Về làng 'Vũ Đại' thăm nhà 'Bá Kiến', thưởng thức món cá kho thơm nức

Nằm cách trung tâm TP Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 40km, xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân) được nhiều người biết đến với ngôi nhà 'Bá Kiến' và món cá kho nức tiếng làng 'Vũ Đại'.

"Nhà Bá Kiến" hơn 100 năm tuổi ở "làng Vũ Đại"

Tại xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) hiện vẫn còn một ngôi nhà cổ hơn 100 năm được xem là nguyên mẫu “nhà Bá Kiến” trong tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao.

"Ngôi nhà Bá Kiến" tọa lạc trên một khu đất rộng gần 900m2 tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

"Ngôi nhà Bá Kiến" tọa lạc trên một khu đất rộng gần 900m2 tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

"Ngôi nhà Bá Kiến" tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 900m2, cửa theo hướng Tây – Nam. Theo các cụ cao niên trong làng, trước kia ngôi nhà này vốn thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính (tên thật là Trần Duy Bính, mất năm 1946). Bá Đính từng được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến nổi tiếng. Đến nay, trải qua rất nhiều thăng trầm và biến động của lịch sử, ngôi nhà đặc biệt này vẫn được người dân gìn giữ và coi như báu vật của làng “Vũ Đại”.

Ngôi nhà tồn tại suốt hơn 100 năm và được coi như một "báu vật" của làng "Vũ Đại".

Theo tìm hiểu, nhà “Bá Kiến” tính đến nay đã qua 7 đời chủ, người dựng ngôi nhà này chính là cụ Cựu Hanh, một lái buôn giàu có nổi tiếng khắp vùng nam đồng bằng Sông Hồng lúc bấy giờ. Cụ đã thuê một tốp thợ mộc hơn 20 người ở phủ Lý Nhân làm ròng rã gần 1 năm mới xong.

Cụ Hanh mất đi, người thừa kế ngôi nhà là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm sau đó để lại cho con là Cựu Cát. Là người chơi bời, rượu chè nên Cựu Cát nhiều lần vay tiền ngụy viên Bắc Kỳ Bá Bính. Thời đó, Bá Bính làm quan to nên nhiều người đi hầu, đất của ông ta rộng gần nửa làng Đại Hoàng. Ngôi nhà này được Bá Bính mua lại làm nhà thờ.

Sau khi Bá Bính mất thì gia sản để lại cho con là Trần Duy Tảo, còn được gọi là Binh Tảo. Tuy nhiên, với bản tính chơi bời, nghiện rượu, Binh Tảo đã mang đồ đạc, nhà cửa đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà là tài sản quý giá nhất cũng bị Binh Tảo rao bán. Cụ Cai Hậu sau đó mua ngôi nhà với giá 4.500 đồng (khoảng 20 cây vàng thời bấy giờ).

Chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu. Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam quyết định lưu giữ ngôi nhà này nên đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại với giá 700 triệu đồng. Trải qua nhiều đời chủ nhưng kiến trúc ngôi nhà được giữ tương đối nguyên vẹn cho đến hôm nay.

Đây cũng là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận thời này chưa từng có.

Căn nhà có 3 gian được xây dựng theo lối nhà truyền thống Bắc Bộ Việt Nam và được làm toàn bằng gỗ lim rắn chắc, bề thế. Kết cấu ngôi nhà có tới 16 cây cột gỗ lim, mỗi chân cột đều được kê đá tảng xanh bề thế.

Hiện nay, ngôi nhà là điểm đến tham quan của rất nhiều người.

Ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi nhưng mái ngói vẫn chưa phải tu sửa mà không bị dột nát.

Nhà có 3 gian thiết kế theo phong cách truyền thống nông thôn Việt Nam.

Lời giới thiệu về ngôi nhà "Bá Kiến" được treo trong nhà.

Diện tích mặt sân trước ngôi nhà khoảng 70m2, được lát bằng gạch nung rơm nên rất bền, dù đã trải qua thăng trầm cùng thời gian nhưng phần gạch này chưa hề bị hư hỏng. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp theo đúng nhà truyền thống Bắc Bộ xưa.

Người trông coi cho biết nếu cần thiết vẫn có thể dẫm lên mái ngói để đi lại mà không hề sợ gãy vỡ.

Phía trước ngôi nhà được xây dựng một bể nước hình chữ nhật khoảng 2m2. Theo lý giải của nhiều người, bể nước này được làm để hợp với phong thủy ngôi nhà.

Xưa kia ngôi nhà này có nhiều thứ rất đáng giá như tranh, ảnh, hoành phi, câu đối cổ… nhưng đã bị bán và mối mọt hết. Cho đến nay, ngôi nhà vẫn giữ được nguyên trạng nét kiến trúc cổ xưa và trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách.

Cá kho làng "Vũ Đại"

Đến với làng Đại Hoàng (làng "Vũ Đại" trong tiểu thuyết của Nam Cao), khách tham quan còn được thưởng thức món ăn nổi tiếng nơi đây là cá trắm kho niêu đất.

