Về miền ký ức phiên dịch với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Thời trẻ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng là phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau này, khi đảm nhiệm công tác khác, thậm chí là lãnh đạo trong ngành Ngoại giao, ông cũng có những lần phiên dịch 'bất đắc dĩ'...

Ông Vũ Khoan (đứng, ở giữa) trong lần dự buổi Bác Hồ tiếp đón học sinh trường tiểu học mang tên Hồ Chí Minh tại Liên Xô. (Ảnh tư liệu)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có những trải lòng về nghề phiên dịch tại buổi tọa đàm “Phiên dịch ngoại giao: 75 năm ký ức và con người” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Xử lý “khủng hoảng”

Ông Vũ Khoan cho rằng, với phiên dịch ngoại giao, hai từ trách nhiệm có ý nghĩa rất lớn, làm phiên dịch không có nghĩa là chuyển ngữ mà là chuyển ý nhưng vẫn phải bảo đảm được ngữ. Nghề phiên dịch giúp kiến thức của cán bộ nâng lên, có thể xử lý tốt hơn khủng hoảng trong quan hệ quốc tế bởi đôi khi chỉ thay đổi một chữ cũng thay đổi toàn bộ chính sách.

Để minh chứng, ông nhớ lại khoảng thời gian khi làm Thứ trưởng Ngoại giao, phụ trách nhiều vấn đề trong đó có vấn đề lãnh sự, hồi hương. Hồi đó, phía đối tác yêu cầu Việt Nam “cưỡng bức hồi hương” nhưng phía Việt Nam đề nghị “tự nguyện hồi hương”, do vậy, ông nghĩ rằng cần chọn một từ mang ý nghĩa trung gian - “hồi hương có trật tự” để hai bên thỏa hiệp với nhau và cuối cùng thỏa hiệp đã thành công. “Rõ ràng, chỉ có vốn ngoại ngữ vững mới có thể nghĩ ra được giải pháp trong tình thế đó", ông nói.

Làm phiên dịch, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng không thể thiếu sự nhạy bén và khéo léo. Sau Hội nghị Paris, ông làm phiên dịch tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Liên Xô. Đoàn đến thăm thành phố Saint-Petersburg tham dự một cuộc mít tinh lớn và có Thủ tướng Liên Xô đi cùng. Thời điểm đó giữa Việt Nam và Liên Xô có những điểm đồng lớn nhưng cũng có khác biệt. Tại cuộc mít tinh, khi Thủ tướng Liên Xô đọc diễn văn thì phía ta nhận thấy có những quan điểm không trùng, do vậy, Tổng Bí thư Lê Duẩn có nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng bác bỏ. Nhưng giữa đông đảo công chúng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xử lý rất khéo léo, ông không bác bỏ quan điểm mà nêu cao tư tưởng của Lê Nin.

“Tôi phải dịch những lời đó của Thủ tướng trước hàng nghìn người, đó là một áp lực vô cùng lớn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu rất hùng hồn, vì thế, tôi cũng phải thể hiện ý của ông hùng hồn như vậy, đó là pha ứng phó rất khó nhưng tôi cũng đã xử lý được”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại. "Sau khi về nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nói những điều nhạy cảm không nên thể hiện trước công chúng, từ đây, tôi cũng học được rằng trước công chúng không thể để đối tác mất mặt và cần ứng xử khéo léo”.

Những vốn liếng trong nghề dịch có lần giúp ông “cứu thua” các sự kiện đối ngoại. nguyên Phó Thủ tướng nhắc lại kỷ niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC Thượng Hải, khi ông là Bộ trưởng Bộ Thương mại. Từ châu Âu, ông đáp máy bay về Thượng Hải và gặp Thủ tướng Phan Văn Khải. Tại Thượng Hải, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp Tổng thống Nga Putin, nhưng cả hai bên đều không có phiên dịch viên. Vậy là ông Vũ Khoan phải làm phiên dịch “bất đắc dĩ”.

