Về miền đất Quảng anh hùng

Đây là lần thứ tư tôi trở lại Quảng Nam. Chỉ khác những lần trước tôi đến đất Quảng một mình thì lần này đi cùng đoàn các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa.

Đường vào nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bưởi ở thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.

Đường vào nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bưởi ở thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.

Đất Quảng khó nghèo

Trước khi lên đường, tôi đã dặn lòng mình rằng phải tìm hiểu để trả lời câu hỏi tại sao vùng đất khó khăn, đau thương này lại sản sinh ra nhiều anh hùng đến vậy. Điều mà tôi đã từng được đọc trong những sáng tác như: “Đất Quảng”, “Cát Cháy”, “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” của nhà văn Nguyên Ngọc, một người con của Quảng Nam.

Theo phương ngữ, người nơi đây gọi quê mình là "Quảng Nôm" một cách rất dân dã. Mà cũng phải Nam còn đọc là Nôm, chữ Nam là chữ Nôm, theo cái kiểu như chữ của người Nam theo sáng tạo trên nền chữ Hán thì gọi là Hán Nôm, Quảng Nam thì đương nhiên là Quảng Nôm rồi. Cái sự nôm na ấy lại đi liền với tính khí giản dị, thuần hậu, chất phác của người dân xứ này.

Hàng cau bên con ngõ nhỏ.

Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Cha ông ta đặt tên cho đất mà như muốn gửi gắm cho cháu con cái khát vọng mở mang bờ cõi xây dựng tiền đồ rộng lớn cho hậu thế sau này.

Đất Quảng rộng nhưng cằn cỗi. Tổng diện tích tự nhiên của Quảng Nam là hơn 1 triệu ha được hình thành từ 9 loại đất khác nhau gồm: Cồn cát và đất cát ven biển, đất phù sa sông, đất phù sa biển, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng, đất bạc màu xói mòn trơ sỏi đá.

Đến đây, thì tôi đã hiểu câu đầu của một bài ca được nghe khi lần đầu tiên đặt chân lên đất Quảng: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”. Với loại đất cồn cát, đất xám bạc màu đất sỏi đá như vậy cộng thêm lượng mưa không cao nữa thì chưa mưa đã thấm là phải rồi. Đất ấy làm sao giữ lại nước được. Chính vì thế người nông dân xứ Quảng luôn “khát” nước ngọt.

Chúng tôi vào thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bưởi ở thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc. Mẹ Trần Thị Bưởi, sinh năm 1920, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1948, từng bị địch bắt tù đày tại Côn Đảo, có 3 con trai là liệt sĩ chống Mỹ. Năm 1994, Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và được Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh nhận phụng dưỡng.

Mẹ Bưởi đã mất năm 2011. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng thứ hai là Trương Thị Tám ở thôn Nghĩa Bắc, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tuy vậy, dịp nào vào thăm mẹ Tám, đoàn của Hội cũng đều tới thắp hương, viếng mẹ Bưởi.

Khuôn viên nhà mẹ Bưởi hệt như ở làng quê Việt Nam mấy chục năm rồi. Vẫn hàng cau thẳng tắp, vẫn lối đi quanh co nhỏ hẹp hai bên là hàng rào bằng cây ruối. Thứ cây trồng rất lâu rồi thân sần sùi lắm.

Vườn nhà mẹ rộng đến cả mấy sào nhưng toàn cát là cát chẳng trồng cây gì. Tôi hỏi anh Phạm Ngọc Nam, con trai út của mẹ thì anh bảo đất này khô nên hợp với đậu phộng (ngoài Bắc gọi là lạc). Mấy năm trước còn trồng nhưng đến giờ bỏ đất không như vậy.

Vườn nhà mẹ Bưởi rất rộng nhưng để thả cỏ nuôi bò.

Người Quảng khát khao hạnh phúc

Cũng theo hai câu ca dao bên trên thì người xứ Quảng còn khao khát một thứ nữa, quan trọng hơn, tinh tế hơn đó là hạnh phúc. Ở cái xứ nắng gió có thừa, chiến tranh giặc giã liên miên thì khát khao hạnh phúc luôn cháy bỏng.

Chị Huỳnh Thị Hòa, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và xã hội huyện Đại Lộc bảo với tôi rằng, đất Quảng có tỷ lệ gia đình chính sách cao nhất nhì trong nước và Đại Lộc lại là huyện có tỷ lệ gia đình chính sách cao nhất tỉnh. Ở Đại Lộc, đi đâu cũng gặp gia đình chính sách. Nói như thế để thấy rằng những cống hiến những hy sinh mất mát bao thế hệ cán bộ, nhân dân ở vùng đất này nhiều như thế nào.

