Về làng làm diều sáo trăm năm tuổi tại Hải Phòng

Hàng trăm năm nay, người dân làng Đại Trà (xã Đông Phương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đều quen thuộc với tiếng sáo diều du dương, ngân lên vào những buổi trưa hè lộng gió, hay vào những tối thanh tao, tĩnh mịch...

Con diều và bộ sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2011 (Ảnh tư liệu)

Con diều và bộ sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2011 (Ảnh tư liệu)

“Diều phải no gió, sáo phải du dương, để người đi đường bỏ quên phiên chợ. Diều phải no gió, sáo phải ngân nga, để người đi qua lạc đường lạc lối...”, câu ca cổ ấy cũng được các thế hệ người làng Đại Trà đọc cho nhau nghe mỗi khi thả diều.

Chúng tôi về làng Đại Trà vào những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi “dàn nhạc giao hưởng giữa không trung” của tiếng sáo diều - một thú chơi lâu năm vẫn vang lên, tạo thành âm hưởng rất riêng ngày Tết.

Anh Nguyễn Văn Lành – một trong những người trẻ làng Đại Trà còn đam mê diều sáo cho biết, những năm gần đây, thú chơi này cũng dần thu hẹp về số lượng người tham gia.

"Nhưng với những người từ nhỏ gắn bó với ống tre, mảnh gỗ… để làm nên bộ sáo diều như anh thì, diều không có sáo cũng như người câm. Sáo là linh hồn của diều" - anh Lành cho biết khi nói về lựa chọn con đường trở thành “nghệ nhân” làm sáo của mình.

Anh Lành có đam mê vô hạn với việc làm sáo diều...

Trong “đại bản doanh” làm sáo diều của anh Lành là đủ loại nguyên liệu, dụng cụ để tạo thành bộ sáo như thứ nhạc cụ dân gian. Đó là các loại đục, cưa, bào gỗ rồi đến gỗ mít, sừng trâu…

Cũng theo anh Lành, để làm nên bộ sáo có nhiều công đoạn công phu như mở miệng, làm ống… Người làm sáo phải thực sự có đam mê, hiểu âm luật. Một bộ sáo anh Lành làm ra có thể gồm 7, 8, 9 ống, tùy theo nhu cầu người mua.

“Gỗ dùng để khoét miệng sáo tôi thường dùng gỗ mít hoặc sừng trâu. Nếu như gỗ mít với thời tiết nóng, ẩm không bị co giãn thì sừng trâu lúc buộc hoặc va chạm không bị vỡ nhưng giá thành cao hơn. Mỗi bên ống sáo có một miếng gỗ cách ngăn ở chính giữa.

Sáo diều đang ở công đoạn hoàn thành...

Ban đầu tôi khoét sáo chỉ để chơi nhưng sau dần chuyển sang kinh doanh, bán đi các tỉnh thành trong cả nước như Thái Bình, Nghệ An. Có những trường hợp đặt mua từ năm nay nhưng phải sang năm mới được lấy vì sáo sơn ta làm khá mất thời gian”, anh Lành lý giải.

Anh Lành cho biết thêm, kích cỡ các sáo trong một bộ cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Đối với sáo đàn, ống lớn nhất gọi là sáo cái, sáo thứ 2 (sáo nhì) bằng 2/3 sáo cái, sáo thứ 3 bằng 1/2 sáo cái, từ sáo thứ 4 trở đi đường kính sẽ nhỏ dần 1mm để ống thuôn đều.

Ống sáo được đục đẽo công phu...

Với sáo cò, sáo cái vẫn là ống lớn nhất, sào nhì bằng 1/2 sáo cái, sáo thứ 3 bằng 2/3 sáo nhì, sáo thứ 4 bằng 1/2 sáo nhì…

Để diều có không gian thỏa sức bay lượn trên bầu trời, người chơi diều làng Đại Trà thường chọn những bãi đất bằng, rộng rãi, không vướng cây cối, xa đường dây điện, xa lối đi lại và đặc biệt phải có gió.

