tế sẽ dần dần trở thành một phần của Cộng hòa Síp.

Ngược lại, ông Tatar lại muốn áp dụng giải pháp “hai nhà nước” đối với đảo Síp. Năm nay 60 tuổi, ông Tatar có được sự hậu thuẫn của Ankara và sự ủng hộ của những người từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Síp định cư. Nếu ông Tatar giành chiến thắng, đồng nghĩa với việc đàm phán hòa bình trở nên khó khăn hơn, và đàm phán cũng sẽ đi theo hướng duy trì nhà nước Bắc Síp, nguyện vọng thống nhất đảo Síp vì thế ngày càng trở nên xa vời hơn.

Tiến trình đàm phán tái thống nhất Síp do LHQ bảo trợ vốn được đánh giá đầy triển vọng đã đổ vỡ vào tháng 7-2017 và giậm chân tại chỗ cho đến nay. Một thỏa ước liên bang nhằm đưa hai miền Nam và Bắc Síp về chung mái nhà đã trở thành mấu chốt gây ách tắc trong tiến trình đàm phán. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ mong muốn hai bên tái đàm phán trong vài tháng tới, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tất cả còn tùy thuộc vào ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 18-10 tới.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/ve-mot-tuong-lai-thong-nhat-dao-sip-615908/