Khi ấy, Tổng thống Nga Putin rất ngạc nhiên về trình độ tiếng Nga của ông và cũng ngạc nhiên khi từ một phiên dịch viên thời trẻ, ông đã trở thành một Bộ trưởng, Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Vũ Khoan phát biểu tại Tọa đàm “Phiên dịch ngoại giao: 75 năm ký ức và con người”, ngày 27/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bao thuốc của Bác Hồ

Tấm gương sáng, bậc thầy với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và với các thế hệ phiên dịch đối ngoại Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bác Hồ biết chín thứ tiếng và cho đến khi ngoài 70 tuổi vẫn còn chăm học ngoại ngữ.

Nguyên Phó Thủ tướng hồi tưởng: “Có lần tôi lên dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, tôi thấy Bác lấy thuốc lá ra hút. Trong hộp thuốc lá có mẩu giấy, Bác cứ lẩm nhẩm đọc. Tôi không dám hỏi, nhưng nghe thì thấy Bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Tôi mới hỏi: Bác muốn học tiếng Nga ạ? Bác nói mình vốn biết tiếng Nga nhưng do lâu năm không sử dụng nên vốn từ vựng bị rơi rụng, thành ra giờ phải học lại”.

Bác để một mảnh giấy trong hộp thuốc, trên có ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi ngày Bác hút khoảng 1 bao thuốc lá, tương đương 20 điếu. Cứ mỗi lần mở hộp thuốc lấy 1 điếu là Bác lại nhẩm đọc từ mới. Mỗi ngày 10 từ, cho rơi rụng đi thì cũng học được 5–7 từ. “Cả đời tôi gặp biết bao người nhưng chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác Hồ cả”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thán phục.

Bác Hồ rất giỏi tiếng Anh. Ông Vũ Khoan kể lại: “Mới đầu nghe đồn Bác biết tiếng Anh, tôi nghĩ chắc Bác cũng biết chứ không thạo. Nhưng lần lên dịch ở Phủ Chủ tịch, nghe Bác nói tiếng Anh với khách mà tôi thấy sợ, Bác nói giỏi quá. Sau tôi có đọc lại những lá thư Bác Hồ viết cho Quốc tế cộng sản bằng tiếng Anh, thì đúng là chữ Bác thật, viết rất chuẩn. Thế ra tiếng Anh của Bác rất giỏi chứ không như người ta nghĩ Bác chỉ giỏi tiếng Pháp đâu”.

Nguyên Phó Thủ tướng cho biết Bác Hồ nói tiếng Trung Quốc không hay lắm, vì Bác nói giọng Quảng Đông (chứ không phải giọng Bắc Kinh). Nhưng bù lại, vốn chữ Hán của Bác lại “rất thâm hậu”. Ngoài thạo tiếng nước ngoài, Bác Hồ còn biết cả tiếng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mán...

“Đời tôi thấy hai người rồi, một ông Nga, một ông Trung Quốc, trông thấy Bác Hồ là ‘xỉu’, không dịch được. Cho nên phiên dịch giỏi là phải có bản lĩnh, không được sợ, phải bình tĩnh ứng phó”, ông Vũ Khoan chia sẻ.

Trước đây nhiều người nghĩ phiên dịch là công việc dễ dàng nhưng thực sự đây là một công việc khó khăn, vất vả và không hề đơn giản. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo trong Bộ Ngoại giao đều từng trưởng thành từ phòng phiên dịch hoặc từng là phiên dịch. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề xuất Bộ Ngoại giao nên tổ chức thêm các khóa đào tạo về phiên dịch để phiên dịch trở thành một ngành; bồi dưỡng các cán bộ trong ngành kiến thức về ngoại giao, lịch sử ngoại giao, kinh tế quốc tế…

“Phiên dịch phải biết tất cả, không trừ một lĩnh vực nào”, ông nói, đồng thời đề xuất nhiều chính sách cho các cán bộ làm nghề phiên dịch. Nếu không có chính sách tốt thì ngành ngoại giao sẽ không thể có cán bộ giỏi.

“Thông điệp của tôi đưa ra đối với thế hệ mới của ngành phiên dịch đó là: Chính sách, chính sách và chính sách. Hiện nay chúng ta mới chỉ có phiên dịch tầm quốc gia nhưng vẫn chưa có những phiên dịch tầm quốc tế”, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ve-mien-ky-uc-phien-dich-voi-nguyen-pho-thu-tuong-vu-khoan-111321.html