Về làng Vân xem trai làng lấm lem vật cầu bùn

Hằng năm, cứ vào tháng Tư âm lịch, lễ hội vật cầu nước làng Vân, xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) lại được tổ chức tại đền Chính (thờ đức thánh Tam Giang Trương Hống - Trương Hát).

Là một trong những lễ hội “độc nhất vô nhị” sau mấy chục năm lãng quên, năm 2002 hội vật cầu nước Vân Hà được khôi phục. Từ đó đến nay hàng năm lễ hội thu hút hàng nghìn du khách góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Là một trong những lễ hội “độc nhất vô nhị” sau mấy chục năm lãng quên, năm 2002 hội vật cầu nước Vân Hà được khôi phục. Từ đó đến nay hàng năm lễ hội thu hút hàng nghìn du khách góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Theo tục lệ, mỗi đội chơi được gọi là các giáp. Trong một lượt đấu, 2 giáp cùng tham gia thi đấu, mỗi giáp gồm 8 người. Trước khi vào trận đấu, các đội chơi làm lễ trước sân đình. Lễ thánh xong, quân cầu được lên sân đền chính để uống rượu trận. Theo thông tin từ BTC, năm nay mỗi giáp chỉ có 7 người, lễ hội gần nhất vừa tổ chức là năm 2014.

Các quân ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải thiều và rượu đựng trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Rượu uống bằng bát thể hiện sự phóng khoáng như các anh hùng ngày xưa trước khi lâm trận.

Tham gia môn vật cầu nước gồm 20 trai làng chọn từ 4 giáp trong làng. Việc tuyển chọn quân cầu được đặt ra rất khắt khe, đều phải là trai chưa vợ, khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở.

Quả cầu gỗ nặng khoảng 20kg được gìn giữ từ đời này qua đời khác là một niềm tự hào của người dân làng Vân.

Trước khi bước vào trận vật cầu chính, các đội chơi thực hiện 3 keo vật truyền thống mở màn cho trận cầu.

Sân cầu rộng 14 m, dài 18m được đổ bùn, nước vừa phải do 4 cô gái gánh nước từ sông Cầu đổ vào. Hai đầu sân có hai lỗ tròn đường kính 60cm, sâu chừng 1 mét để hai bên giao đấu bằng việc đưa quả cầu lọt vào lỗ cầu của đối phương được coi là thắng cuộc.

Sân cầu phải được xới xáo cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ. Làng lại cử ra hai cô gái trẻ đẹp nết na, chưa có chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.

Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh.

Theo người cao tuổi ở địa phương cho biết, trước kia đây là vùng đất trũng hay bị lụt lội cho nên những năm sau này, để tránh lụt lội, hội vật cầu được tổ chức trong ba ngày là 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch hằng năm.

Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.

Không chỉ trai cầu bám đầy bùn đất mà mọi người từ già đến trẻ vây quanh sới cầu ai cũng lấm lem bùn đất vì nước bùn bắn lên do trai cầu tranh cầu bắn tung tóe, nhưng ai nấy đều rất vui vẻ.

Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày, những trận vật cầu nước liên tục diễn ra thu hút người dân, du khách thập phương. Anh Long (người chơi giáp dưới) cho biết, lễ hội vật cầu thì một số nơi trong nước cũng có nhưng chỉ có ở làng Vân thì mới có vật cầu nước. Ngoài việc thi đấu, làm vui cho lễ hội thì đây cũng là môn thể thao giúp tăng thêm tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.

Về nguồn gốc của lễ hội, Tục truyền rằng, khi xưa có hai anh em Trương Hống, Trương Hát đi theo Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh. Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, là với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.

Vật cầu nước là một lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, Lễ hội cầu nước làng Vân mang nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, đó là sự thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp xưa vào cảnh mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Huy Phạm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ve-lang-van-xem-trai-lang-lam-lem-vat-cau-bun-post263524.info