Về một mưu toan bắn vào lịch sử

Trong những ngày gần đây, một số tổ chức, cá nhân ở hải ngoại, thông qua những trang báo phản động và mạng xã hội, đang ráo riết phát tán một lời kêu gọi nguy hiểm, nhằm, một lần nữa, lôi kéo, dụ dỗ, kích động gây phức tạp tình hình đất nước bằng cái gọi là cuộc 'tổng biểu tình'.

Trong những ngày gần đây, một số tổ chức, cá nhân ở hải ngoại, thông qua những trang báo phản động và mạng xã hội, đang ráo riết phát tán một lời kêu gọi nguy hiểm, nhằm, một lần nữa, lôi kéo, dụ dỗ, kích động gây phức tạp tình hình đất nước bằng cái gọi là cuộc “tổng biểu tình”. Thật ra, điều này không có gì lạ và hẳn nhiên không dễ dàng lừa mị được hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không cảnh giác và hiểu rõ âm mưu thâm độc này, có thể, bằng cách này hay cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác, những người vô tình hay cố ý hưởng ứng những lời kêu gọi ấy, sẽ bắn vào lịch sử một phát đạn, cực kỳ nguy hại, mà cái giá phải trả không đo đếm được.

Từ lâu, kêu gọi biểu tình là “đặc sản” dễ nhận thấy của các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong, được coi là một phần không thể thiếu của âm mưu “diễn biến hòa bình”. Nhưng điều khác biệt đáng kể trong những lời kêu gọi gần đây, rầm rộ nhất kể từ đầu tháng 8-2018, chính là đưa thêm vào từ “tổng” (tổng biểu tình), với hàm ý (thực ra là ảo tưởng) kêu gọi người Việt Nam đứng lên thực hiện “cuộc cách mạng thứ hai”, điên cuồng đặt những tham vọng chính trị mang tính chất phá hoại sánh ngang với... Cách mạng Tháng Tám 1945, cuộc cách mạng đã thay đổi vĩnh viễn thân phận nô lệ của cả dân tộc, đứng lên làm chủ non sông và vận mệnh của mình.

Cách mạng tháng Tám có vô vàn sự kiện phản ánh sâu sắc tính chất cũng như hào khí của dân tộc Việt Nam lúc ấy. Trong phạm vi bài viết này, xin kể một câu chuyện mà chúng tôi ghi lại từ hai nhà nghiên cứu uy tín ở Huế, là ông Nguyễn Đắc Xuân và ông Nguyễn Xuân Hoa. Đó là chuyện vua Bảo Đại thoái vị. Khi cách mạng tháng Tám nổ ra ở Huế, vua Bảo Đại vẫn còn trị vì trong kinh thành. Hàng nghìn quân Nhật ở Huế, sẵn sàng “tử thủ” để bảo vệ ngai vàng của Bảo Đại. Lực lượng Việt Minh ở Huế phần lớn văn sỹ, trí thức, tu sỹ và quần chúng nhân dân được trang bị rất thô sơ. Nhưng Bảo Đại không đồng ý cho Nhật nổ súng, mà cứ yên vị chờ đợi. Có người khuyên Bảo Đại trốn vào các lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn, vua bảo “ôốt dôột”. Khi Việt Minh hạ cờ quẻ ly của vương triều Nguyễn xuống, kéo lá cờ đỏ sao vàng lên, quân lính triều đình xin ý kiến Bảo Đại cho bắn hạ nhưng vua không đồng ý. Sau đó, đại diện Việt Minh đến gặp Bảo Đại, đề nghị thoái vị, vua đồng ý.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, sau này, các ông đã hỏi qua các kênh trong giới ngoại giao, học thuật, tiếp cận với những người từng trực tiếp gặp cựu hoàng, thì biết được rằng, sở dĩ Bảo Đại không cho Nhật nổ súng vào Việt Minh, không bỏ trốn, không cho đội bảo vệ bắn hạ những người treo cờ, là bởi ông đang chờ đợi và quan sát xem ai thực sự là người lãnh đạo Việt Minh và Cách mạng tháng Tám. Lúc bấy giờ, Bảo Đại chỉ nghe nói đến Hồ Chí Minh nhưng không biết người này. Khi biết Hồ Chí Minh chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, ông đã đồng ý thoái vị ngay (nhiều tài liệu nói rằng, lúc đó Bảo Đại buột miệng nói một câu tiếng Pháp, đại ý là, như thế thì thật đáng thoái vị).