Những ngày cận Tết, người dân khắp làng "Vũ Đại", luôn tấp nập đỏ lửa kho cá bằng niêu đất truyền thống. Do nhu cầu của khách hàng tăng cao dịp Tết cổ truyền nên người dân trong làng phải thức xuyên đêm để làm ra những nồi cá kho đặc sản, ngon nức tiếng. Khắp quanh làng phảng phất mùi cá kho truyền thống thơm nức.

Làng có hơn 50 hộ làm nghề nhưng chỉ 10 hộ sản xuất quy mô lớn, mỗi năm bán ra thị trường 1.000-2.000 nồi cá kho.

Gia đình anh Trần Hồng Hạnh đã có 3 đời làm nghề kho cá ở làng Vũ Đại. Để cho ra món cá kho đạt chuẩn chất lượng mang đậm hương vị truyền thống, người dân phải tỉ mỉ, công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình chế biến.

Cá kho làng Vũ Đại có từ rất lâu. Do là vùng trũng nên trong làng ngày trước nhiều ao hồ, cứ đến Tết người dân lại tát ao, chọn những con cá trắm đen to và ngon nhất để kho theo công thức gia truyền cùng với gia vị là gừng, riềng, hành, ớt, nước cốt chanh, nước cốt cua đồng... Đặc biệt là cá được kho trong niêu đất trên bếp lửa trong thời gian 10 - 20 tiếng nên vừa có vị thơm của lửa, vừa phảng phất những hương vị đồng quê.

Chị Trần Thu Hường cho biết, cá trắm đen nặng từ 5kg trở lên có thân dài, đầu to và nuôi trên 3 năm thì mới đạt chuẩn để kho. Các năm trước đây, cá được nhập từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng hoặc Ninh Bình về, nhưng hiện nay đã có nhiểu chủ nuôi cá đủ số lượng cung cấp cho hàng trăm hộ làm nghề kho cá ở làng Vũ Đại.

Chị Trần Thu Hường chuẩn bị kho cá.

Theo chị Hường, kích thước niêu được chia thành nhiều loại, tùy theo yêu cầu của khách hàng, trong đó phổ biến nhất là niêu chứa được khoảng 4kg cá. Mỗi niêu cá kho có giá từ 600.000 – 1.400.000 đồng/niêu, tùy số cá khách đặt.

"Quá trình kho khoảng 12 – 15 tiếng, trong đó 3 tiếng đầu đun lửa cháy để cá kho sôi lăn tăn, sau đó luôn phải giữ củi ở trạng thái than, không cháy. Chính vì vậy, người kho cá thường phải túc trực bên cạnh bếp 24/24 để củi không cháy bùng lên, chỉ cần sơ xuất vài giây là có thể khiến nồi cá kho cháy thành than", chị Hường nói.

Người làm nghề kho cá luôn chọn những con cá trắm lớn nhất (từ 5kg trở lên) để bắt đầu mẻ cá kho bán Tết.

Chị Hường cho biết, vào những ngày cận Tết, gia đình chị phải thuê thêm nhân công làm việc liên tục bởi các đơn đặt hàng quá nhiều. "Làng này quanh năm làm cá kho, nhưng dịp Tết vẫn là tất bật nhất. Gia đình tôi dịp này xuất khoảng 2.000 nồi cá kho đi khắp các nơi trên cả nước. Khách ở miền Nam thì chúng tôi sẽ gửi bằng máy bay đến tận nơi khách hàng", chị Hường cho hay.

Vảy cá được đánh sạch sẽ.

Trước khi kho cá, người làm nghề chọn khoảng 16 loại gia vị tẩm ướp.

Cá được cắt phù hợp với từng loại nồi, sau đó được lót riềng để chống cháy và tạo hương vị đặc trưng.

Củi để sử dụng đun nấu cá phải là củi nhãn vì nhiệt lớn, than nhiều, lành tính lành mùi, giúp nồi cá sôi đều đặn hàng chục tiếng trên lửa.

Củi được thu mua từ khắp nơi trước Tết Nguyên đán khoảng 6 tháng. Nồi nấu phải là nồi đất mỏng sản xuất từ Nghệ An, sau khi mang về được đun trên bếp với nước gạo để lấp kín những lỗ hở.

Để khỏi khói do thời gian trông bếp rất lâu, nhiều người đã sử dụng mặt mạ phòng độc.

Nồi cá đạt chuẩn là thịt chắc, xương mềm, gia vị quyện vào từng thớ cá, khi ăn có vị đậm, cay ngọt, không mặn. Điều đặc biệt là cá kho Đại Hoàng dù không cho chất bảo quản nhưng vẫn giữ được ít nhất từ 5 đến 10 ngày, tùy vào điều kiện thời tiết.

Bảo Khánh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/doi-thuong/ve-lang-vu-dai-tham-nha-ba-kien-thuong-thuc-noi-ca-kho-thom-nuc-276526.html