Đối diện với cuộc sống khó khăn, hy sinh mất mát, thiên tai bão lũ nên khát khao hạnh phúc luôn thường trực trong trái tim người Quảng Nam. Bởi vậy, mới chỉ nhấm một chút rượu hồng đào thôi đã đủ say rồi. Không phải say men rượu mà say hương tình. Bởi vì rượu hồng đào là thứ rượu giao bôi ngày hợp cẩn của đôi trai gái. Đây không phải thứ rượu bữa để nhắm hàng ngày.

Có người cho rằng, hồng đào xuất phát từ làng Bảo An, xã Điện Quang của huyện Điện Bàn. Nhưng thực ra, đến bây giờ người xứ Quảng vẫn chưa biết gốc tích của thứ rượu được gọi là hồng đào ở đâu. Người thì cho là hồng đào là thứ rượu nghi lễ được chế rượu đế màu trắng nhúng với chân hương màu hồng. Người khác lại bảo hồng đào được chế từ rượu Bầu Đá Bình Định với quả đào tiên tạo để ra màu hồng tươi rất đẹp.

Và với người xứ Quảng thì rượu nào cũng có thể thành hồng đào bởi miễn được gói giấy kính màu hồng thắt nơ hồng rồi đưa vào mâm lễ của đám cưới đám hỏi thì gọi là hồng đào. Thực chất tên gọi này theo cái màu sắc rượu hồng đào là rượu màu hồng phấn.

Người Trung Quốc cũng có hồng đảo tửu. Nghĩa là một loại rượu chứ không phải tên riêng là chỉ dẫn địa lý của riêng Quảng Nam. Bởi vậy, hồng đào phải viết thường chứ không viết hoa. Người xứ Quảng đã vật chất hóa một đặc sản tinh thần để cho rượu hồng đào trở thành huyền thoại nửa hư, nửa thực.

Nhưng không dừng ở đó, với bản tính thông minh, ham học hỏi, giàu tính sáng tạo, giỏi làm du lịch, người Quảng Nam đã khéo biết khai thác cái huyền thoại này vào du lịch. Họ đã sáng tạo ra thứ rượu hồng đào riêng của mình, đóng chai và quảng bá. Du khách mua rượu vì tò mò là chính. Có người mua chẳng bao giờ uống mà chỉ để làm quà lưu niệm về sản vật ở một vùng đất đặc biệt mà mình đã đi qua.

Đất Quảng Nam tạo ra thứ men say của rượu, còn người Quảng Nam lại tạo ra cái men say của tình. Tôi nhớ mãi bài ca dao mà mình đã được học trên giảng đường một ngôi trường đại học ở vùng Nam Trung bộ: “Học trò trong Quảng ra thi/ Mấy cô gái Huế bước đi không đành”. Rõ ràng, con trai xứ Quảng phải hấp dẫn, phong độ hào hoa lắm nên mấy thiếu nữ kinh kỳ xưa mới gặp lần đầu đã lưu luyến đến nhường vậy.

Nét hào hoa của con trai xứ Quảng thì đã được thiếu nữ kinh kỳ kiểm chứng còn sức mạnh và nghị lực của người Quảng thì cuộc sống trên vùng đất cằn cỗi quanh năm lũ lụt, mưa nắng, bão gió thất thường cũng đã chứng minh. Họ đã và đang mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách của thiên nhiên và ngoại xâm là nhờ một phần rất lớn vào sự lạc quan, yêu đời luôn chất chứa trong tâm hồn họ. Đứng trước mọi khó khăn, người Quảng luôn rắn rỏi, tính kiên định, thẳng thắn, chất phác.

Cái sự rắn rỏi kiên định ấy tạo nên tố chất của những người làm cách mạng. Chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Tám. Nhà mẹ gần đình Phiếm Ái, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, nơi ghi dấu phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Quảng Nam vào năm 1908. Phong trào chống thuế bắt đầu từ Đại Lộc rồi mở rộng ra cả tỉnh Quảng Nam sau đó đã lan nhanh ra các tỉnh miền Trung tạo thành một làn sóng đấu tranh chống thuế ồ ạt, làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân phong kiến.