Sau này, với sự can thiệp, hậu thuẫn của các thế lực ngoại bang, Bảo Đại trở thành một nhân tố trên bàn cờ chính trị phức tạp ở Việt Nam những năm giữa thế kỷ XX, và rốt cuộc, khi ông không còn giá trị nữa, đã bị đẩy ra rìa; theo cách nào đó, ông cũng nhận được cái giá của mình. Do đó, câu chuyện của Bảo Đại có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, có thể phân tích theo nhiều hướng khác nhau, nhưng có một thực tế không thể nào phủ nhận. Đó chính là, vào năm 1945, trước sức mạnh vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, của quần chúng nhân dân, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã từ bỏ thân phận của một ông vua bù nhìn, một người nô lệ, để đứng lên hòa mình vào dòng chảy mạnh mẽ sục sôi của Cách mạng tháng Tám, của thời đại mới, với tư cách là công dân của một nước Việt Nam độc lập. Thời điểm đó, Bảo Đại rõ ràng đã cảm nhận được sức mạnh và ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.

Lực lượng làm nên Cách mạng tháng Tám là hiện thân của tinh thần yêu nước, của khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Đó là sự thật lịch sử không thể nào chối cãi. Mọi sự đánh đồng, mọi mưu toan “dựa hơi” của Cách mạng tháng Tám của thế lực thù địch, phản động lưu vong, phần tử chống đối, quá khích hiện nay, trước hết, là một sự xúc phạm không thể dung thứ. Và mọi sự hưởng ứng, bất luận vô tình hay cố ý, đều là những hành động sai lầm ghê gớm nhất: Xúc phạm, chà đạp tinh thần yêu nước và máu xương của những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam.

Rõ ràng, những kẻ phá hoại không thể nào hiểu được rằng, trong suốt 73 năm qua, dân tộc Việt Nam vẫn đang bền bỉ bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám. Đó là một cuộc đấu tranh vô vàn gian khổ, ác liệt, với 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954); 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); 43 năm vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề do sự bao vây, cấm vận và cả hành động gây ra chiến tranh biên giới. Những kẻ phá hoại cũng không thể hiểu được rằng, mỗi thành quả lao động, mỗi bát cơm, manh áo của người Việt Nam hôm nay ẩn chứa không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu của lớp lớp thế hệ tiền nhân. Và chúng cũng không thể hiểu được rằng, dân tộc Việt Nam đang nỗ lực cùng với bạn bè, đối tác khắp nơi trên thế giới, gác lại quá khứ, xây dựng tương lai hòa bình, thịnh vượng.

Cho đến lúc này, những kẻ phá hoại vẫn điên cuồng kêu gọi "tổng biểu tình", với mưu toan đánh đồng, dựa hơi Cách mạng tháng Tám, và chúng đang âm mưu tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thành quả, di sản của cuộc cách mạng này. Thành quả đó là một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; một thể chế chính trị tiến bộ, một nhà nước của dân, do dân, vì dân; một nền kinh tế đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang hội nhập sâu với khu vực và thế giới; một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... Hành động thô bỉ, và, cũng khá nực cười, hóa ra chúng lại đang tạo ra ảo tưởng cho một số phần tử trong xã hội. Có lẽ, cảm giác ảo tưởng này, phần nào đó được gợi nên bởi diễn biến ở một số địa phương vào các ngày 10 và 11-6 vừa qua, khi một số quần chúng bị lừa mị, một số phần tử manh động tụ tập và tấn công vào cơ quan công quyền, đơn vị LLVT, tựa hồ họ không nhận ra rằng, những quần chúng bị kích động đã kịp nhận ra sai lầm của mình, những phần tử quá khích cũng đã phải chịu sự trừng trị của pháp luật và ăn năn hối cải.

Ở đây có một khía cạnh cần lưu ý, những cuộc tụ tập trái phép và hành động quá khích vào tháng 6-2018 “chỉ là” hành động vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả trực tiếp và vẫn có thể khắc phục được. Nhưng tham gia cái gọi là “tổng biểu tình” với ảo tưởng “cuộc cách mạng thứ hai” không chỉ có vậy, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành động báng bổ lịch sử, phá hoại thành quả của Cách mạng tháng Tám cần phải kiên quyết ngăn chặn, đập tan mưu đồ đó.

Và, một sự thật chua xót có thể nhìn thấy trước, khi cố tình dụ dỗ, lôi kéo, kích động được một bộ phận quần chúng làm những việc sai trái, nguy hiểm thì những kẻ chủ mưu, cầm đầu của thế lực thù địch, phản động lưu vong ở nước ngoài sẽ vô cùng hả hê (không thể loại trừ khả năng còn nhận được tiền); còn những người nhẹ dạ cả tin, bị chúng lôi kéo, xúi giục, kích động lại phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và lịch sử. Chúng tôi tin chắc rằng, người yêu nước chân chính dù ở trong nước hay ở nước ngoài cũng dễ dàng nhận ra điều này. Ai đó đã nói rằng, nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Thiết tưởng, đó là một trong những điều đáng lưu tâm nhất trong thời điểm hiện nay.

NGUYỄN LÊ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/157_194646_ve-mot-muu-toan-ban-vao-lich-su.aspx