Về miền cổ tích Chiang Khan

Tháng 5-2019 là tháng cuối cùng trong hành trình đạp xe kéo dài nửa năm của tôi xuyên qua các nước Đông Nam Á. Từ Measot - biên giới Thái với Myanmar, tôi ngược lên Bắc chỉ muốn mau gần hơn với dù chỉ một thoáng quê nhà.

Đi dọc sông Huang hẹp lòng phù sa róc rách, len lỏi qua những hàng hàng sỏi đá nhớn nhác với cây cối đôi bờ thâm u, hoang hoải, chiếc xe đạp Thống Nhất vội vã lăn bánh, háo hức mong được phả vào mình cảm giác thênh thang, mát mẻ của con sông Mẹ, sông Mekong giáp giới Thái – Lào. Ở cái miền biên viễn này, lại là biên viễn của hai đất nước chẳng phải nước mình, Mekong không khác gì mạch nguồn quê hương, cho tôi nhắn gửi tiếng nói Việt Nam theo nước mênh mang chảy về nơi thân thuộc…

Sự tích bên dòng Mekong

Khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy mặt người, nước phóng khoáng lan tràn in cảnh sắc, cởi bỏ trong tôi nỗi khắc khoải mong chờ. Sông Mekong từ ngày tôi chia tay ở Hạ Lào với 4.000 đảo (Sipandon), ầm ầm sóng dữ, giờ sao quá đỗi dịu dàng, có lúc lòng sông mở ra tròn vành hắt ánh nắng chiều lấp lánh như chiếc mâm vàng giữa màu xanh đại ngàn. Thị trấn đầu tiên tôi dừng chân ở đoạn này cũng dịu dàng và bình yên như thế: thị trấn Chiang Khan.

Dải đất đá xâm xấp nằm sau con thuyền là dấu vết của câu chuyện xưa.

Dải đất đá xâm xấp nằm sau con thuyền là dấu vết của câu chuyện xưa.

Chiang Khan không phải là cái tên quen thuộc với dân du lịch ngoài nước, nhưng có lẽ chính vì thế mà nó giữ được vẻ tĩnh mịch lặng yên. Hẳn là khách dừng chân sẽ không tin nhưng đây là một thị trấn trẻ, mới hình thành vào cuối thế kỷ 19. Ngày đấy, cả đôi bờ tả hữu đều thuộc về vương quốc Xiêm La. Thực dân Pháp chiếm cứ bờ bên kia sáp nhập với thuộc địa Lào, người dân chạy về bên này, lập làng, lập xóm mà thành Chiang Khan ngày nay.

Những nét u hoài của phố nhà gỗ dọc bờ sông, có những ngôi nhà cất cũng phải đến 200 năm song tồn với cả thị trấn giờ vẫn còn lưu lại. Có những ngôi chùa cổ kính như chùa Wat Maha That xây từ năm 1654 với những bức tranh tường màu sắc, chùa Wat Si Khun Mueang xây năm 1656 với kiến trúc Lan Xang vô cùng tinh tế, chùa Wat Tha Khok xây từ năm 1852 với nhiều dấu vết của phong cách Lào, Việt, Pháp. Những nghề truyền thống như nghề nạo cơm dừa, nghề đãi vàng ven sông, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm mặt nạ,... vẫn là nét duyên dáng tô điểm cho vùng đất này.

Mỗi sáng du khách có thể cùng người dân cúng dường cho các nhà sư khất thực. Mỗi chiều có thể đi dọc bờ sông ngắm hoàng hôn tuyệt sắc. Để rồi mỗi tối có thể ghé chợ đêm, khám phá những món hàng độc nhất vô nhị kiểu nõn nường. Cao hứng, du khách có thể đi thuyền trên sông Mekong, thả mình với những sợi mây trắng lãng đãng vấn vương quanh những ngọn núi Lào. Nhưng rồi đến doi đất Kaeng Khut Khu, du khách sẽ phải dừng lại thôi, lên bờ thôi, bởi lẽ thuyền đi không được nữa rồi, dòng sông chắn ngang một dải đất đá như thể có bàn tay ai đó sắp đặt.

