Về miền cổ tích thác Bảy Tầng

Nằm ở cuối bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thác Bảy Tầng là một trong những ngọn thác đẹp nhất ở Nghệ An.

Hoang sơ thác bạc (Nguồn: Internet).

Ngọn thác này bắt nguồn từ Lào, chảy vắt qua khu rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Pù Hoạt trước khi tạo ra vẻ đẹp kỳ thú mê hoặc lòng người. Mỗi tầng thác như một nốt nhạc trong khung nhạc khổng lồ.

Tương truyền rằng: Đây là nơi nên duyên chồng vợ của một đôi Tiên đồng - Ngọc nữ. Người con gái có mái tóc dài óng ả tên là Noa - tok (Thác nước) và người trai tên Hìn-chạu-xỵ (Đá trấy).

Họ sống bên nhau hạnh phúc, hòa đồng, quây quần với mọi người trong bản làng, ngày ngày Hìn-chạu-xỵ (Đá trấy) đưa người con trai lên rừng đốn củi, đốt nương, làm rẫy, làm những việc nặng nhọc… còn Noa-tok (Thác nước) đưa người gái về nhà, xuống suối… dạy cho họ cách lấy vỏ cây lùng, cây nứa làm chỉ, giã lá cây rừng làm sợi thêu thùa, may vá, đan lát thành áo váy, vật dụng trong gia đình, dạy cách tăng gia, sản xuất tìm ra cái ăn cho no cái bụng… Bản làng ngày càng yên vui, đầm ấm, ai cũng biết ơn, quý trọng vợ chồng Hìn-chạu-xỵ và Noa-tok.

Rồi cũng đến ngày đôi vợ chồng trở về Trời sau khi đã giúp dân ổn định cuộc sống phồn vinh hạnh phúc. Kỷ vật họ để lại là bờ vai vững chãi như đá tảng của người chồng và mái tóc dài mềm mại như suối quấn quýt tạo nên cảnh quan sinh thái thác Bảy Tầng hôm nay.

Trải qua bao thời gian, biến thiên của lịch sử, vật đổi sao dời, thác Bảy Tầng vẫn ngày lặng lẽ chảy cho trong dòng nước trong mát lành để ngày ngày bà con dân bản gùi nước về sinh hoạt trong gia đình, ngày mùa lũ thì Bảy Tầng đứng ra ngăn dòng, ngày nóng nực mùa hè thì thác nước trong veo, mát lịm cho bà con dân bản tắm gội, những ai tắm hay uống nước dòng thác này trai thì vạm vỡ, khỏe mạnh như con trâu rừng, gái thì xinh đẹp, trắng nõn nà, tóc dài mượt mà như dòng suối… Yêu nhau, lấy nhau mà tắm dòng thác này, uống nước dòng thác này thì sinh con trai khôi ngô, tuấn tú, sinh con gái xinh đẹp, đoan trang. Nhiều cô gái dân tộc Thái tham gia các cuộc thi sắc đẹp trong nước là người con của vùng đất này.

Về sau nữa, người dân nơi đây lấy những cây tre, cây nứa (nguyên vật liệu ngày xưa nàng Noa-tok bày cho bà con đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình) mà nàng đang dự trữ trong vườn nhà đưa ra bắc thành cây cầu tre lắc lẻo cho mọi người đi qua dòng thác sang mé rừng bên kia. Người ta đồn rằng, nam thanh nữ tú hễ đi cùng nhau hay đã yêu nhau cứ dắt nhau qua cây cầu này là sớm nên duyên hạnh phúc. Và cũng chính vì thế mà trong nhiều thập kỷ qua nhiều người tìm đến đây để đi qua cầu làm cho cầu bị quá tải trở nên hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, một số đoạn tre bị mục rỗng thành lỗ lọt hơn cả bàn chân nhưng người dân vẫn dùng qua lại nơi đây.

Bên cạnh con thác còn có những khu vực canh tác, sản xuất của người dân địa phương. Và đây là nét chấm phá khiến thắng cảnh này trở nên gần gũi, hấp dẫn.

