Về miền Chămpa

Vương quốc Chămpa với lịch sử gần 2.000 năm đã lưu lại cho hậu thế hàng chục ngôi cổ tháp với kiến trúc, chạm trổ độc đáo, đầy bí hiểm.

Vương quốc Chămpa với lịch sử gần 2.000 năm đã lưu lại cho hậu thế hàng chục ngôi cổ tháp với kiến trúc, chạm trổ độc đáo, đầy bí hiểm. Vijaya ngày xưa, nay là Bình Định, được xem là nơi thứ 2 sau Quảng Nam lưu giữ được nhiều đền tháp Chămpa, có qui mô lớn nhất ở Đông Nam Á. Những công trình tại miền đất này gần như còn nguyên vẹn, hoàn chỉnh đến từng chi tiết khiến nhiều nhà khảo cổ ngỡ ngàng trước lối điêu khắc nổi bật, dung hòa được nhiều phong cách độc đáo của những quần thể đền tháp cổ.

Tác giả trước ngôi tháp đôi ở Bình Định.

Tác giả trước ngôi tháp đôi ở Bình Định.

Dấu xưa tháp Đôi

Rời làng phong Quy Hòa, nơi thi sĩ Hàn Mạc Tử yên nghỉ, tôi lang thang đến tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh), tiếng Gia Rai gọi là Sri Bannoi. Nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 6.000m2, giữa những thảm cỏ xanh với hàng cây rợp bóng mát, tháp Đôi là một trong những di tích văn hóa mang màu sắc tôn giáo đặc sắc, được đánh giá là công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Theo các chuyên gia khảo cổ, cụm tháp xây dựng vào cuối thế kỷ XII, sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa Chămpa và Khmer khiến tháp Đôi mang đậm phong cách kiến trúc Angkor. Hệ thống tháp bao gồm tháp lớn cao khoảng 20m và tháp nhỏ cao 18 m, sừng sững đứng kề nhau gần một ngàn năm như hai người tri kỷ. Bởi thế, đến nay, người dân ở Quy Nhơn vẫn còn lưu truyền câu ca dao:

“Cầu Đôi liền với tháp Đôi

Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng”.

Trong hai ngôi tháp, ngôi phía Bắc cao lớn, ít bị hư hại, ngôi tháp phía Nam có hình dáng, cấu trúc và trang trí giống ngôi tháp phía Bắc nhưng nhỏ hơn. Không theo lối kiến trúc nhiều tầng truyền thống, tháp Đôi có cấu trúc ba phần, chân tháp là khối đá (tháp lớn), gạch (tháp nhỏ) được xếp chồng lên nhau vững chắc, thân tháp khối vuông và đỉnh tháp mặt cong theo kiến trúc Angkor Wat. Do ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer, các nghệ nhân Chăm đã khắc họa nhiều bức phù điêu hình khỉ Haruman trong tư thế nhảy múa (ngọn tháp lớn), hươu, nai (ngọn tháp nhỏ), phía trong vòm có hình người với tư thế ngồi thiền, các sư tử đầu voi đứng chầu hai bên, các góc tháp đều được trang trí hình chim thần Garuđa bằng đá, tháp lớn thờ linh vật linga và yoni thông qua biểu tượng cối và chày giã gạo. Tất cả đều được chạm khắc rất tinh xảo, sinh động khiến tháp cổ càng trở nên huyền bí…

Một cụ già người Chăm cùng vào trong tháp Bà (tháp phía Bắc) kể với tôi rằng, trước khi tháp được trùng tu, không có người dân Quy Nhơn nào đến đây. Với người Chăm, cổ tháp là nơi linh thiêng, chỉ có các đạo sĩ mới được phép vào thực hiện các nghi lễ, kể cả vua quan cũng phải đứng ngoài bái vọng. Trong nhiều thập niên, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá bởi chiến tranh, tháp Đôi đã rơi vào quên lãng, hoang phế và hư hại nặng nề. Năm 1980, công trình cổ xưa này được Nhà nước xếp hạng vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Với nguồn kinh phí Nhà nước hơn 2 tỷ đồng, năm 1991, tháp Đôi được khai quật khảo cổ và trùng tu hoàn chỉnh gần như nguyên trạng trong sự nỗ lực của các chuyên gia kỹ thuật đến từ Ba Lan, các nhà khảo cổ học trong nước và nhóm thợ lành nghề tại Quy Nhơn. Hiện nay, tháp Đôi trở thành một trong những khu vực hấp dẫn nhất mỗi khi du khách đến thành phố Quy Nhơn.

