Về một người có để lại di sản quý cho dân, cho nước

Với nhân dân, khi đánh giá một người lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, điều quan trọng nhất là người ấy, trên trọng trách của mình, để lại di sản gì cho dân, cho nước.

Tôi có dịp quen biết anh Hai Nghĩa khi anh chỉ đạo Đại hội thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào đầu tháng 5.2009. Khi ấy, tôi đang là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, được giới thiệu ứng cử Phó Chủ tịch của Liên đoàn. Việc thành lập Liên đoàn do một hội đồng luật sư lâm thời phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ tổ chức. Việc tổ chức Đại hội gặp nhiều khó khăn, một số nhân sự cao cấp rất căng thẳng với nhau, Đại hội có nguy cơ không suôn sẻ, ảnh hưởng đến uy tín chung của giới luật sư.

Là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách nội chính, bao gồm quản lý hoạt động luật sư, anh Hai phải “xắn tay áo”, trực tiếp xông vào. Tính anh không thuộc loại lãnh đạo “chỉ tay năm ngón”. Dù đã có hai bộ trưởng dưới quyền, anh vẫn tham dự hai ngày Đại hội, ngoài ra còn những cuộc gặp gỡ khác để “giải tỏa vướng mắc” của các đại biểu.

Bài phát biểu của anh tại phiên bế mạc gây ấn tượng nhất: anh không đọc diễn văn huấn thị mà “nói vo”, bằng những lời tâm tình, kêu gọi các đại biểu, ủy viên hội đồng hãy vì trách nhiệm chung, sự nghiệp chung mà đoàn kết, cùng nhau xây dựng tổ chức toàn quốc đầu tiên của giới luật sư Việt Nam.

Tác giả (phải) với Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Đại hội thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam 2009. Ảnh: TL

Tác giả (phải) với Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Đại hội thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam 2009. Ảnh: TL

Trong công việc của một Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư và ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII và XIV, tôi có nhiều dịp phải nghiên cứu và vận dụng nhiều nội dung trong hai nghị quyết chủ yếu của Đảng về cải cách tư pháp: Nghị quyết 08-NQ/TW tháng 1.2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW tháng 6.2005. Hai nghị quyết này cho thấy tầm nhìn xa rộng và đúng đắn của Đảng khi chủ trương xây dựng và tiến hành Chiến lược cải cách tư pháp. Những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra trong hai nghị quyết thực chất là bản thiết kế cho một nhà nước pháp quyền tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam đã công nhận, đã cam kết, trong đó bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ hiến định, bảo vệ công lý là bản chất cố hữu của toàn bộ hệ thống tư pháp. Quá trình thể chế hóa các nội dung của hai nghị quyết trên, một số tư tưởng, chế định, quan điểm trong hai nghị quyết trên đã gây nhiều tranh luận, có lúc rất căng thẳng, nhưng cuối cùng đã được ghi vào Hiến pháp 2013 và nhiều đạo luật được bổ sung, sửa đổi theo. Đó là nhờ cái lõi tiến bộ, nhân văn, cách mạng, nhờ các luận cứ chặt chẽ và tính hệ thống của hai nghị quyết ấy.

Sau này, thông qua những người cùng sát cánh dưới sự lãnh đạo của anh, được anh trọng dụng để đóng góp trí tuệ trong quá trình xây dựng và thông qua hai nghị quyết 08 và 49 nói trên, tôi mới được biết anh Hai Nghĩa là người có công lớn trong việc tổ chức soạn thảo, giải trình và thuyết phục Bộ Chính trị thông qua hai nghị quyết này.

Ngoài lối sống giản dị, liêm khiết, quan tâm và gần gũi quần chúng, anh Hai Nghĩa còn có công lớn trong sự nghiệp cải cách hệ thống tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, TS. Hoàng Thế Liên, kể: “Sau gần 10 năm triển khai Hiến pháp 1992, nhận thức về nhà nước pháp quyền có những phát triển mới. Các vị lãnh đạo bắt đầu thấy sự tụt hậu của tư pháp so với kinh tế - xã hội đang trên đà đổi mới mạnh mẽ. Sự tụt hậu ấy biểu hiện qua tất cả giai đoạn, lĩnh vực liên quan đến tư pháp, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Không có bác Hai Nghĩa quyết liệt, đứng mũi chịu sào thì không có nền móng cải cách tư pháp!”.

Theo bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương: “Anh Trương Vĩnh Trọng luôn biết lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và mọi người, nên đã tham mưu xây dựng được nghị quyết có tầm quan trọng”. Bà Thu Ba khẳng định: những tư tưởng trong nghị quyết 49 là tiền đề quan trọng để sửa đổi Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm tiến bộ, nhất là về cải cách tư pháp; xác định tư pháp độc lập; xác định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Sự nghiệp cải cách tư pháp mà anh Hai Nghĩa có công đóng góp sẽ phải được tiếp tục thực hiện, phát huy hết quy mô, chiều kích và giá trị của nó. Bởi vì, với kinh nghiệm mấy mươi năm hoạt động pháp luật, mười năm tham gia lập pháp, tôi nhận thức rằng, nếu thực hiện đúng, đầy đủ, thực chất những nội dung trong hai nghị quyết trên, đất nước ta sẽ có một nền tư pháp tiên tiến, văn minh, đúng nghĩa là “quyền lực nhà nước của dân, do dân, vì dân”, sẽ có “dân chủ, công bằng, văn minh”, người dân sẽ tin tưởng, “tâm phục, khẩu phục”, thậm chí ngưỡng mộ, những người đại diện cho nền tư pháp nước nhà!

Bà Thu Ba kể: “Khi còn đương chức, điều trăn trở nhất của anh Trương Vĩnh Trọng là về quyền lợi của người dân. Nhìn thấy cảnh bà con đi khiếu kiện, ông rất xót xa. Những trăn trở ấy thôi thúc, khiến ông quyết tâm cải cách tư pháp, khiến ông đau đáu việc làm sao nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, để người dân được tôn trọng, được hài lòng”.

Tháng 12 năm ngoái, nghe anh trở nặng, tôi ghé thăm. Anh mời ăn chuối, uống trà, rồi anh nói về chuyện chống tham nhũng, câu cuối cùng là: “Khi người ta té xuống ao rồi, mình lấy sào vớt người ta lên, đừng đè người ta chết chìm luôn”. Thật trùng hợp! Năm 1985, bác Ba Nghĩa (tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ), với tư cách Chủ tịch Quốc hội, khi chỉ đạo việc thông qua Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, đã nhắc đi nhắc lại phải luôn nhớ đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” và nhấn mạnh: “Dân Việt Nam mình mấy chục triệu, chỉ chừng một, hai hay chục ngàn người phạm tội. Ban hành luật ra không phải để trừng phạt mà để bảo vệ dân”.

Giờ đây, khi những cánh mai vàng còn đậm sắc xuân Tân Sửu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, mà thuộc cấp và nhân dân vẫn quen gọi thân thương là “anh Hai Nghĩa”, đã về yên nghỉ bên cạnh đồng đội của mình trong Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre. Tiễn biệt một trong những vị lãnh đạo cao cấp của đất nước, chỉ mong sao những người làm công tác nội chính sẽ tiếp bước anh trong sự nghiệp cải cách tư pháp, và học tấm gương của anh: làm nội chính phải có “bàn tay sạch”, quan điểm nhân văn và tấm lòng thương dân, thương người. Bởi vì “Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, và “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…” (Điều 2, Hiến pháp 2013).

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ve-mot-nguoi-co-de-lai-di-san-quy-cho-dan-cho-nuoc-27650.html