Với diều nhỏ cần 1 người là thả được nhưng diều lớn cần ít nhất 2 người trở lên, 1 người giữ dây, 1 người thả còn gọi là người đâm diều.

Thú chơi tồn tại lâu đời là thế, nhưng những người chơi diều sáo làng Đại Trà cũng không ít lần gặp “tai nạn nghề nghiệp”. Anh Lành kể, có trường hợp, diều bị sa, đâm vỡ mái ngói nhà dân, hay bị vỡ bộ sáo.

Thế nhưng, đó chỉ là một trong số câu chuyện rất hiếm hoi xuất hiện. Minh chứng cho đến nay, thú chơi này vẫn đang được duy trì bởi nhiều nghệ nhân trong làng cũng như lớp người trẻ.

Sừng trâu cũng là nguyên liệu chế tạo ra sáo diều.

Một trong số nghệ nhân được người làng Đại Trà nhắc tới nhiều là ông Nguyễn Văn Lộc. Giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông Lộc lại tìm niềm vui trong tiếng sáo diều du dương ấy.

Ông Lộc cho biết, sáo diều Đại Trà có từ thế kỷ XIII do ông Trần Quốc Thi – Thành hoàng làng Đại Trà khởi xướng. Thả diều là thú chơi tao nhã của người dân vùng quê nơi đây.

“Sáo và diều là cõi thực. Con diều bay lên là biểu tượng cho sức mạnh, khát vọng chinh phục của người đàn ông. Tiếng sáo vi vu đưa con người vào cõi mơ để vơi đi những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường.

Đặc biệt vào dịp nông nhàn kết thúc vụ chiêm xuân, chuẩn bị cho vụ mùa hàng năm, dân làng Đại Trà lại cùng nhau làm sáo diều. Họ đón gió Đông Nam thả diều để cầu an và cầu cho mùa màng năng suất, bội thu”, ông Lộc nói.

Chỉ cho chúng tôi bộ sáo được treo gọn gàng trong nhà, nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc cho hay: Năm 2011, ông cùng Hội làng nghề Đại Trà và một số doanh nghiệp chung sức chế tác Sáo diều Đại Trà – Bộ sáo ầm có nhiều sáo nhất (13 cây sáo, nặng 7kg). Con diều và bộ sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam. Trong đó, sáo cái đường kính 18cm, dài 1m55.

“Quy mô chiếc diều sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam với con diều sải cánh 7,2m; cao 4,4m. Khi đêm vắng thả diều, người đứng xa từ 15-20km cũng nghe được tiếng sáo. Thả diều ban ngày ồn ào, âm hưởng của tiếng sáo vẫn có thể “chinh phục” người đứng cách xa 5-6km.

Nhóm chúng tôi gồm 9 người hoàn thành con diều, bộ sáo trong hơn 4 tháng”, nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc kể.

Theo các nghệ nhân làm diều ở làng Đại Trà, trước đây diều được bọc bằng giấy bản hoặc giấy xe chỉ (giấy để làm những cánh diều cổ), dùng hồ hoặc nhựa cây để dán, nhưng nay chủ yếu được làm bằng nilon và băng dính (có nơi dùng chỉ để khâu).

Người dân trao diều sáo trong nhà như một niềm tự hào.

Cánh diều ở đây cũng mang nét độc đáo, riêng biệt. Với phần bẹn diều được chế tác thêm để tăng sức nâng cho phần bụng diều và dái diều, phần đuôi cuộn tròn (còn gọi là dái diều) thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong tính ngưỡng phồn thực.

Và khi Tết đến xuân về, con diều ở làng Đại Trà vẫn bay cao vút như mang theo ước mơ của người dân nơi đây, muốn vươn tới những gì tốt đẹp, cầu mong một cuộc sống bình yên, no đủ.

Nguyên Trung

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ve-lang-lam-dieu-sao-tram-nam-tuoi-tai-hai-phong-post330377.info