Tháp Bánh Ít – viên ngọc quý của kiến trúc Chămpa

Thắp hương và cầu nguyện tại tháp Đôi, tôi rong ruổi về miền đất Chămpa cổ xưa tại H. Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Tháp Bánh Ít (người Pháp gọi là Tour dargent - tháp Bạc) là một trong những khu đền tháp lớn và cũng nổi tiếng nhất còn lại của vương quốc Chămpa trên mảnh đất Bình Định, được nhóm tác giả người Anh viết trong tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời”. Tháp Bánh Ít có niên đại từ thế kỷ thứ 11, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982, tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận tháp Bánh Ít nằm trong Top 10 cụm tháp cổ có nhiều du khách tham quan nhất vào năm 2014.

Hệ thống tháp bao gồm 4 tháp được xây trên một quả đồi với những vòm cửa hướng ra không gian bao la của đồng ruộng, soi mình xuống dòng sông Côn hiền hòa. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá. Bước chân theo những bậc đá dẫn vào tháp Cổng, tôi ngỡ ngàng như đang lạc vào một thế giới cổ đại đầy huyền bí cách đây hàng ngàn năm trước. Tháp Cổng nằm ở phía Đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Vì có chức năng làm cổng nên ngôi tháp này có hai cửa thông nhau theo hướng Đông–Tây. Nằm cách tháp Cổng 22m về hướng Nam là tháp Bia. Tháp này gọi là nhà che bia, ghi lại công trạng của các vị vua và các vị thần linh. Ngang qua tháp Bia, đi về phía Tây Bắc, cạnh ngôi tháp chính là tháp Yên Ngựa (tháp Hỏa), một kiến trúc độc nhất vô nhị của Bình Định. Tháp cao khoảng 10m, được xây theo bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trổ ra ở phía Bắc và Nam. Ðặc biệt mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa.

Tháp Chính là tòa kiến trúc lớn nhất với chiều cao 29,6m, được xây dựng ngay trên đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Bình đồ của tháp hình vuông, mỗi chiều đo được 11m, một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả. Ðây là kiến trúc Kalan với cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala. Tầng một, ở phía Nam tạc hình sư tử, phía Tây và Đông trang trí bò thần Nandin, phía Bắc thể hiện mặt Kala nhìn thẳng. Bên trong tháp đầy dơi sinh sống, thờ tượng đá tạc thần Siva, tọa trên đài sen, lưng tựa đá, chạm khắc vô cùng tinh xảo. Trải qua bao thăng trầm, đến nay bức tượng không còn giữ được hình dạng nguyên vẹn, nhiều chi tiết đã bị sứt mẻ, rơi, vỡ nhưng giá trị văn hóa, tín ngưỡng mà nó đem lại vẫn còn nguyên vẹn.

Rời cụm tháp Bánh Ít trong chiều muộn cuối ngày, nắng vàng vọt vương lại, nuối tiếc trên những bãi cỏ xanh, một vài cánh chim đang tìm về tổ ấm, bay khuất phía bên kia đỉnh đồi. Tượng đá trầm tư cùng những bức phù điêu linh thiêng xa dần, chìm trong bóng hoàng hôn đang buông chậm, gió mơn man từ dòng sông Côn thổi về, khơi dậy một miền ký ức đẹp lung linh. Ngàn năm trôi qua, những ngọn tháp vẫn đứng đó, cô đơn trên đỉnh đồi, niềm kiêu hãnh của một vương quốc xa xưa giờ đã trở thành di sản văn hóa mê hoặc, đầy quyến rũ của miền “đất võ, trời văn” Bình Định.

VĂN KHOA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_195549_ve-mien-champa.aspx