Lên doi đất, đập vào mắt du khách là một tấm biển lớn dựng lại tích truyện xưa về người thợ săn Ta Jung Kung Dang Deang. Dẫu không biết tiếng Thái nhưng nhìn hình thôi bạn cũng hiểu được đầy đủ cốt truyện, rằng ở một làng nọ bên bờ Mekong có một gã thợ săn khổng lồ tên là Ta Jung Kung Dang Deang. Gã to lớn đến nỗi đám trẻ con có thể chui vào lỗ mũi gã mà chơi đùa. Gã săn bắn rất giỏi. Một ngày nọ, gã đang cố rình săn con trâu bạc ở bờ sông bên kia thì đột nhiên có một người dân chèo thuyền qua, khiến con trâu giật mình chạy mất.

Tức giận, Ta Jung Kung Dang Deang bèn gánh đá chặn dòng sông hòng ngăn cản thuyền bè qua lại. Người dân đôi bờ vốn vẫn sinh hoạt, lao động bình thường trên sông nay bị cản trở, bèn khấn trời Phật ngăn cản gã. Một vị sư tăng từ đâu xuất hiện, thấy gã nhặt từng tảng đá một mới giả bộ bày cách cho gã là chẻ dọc cây luồng, bó thành quang gánh để gánh cho được nhiều. Gã nghe lời chỉ để rồi nhận ra thân luồng chẻ ngang rất sắc đã cứa vào cổ gã, khiến gã bị thương nặng, ngã khuỵu xuống mà nằm chết ngang sông. Chỗ đất đá xưa kia gã làm dang dở vẫn còn dấu tích bên cạnh doi Keang Khu Khut.

Ban đầu tôi những tưởng đây là một dị bản của câu chuyện ông Đùng bà Đùng ở Mường Bi, Hòa Bình ở Việt Nam. Nhưng thật ra không phải, mặc dù có nhiều mô típ giống nhau nhưng bản chất thì khác biệt rõ rệt. Chuyện ông Đùng bà Đùng (hay ông Đùng bà Đà) là câu chuyện kể về nhân thần giúp người, là câu chuyện khơi dòng. Chuyện kẻ đi săn khổng lồ này là câu chuyện hại người, là câu chuyện chặn dòng, câu chuyện về sự can thiệp quá sâu vào thiên nhiên mà đến nay bài học của nó ngày càng mang tính thời sự.

Đi săn khiến ta thành người?

Cũng trong năm 2019, đập thủy điện Sayaburi tại Lào, con đập dòng chính đầu tiên gần với biên giới Thái nhất, được đưa vào vận hành, lại một lần nữa dấy lên những thông tin lo ngại về tác động của đập tới nguồn nước, tới lượng phù sa và sự sống còn của các loài thủy sinh trên sông. Những tin tức như mực nước dòng chính sông Mekong thấp kỷ lục 30 năm, 60 năm tuy chấn động nhưng không còn mới, dẫu vậy nó vẫn là khởi nguồn cho hành trình hợp tác, tìm kiếm, khảo sát, đối thoại của các nghệ sĩ đương đại trong khu vực nhằm truyền tải thông điệp về vấn đề này.

Tượng kẻ đi săn khổng lồ.

Năm 2021, dự án Pollination (“Thụ phấn”) của The factory – một tổ chức nghệ thuật đương đại Việt Nam bước sang kỳ thứ 3 với chủ đề kép “Gã thợ săn” và “Người hái lượm” với tinh thần trở về với trí khôn bản địa vốn đang ngày càng bị tư duy khoa học phương Tây gạt bỏ, chiếm chỗ. Các nghệ sĩ Thái Lan và Indonesia lấy nguồn cảm hứng dựa trên câu truyện cổ của quê hương mình là Ta Jung Kung Dang Deang ở Chiang Khan, Thái Lan và Barata ở Indonesia dựng nên các tác phẩm sắp đặt trưng bày tại Bảo tàng Maiiam, Chiang Mai để đánh thức sự chú ý của cộng đồng về tác hại của những cấu trúc, công trình tạo tác của con người vốn đã quá xâm lấn vào dòng chảy của tự nhiên.

