Về miền 'đẻ đất đẻ nước'

Đi qua cung đường uốn lượn với điệp trùng núi non kỳ vĩ, những mái nhà sàn ở Vân Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) thấp thoáng bên nương ngô trù phú, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đậm văn hóa Mường của vùng đất này.

Tháng 2/2020, 3 xã Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn sáp nhập thành xã Vân Sơn của huyện vùng cao Tân Lạc. Cách trung tâm huyện hơn 20km, Vân Sơn được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu trong lành, mang đậm văn hóa dân tộc Mường. Đến thăm bản làng của đồng bào Mường, sẽ thấy những ngôi nhà sàn dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát, xung quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Điều ấn tượng là người dân nơi đây vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống; trong đó, đàn ông mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái, quần ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng. Còn phụ nữ hàng ngày đều mặc áo pắn (áo ngắn), đầu đội khăn trắng, xanh, váy kín màu đen.

Nhờ du lịch, diện mạo của bản Mường đã nhanh chóng đổi thay

Nhờ du lịch, diện mạo của bản Mường đã nhanh chóng đổi thay

Vân Sơn còn là vùng đất của hệ thống các hang động tuyệt đẹp. Trong đó, động Nam Sơn nằm trong hệ sinh thái của khu vực rừng đệm vườn Quốc gia Cúc Phương và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, được công nhận di tích thắng cảnh quốc gia vào năm 2008. Còn hang Núi Kiến nằm trong hệ sinh thái đồi rừng và cảnh quan trên núi đá vôi.

Đặc biệt, tại khu vực xã Nam Sơn cũ, nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển, ngoài hệ thống hang động dày đặc, đây là vùng đất của quýt cổ - loại cây trồng đem lại những mùa quả ngọt trong công cuộc chuyển đổi kinh tế ở xã vùng cao này. Quýt cổ còn có tên gọi khác là quýt hôi với vị chua rôn rốt đặc trưng, vỏ quýt có vị thơm khác lạ, là gia vị trong chế biến món ăn và một vị thuốc trị ho từ xa xưa của đồng bào Mường. Nhận thấy giá trị kinh tế cao, hơn một thập kỷ qua, người dân xã Nam Sơn đã phủ xanh sắc quýt trên những nương ngô, nương sắn với diện tích hàng trăm ha.

Với lợi thế trên, tỉnh Hòa Bình đã tập trung đầu tư, xây dựng phát triển du lịch cộng đồng tại xã Vân Sơn, nhằm tạo điểm nhấn lôi cuốn du khách, cũng như mở thêm hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. Mới đây, với sự hỗ trợ của Dự án AOP (Australia), huyện Tân Lạc đã lựa chọn xóm Chiến để xây dựng các mô hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay). Cùng với nguồn lực cho vay của dự án, các hộ dân đã đầu tư sửa sang lại nhà cửa, vừa giữ bản sắc nhưng cũng đầy đủ tiện nghi để phục vụ khách du lịch. Chỉ sau thời gian ngắn, nhờ du lịch, diện mạo của bản Mường này đã nhanh chóng đổi thay, khi chính quyền quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, đường làng, ngõ xóm đổ bê tông, sạch sẽ.

Nằm trên ngọn đồi gió lộng quanh năm của xóm Chiến, homestay Xuân Trường của vợ chồng ông Hà Văn Thuấn đã níu chân không ít du khách bởi không khí trong trẻo, nếp nhà sàn tươm tất. Ông Thuấn cho biết, được hỗ trợ của AOP và các cấp chính quyền, gia đình ông đã quyết định cải tạo, nâng cấp nhà ở để làm du lịch, nhờ đó kinh tế được cải thiện; nếp sống, sinh hoạt cũng tiến bộ hơn. Ngoài gia đình ông Thuấn, xóm Chiến còn có 74 hộ khác cũng tham gia phục vụ du khách như làm hướng dẫn viên, trình diễn văn nghệ, cho thuê xe máy, xe đạp…

Sải bước trên con đường bê tông của xóm Chiến, lặng ngắm vẻ thanh bình, hoang sơ của bản làng với những nếp nhà mộc mạc, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn triển vọng phát triển du lịch của vùng đất. Hy vọng, du lịch phát triển sẽ là động lực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc Mường truyền thống của vùng cao này.

Mộc mạc và giản dị, nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường, cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước” đã được truyền lại qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ve-mien-de-dat-de-nuoc-143192.html