Khung cảnh làng quê yên bình ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - nơi khởi phát phong trào cự sưu kháng thuế ở các tỉnh miền Trung năm 1908.

Sống trong cảnh cực khổ, thiếu thốn, đói rách quanh năm nên người Quảng lại rất coi trọng tình nghĩa. Ông Nguyễn Đức Tài, ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc cho biết: “Tôi bằng tuổi với con lớn của mẹ Tám. Chúng tôi lớn lên bên nhau. Anh ấy hy sinh, tôi thành con của mẹ. Các con của mẹ cũng coi tôi như anh hai. Tôi đã sống cả phần của bạn tôi yêu quý phụng dưỡng mẹ của chúng tôi, chăm lo cho các em các cháu đến tận bây giờ”.

Người Quảng Ninh lưu luyến Quảng Nam

Tôi có một người bạn vong niên là ông Lê Duy Thái, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, từng chiến đấu ở chiến trường khu V gần chục năm. Thời đó ông Thái đóng quân ở huyện Điện Bàn đã lọt vào mắt xanh của cô quân bưu tên là Năm là người địa phương. Cô gái trong ảnh ông Thái còn giữ đến giờ và gọi là “Em Năm”. Em Năm xuất hiện trong nhiều đoạn nhật ký của ông.

Ông Thái xúc động kể lại những lần “Em Năm” cứu ông, chăm sóc cho ông. Tôi không nhớ được hết, chỉ biết có lần ông Thái ốm nặng không đi được. B52 của Mỹ ném xuống như sấm rền. Mọi người lo đi hết. “Một mình cô ấy chạy đến chỗ tôi, ôm lấy tôi tránh đạn. Khi máy bay Mỹ bay qua, tôi nhìn cô ấy, rơi nước mắt…” - Ông Thái bùi ngùi nhớ lại.

Đọc nhật ký chiến trường của ông Thái, tôi còn biết thêm rằng bà Năm đã mấy lần đi tìm người yêu. Có lần bà Năm nghe tin ông ở Quảng Nam, bèn từ mãi Kom Tum tìm xuống. Lần khác, ngay sau giải phóng Sài Gòn, bà lại khăn gói vào gặp ông, chăm chút cho ông…

Ông Thái kể: “-Có lần bà ấy “đánh tiếng” trước. Tôi thú thực là đã có vợ và con gái ở quê rồi. Bà ấy không tin. Tôi cương quyết khẳng định. Bà Năm vẫn quyết tâm đòi làm vợ hai. Nhưng tôi gạt đi: “-Em chẳng tội gì mà phải khổ như vậy cả”.

Mãi sau này, khi ông Thái về Bắc rồi, bà Năm nhờ bà Nghĩa, bạn mình lần theo địa chỉ đến thăm. Bà Nghĩa về thông báo. Từ đó, bà Năm mới thôi không liên lạc nữa. “-Chuyện tình cảm nó lạ lắm! Thực lòng tôi rất quý mến cô Năm, nhưng vì quý mến nên tôi không có quyền lợi dụng tình cảm của cô ấy…". Ông Thái đưa cho tôi mẩu giấy ghi mấy dòng địa chỉ rồi nhắn nhủ rằng khi nào có dịp vào Quảng Nam nhớ ghé thăm bà Năm giúp ông.

Các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh dâng hương viếng mẹ Trần Thị Bưởi.

Không chỉ những người chiến đấu ở Quảng Nam như ông Thái có tình cảm sâu nặng, những người làm báo tỉnh nhà trong thời bình cũng đã dành tình cảm đặc biệt với đất Quảng. Đã 26 năm nay, năm nào Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức đoàn vào Quảng Nam để thăm mẹ Việt Nam anh hùng mà Hội nhận phụng dưỡng; tổ chức quyên góp vận động hội viên đóng góp kinh phí sửa chữa nhà cửa cho mẹ.

Bà Đỗ Thị Hiền, vợ cố nhà báo, nhà thơ Ngô Tiến Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh là người đã nhiều lần về với Đại Lộc. Bà Hiền chia sẻ rằng, với bà, nơi đây như là quê chồng. Các mẹ như là mẹ chồng. Và bà về với Đại Lộc chính là con dâu về thăm mẹ. Và dù không phải là người làm báo nhưng sau này, nếu có dịp bà Hiền vẫn sẽ thăm lại Quảng Nam.

Ghi chép của Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202008/ve-mien-dat-quang-anh-hung-2497026/