Các nghệ sĩ đã đi dọc dòng chảy hùng vĩ của Mekong theo biên giới Thái – Lào từ Kaeang Khut Khu, nơi bắt nguồn câu truyện cổ, đến Bueang Kan, nơi được coi là “cái rốn” sông Mẹ, để khảo sát tác động của sự phát triển công nghiệp hóa đôi bờ và nhất là những nhà máy thủy điện nhằm chỉ ra những gã thợ săn hiện đại với sức tàn phá gấp nhiều triệu lần xa xưa. Các nghệ sĩ đã cho ra đời các tác phẩm sa bàn “Excavated Gods” (Những vị thần bị khai quật), điêu khắc thủy tinh “17 million years – 57 years” (17 triệu năm – 57 năm), video “Beyond Blue” (Không chỉ là màu xanh).

Sa bàn Những vị thần bị khai quật tái hiện hình ảnh 858 km sông Mekong từ Keang Khu Khut đến đầu tỉnh Udon Thani bằng chính những vật liệu tìm kiếm được trên sông như: xác sinh vật chết cạn, các mẫu bùn đất, phù sa trên sông, màu sắc lấy từ các khoáng chất tìm thấy ở Trung Quốc, nơi 11 đập bậc thang đang tác động sâu sắc đến nguồn chảy. Tác phẩm điêu khắc thủy tinh thì giống như một viên nén thời gian, bảo toàn một nhánh rêu trên sông mà đây coi như là một chỉ dấu cho thấy một hệ sinh thái lành mạnh, một biểu tượng sự sống của Mekong. Còn “Beyond Blue” là một đoạn phim tư liệu trong quá trình nghiên cứu của các nghệ sĩ qua hình ảnh vệ tinh và phát hiện ra màu xanh bất thường như nước đại dương, một hiện tượng do nước đói phù sa và khoáng chất.

Ủy ban sông Mekong đã thống kê tính đến năm 2019 hạ lưu sông có tới 89 dự án thủy điện với 12.285 MW tổng công suất lắp đặt, trong đó 2 dự án ở Campuchia, 65 dự án ở Lào, 7 ở Thái Lan và 14 ở Việt Nam. Trong khi ở thượng lưu, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào hoạt động 11 đập thủy điện, lên kế hoạch 11 đập nữa. Lợi ích thì lớn nhưng cái giá phải trả có lẽ không hề rẻ chút nào. Đã có biết bao tổ chức, bao ủy hội, ủy ban, đã có biết bao hội thảo, hội nghị, các công trình khoa học được tổ chức thực hiện, biết bao quy tắc điều lệ về quản lý sông được đặt ra, đã có nhiều thanh luồng chẻ nửa cứa vào da thịt Trái đất và cuộc sống của chính con người, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy trong tương lai cái đà mọc lên như nấm của các công trình thủy điện sẽ chậm lại.

Các nhà nhân chủng học đã có bằng chứng cho thấy nền văn hóa săn bắt – hái lượm đã xuất hiện từ thời con người hiện đại (người tinh khôn) có mặt và tổ tiên lùi về trước tới hai triệu năm. Trước đó, tổ tiên chúng ta sống chủ yếu dựa vào việc bới phần xác thú mà những con vật săn mồi để lại. Vậy đi săn có khiến chúng ta thành người? Con người săn khác các vật ở chỗ chúng ta dùng công cụ, vũ khí. Càng ngày công cụ vũ khí càng tinh vi và có sức tàn phá khủng khiếp, sát thương không phải chỉ con mồi, mà vô vàn những loài liên đới. Và nếu nói đến đập thủy điện thì chưa bao giờ con mồi là một sinh vật sống, nhưng nếu nghĩ sâu xa hơn, thì nó luôn có một con mồi sinh vật sống vô cùng đau thương mà cũng vô cùng vĩ đại: Trái đất.

Học cách sống chung với tự nhiên sẽ luôn là sự học cả đời của lịch sử loài người. Mà nhiều khi chúng ta đã quên mất những bài học đắt giá từ trí tuệ bản địa xa xưa ẩn tàng trong những sự tích sông hồ núi non, dưới lớp vỏ tín ngưỡng dân gian tưởng chừng đơn giản, sơ khai nhưng thật ra hết sức tinh hoa, thông thái.

Quế Chi

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/ve-mien-co-tich-chiang-khan-i656632/