Vượt thác sang bìa rừng bên kia, mọi người lại được ngồi dưới những lán gỗ nhỏ xinh xắn thưởng thức toàn đặc sản của vùng quê này là gà nướng, lợn bản nướng, cá thác nướng, xôi chấm chẻo cá, măng, rau rừng… do bàn tay của vợ chồng nghệ nhân ẩm thực là hậu duệ của Hìn-chạu-xỵ và Noa-tok chế biến ngon tuyệt cú mèo.

Đến với thác Bảy Tầng để được đắm mình trong không gian yên bình, không khí trong lành với danh lam thắng cảnh huyền bí, nên thơ để gặp gỡ hiểu hơn và yêu hơn mảnh đất và con người tuyệt mĩ nơi đây, quy tụ thêm sức mạnh đoàn kết, tài năng, sáng tạo... những gen trội tích cực của “tập đoàn” con cháu vua Hùng cùng nhau dựng xây quê hương, đất nước mạnh giàu.

Chuyện cổ tích ngày xưa là thế, giờ đây trong xu thế thời đại 4.0, thời kỳ đang phát triển đất nước thành một nước công nghiệp trong tương lai thì nhu cầu cuộc sống không chỉ dừng lại ở cơm đủ ăn, áo đủ mặc, tắm thác sạch sẽ... trong lúc thực tế cuộc sống bà con đồng bào nơi đây vẫn còn khó khăn, đói nghèo chồng chất, đâu đó vẫn còn những tệ nạn xã hội ma túy, rượu chè bê tha, hủ tục lạc hậu, điều kiện sinh hoạt vẫn còn đầy rẫy những khó khăn chồng chất, cả xã còn có 32 bản chưa có điện, quỹ đất không có để tăng gia sản xuất, quanh năm chỉ biết bám vào núi cao, suối sâu để trồng dăm ba vạt lúa bậc thang, đánh bắt đôi lứa cá, thỉnh thoảng lại kiên trì chịu đựng những cơn cuồng nộ của thiên tai...

Nếu không có một chiếc “đòn bẩy thần thánh” hay một “cú hích đặc thù” từ những cơ chế chính sách ưu tiên cho các huyện nghèo vùng sâu vùng xa như Nghị quyết 30a/2008/CP của Chính Phủ hay sự quan tâm của Nhà nước và nhân dân cùng làm để có các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư thì những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền huyện Quế Phong cũng chỉ là muối bỏ biển, nước thác mùa đại hạn... Trong lúc vùng quê này thật sự có tiềm năng phát triển kinh tế bằng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng với các địa danh đẹp nổi tiếng ngoài thác Bác Tầng còn có thác Sao Va, đền 9 gian (địa chỉ tâm linh nổi tiếng của đồng bào vùng miền Tây Nghệ An không chỉ riêng của huyện Quế Phong) với lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngôi làng Thái cổ, bản Na-sái, thủy điện Đồng Văn, du lịch lòng hồ… thổ cư phù hợp với nhiều cây trồng, vật nuôi hiếm có nơi nào có được, trong đó có những cây đặc sản, cao sản, dược liệu quý hiếm như chanh leo, chè hoa vàng, rượu Mú từn... sản phẩm đã bước ra khỏi nội địa đến với các thị trường châu Âu, châu Á cũng đang khiêm tốn phát triển manh mún từ những nỗ lực của người dân nơi đây và một số doanh nghiệp nhỏ là chính chứ chưa có sự đầu tư, quy hoạch bài bản lâu dài nên được mùa hay mất mùa được quan niệm như sự may rủi, lãng phí tiềm năng và tài nguyên thiên nhiên ban tặng đủ để an sinh cuộc sống cho bà con, xóa đói giảm nghèo, đầy lùi các tệ nạn xã hội đang là vấn đề trăn trở...

Đấy là câu chuyện dài hiện thực khách quan không phải cổ tích, là bài toán khó cho Đảng bộ, chính quyền và bà con nơi đây đang chèo thuyền vượt thác đi tìm lời giải.

Hậu Phan
Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/ve-mien-co-tich-thac-bay-tang.html