Về miền Tây, nghe chuyện đờn caTiếng đờn thế kỷ

102 tuổi, tinh anh và trí huệ càng ngẫm càng dày. Tiếng đờn tranh từng trổi lên và 'bỏ sầu' giữa trời Tây đất khách, nay vẫn cứ nhặt khoan, bổng trầm thâm thúy triết lý ở đời. Đời là nhạc mà nhạc cũng là đời - ông nói vậy. Tết này, xin kể về ông - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

102 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn minh mẫn, tinh anh, sử dụng máy vi tính thành thạo.

102 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn minh mẫn, tinh anh, sử dụng máy vi tính thành thạo.

Đi xa - nhớ nhà, tuổi già - nhớ về ký ức. Hạnh phúc nào bằng tuổi xế chiều được vui vầy cùng cháu con chốn quê cũ, làng xưa. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cũng vậy. Tết này đã là cái Tết thứ hai cụ về sống ở làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, trong tiếp đón ấm áp của quê hương, tại ngôi nhà nhỏ với tiếng đàn tranh réo rắt, có con rạch róc rách trước hiên... Cuộc đời nhạc sư Vĩnh Bảo đi đây đi đó đã nhiều, từng được bạn bè quốc tế vinh danh vì tiếng đờn tranh thần sầu. Nay, ông chọn về quê cũ Sen Hồng.

Chẳng biết phải viết bao nhiêu mới phác họa đủ về vị nhạc sư 102 tuổi, tiếp xúc với âm nhạc dân tộc từ khi mới 5-7 tuổi, lên 10 đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Còn nói về tiếng đờn tranh Vĩnh Bảo, phải mượn lời của cố Giáo sư Trần Văn Khê - người bạn đồng điệu của ông: “Liêu trai, phù thủy, độc nhất vô nhị”. Từ những năm 1950, nhạc sư Vĩnh Bảo đã dạy đờn tranh và là Trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Từ đầu thập niên 1970, ông giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam khắp nơi trên thế giới, giới thiệu đờn ca tài tử Nam bộ đến với UNESCO, khiến giới nghiên cứu âm nhạc thế giới sửng sốt về di sản quý báu của Việt Nam. Nhạc sư Vĩnh Bảo từng nhận Giải thưởng Đào Tấn, Giải thưởng Phan Chu Trinh, vinh dự được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Bội tinh về nghệ thuật và văn hóa.

Nhạc sư Vĩnh Bảo (thứ 2, từ phải sang) trong buổi nói chuyện về đất và người Đồng Tháp xưa.

Nhạc sư Vĩnh Bảo cũng chính là người cải tiến cây đờn tranh vốn dĩ có 16 dây thành 17, 19, thậm chí là 21 dây, được ứng dụng rộng rãi trong giới cổ nhạc bây giờ. Với một cây đờn tranh 16 dây nguyên thủy, người đờn phải “bản nào dây đó”, muốn đờn bản khác phải nắn phím, so dây lại. Cây đờn tranh của nhạc sư Vĩnh Bảo linh hoạt từ bài bản đến các hơi, điệu mà không phải “mỗi cái mỗi chỉnh”.

102 tuổi, mái tóc bồng bềnh trắng xóa, gương mặt mẫn tuệ, tiếng đờn gieo những thương yêu. Mới đây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tổ chức giao lưu với nhạc sư Vĩnh Bảo, để nghe ông kể “chuyện xưa tích cũ” trên đất Sen Hồng. Trí huệ ông vẫn tinh tường. Mọi người hỏi ông về cây cầu, bến phà, về đường tàu Cao Lãnh - Nam Vang thuở trước, về những người Đồng Tháp xưa, xưa thật xưa, của 70-80 năm trước. Ông trả lời thấu đáo. Ông còn đọc thơ, nói tiếng Pháp… lúc trầm giọng vì nhớ chuyện xưa, lúc lại cười hào sảng. Khách đến giao lưu đủ mọi giới, mọi độ tuổi… chăm chú ngồi nghe, ghi chép. Đâu có cuốn sách nào quý bằng nhân chứng sống như vậy.

Nhà lưu niệm nhạc sư Vĩnh Bảo tại quê hương Đồng Tháp.

Mải mê với chuyện xưa, có lúc cô Thu Anh, con gái của nhạc sư, lại hỏi khẽ cha có mệt không. Ông lắc đầu bảo không! Nhạc sư là vậy, luôn nhiệt huyết và hứng khởi trong mỗi việc làm, mang đến cho người khác cảm giác yên tâm. Đến nhà thăm, ông vui vẻ đón chào bằng những câu chuyện bất tận. Dù kể chuyện gì thì như một thói quen vô thức, chốc chốc ông lại chỉnh, lại mân mê cây đờn trước mặt, sau lưng, hay gảy lên mấy tiếng như đánh động không gian. Biết tôi từ Cần Thơ sang, ông kể chuyện xưa Cần Thơ, về người thầy đầu tiên đất Tây Đô dạy ông học đờn… Chỗ nào tôi chưa rõ, do tiếng Pháp, ông lấy giấy viết ra. Ghi rồi ký tên như một sự bảo chứng. 102 tuổi, ông vẫn sử dụng máy vi tính thành thạo và nhanh lẹ. Ông từng lập kỷ lục Việt Nam về lão nhạc sư cao tuổi nhất dạy học trò đờn qua máy vi tính.

Nói về âm nhạc, về đờn ca tài tử, nhạc sư Vĩnh Bảo hào hứng lắm: “Mỗi khi đàn, tôi lại đắm chìm vào trạng thái tĩnh lặng, tìm về nội tâm, hiểu bản thân mình”. Người từ trăm năm đã tìm cho mình sự minh triết trong âm nhạc, rằng âm nhạc hướng con người đến cái đẹp, thiện lương, hài hòa; dù có sang hay hèn, Âu hay Á… Ông luôn mãn nguyện vì cả đời cống hiến cho âm nhạc. Nhưng đời người thì hữu hạn mà âm nhạc thì muôn đời, vậy nên tuổi 102, lão nhạc sư vẫn cống hiến. Có lẽ vậy nên trong bài thơ “Chân dung tự họa” mới sáng tác, lão nhạc sư nặng nợ như vầy:

“Trăm lẻ hai tuổi, tâm huyết vẫn còn

Như cây cổ thụ, che bóng cành non

Muốn trao báu vật cả đời tích lũy

Cho cả mọi người, không chỉ cháu con…”

Cũng bởi thấu cảm sự minh triết trong âm nhạc, nhạc sư Vĩnh Bảo mới đây trưng ra bằng chứng về người lập ra Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Dẫu bằng chứng, giấy tờ hẳn hoi rằng đó là ông Nguyễn Văn Phát, anh ruột của ông, nhưng ông khiêm tốn mà rằng: Đưa ra để rộng đường dư luận, để lịch sử cải lương thêm sáng tỏ chứ không có ý khiếu nại, đòi quyền lợi chi hết. Rõ ràng, một thế kỷ nắn nót tiếng đờn làm nhân cách của một nghệ sĩ thêm tinh anh. Với nhạc sư Vĩnh Bảo, chơi đờn, dạy đờn cũng để trở về tôn vinh gốc rễ, cội nguồn…

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ve-mien-tay-nghe-chuyen-don-catieng-don-the-ky-a117503.html