Về làng Dòng ngâm phú vịnh thơ ăn bánh nẳng

Làng Dòng, ấy là làng cổ của đất Xuân Lũng nổi tiếng khoa bảng vùng đất Tổ. Đâu chỉ có vậy, món bánh có tên lạ là nẳng lại đem đến cho trần gian thêm một lần nhã nhặn.

Bánh nẳng làng Dòng được chế biến khá công phu.

Bánh nẳng làng Dòng được chế biến khá công phu.

Phải gọi món bánh nẳng là nhã nhặn. Vì từ cách làm bánh cho đến hình dáng lẫn cách ăn của món này đều phải rất từ tốn. Nó có duyên như chính câu chuyện gái đảm lấy chồng kinh thành và còn ẩn trong vị bánh những khúc chiết của văn chương tài phú đất học.

Món bánh của bụt

Làng Dòng thuộc xã Xuân Lũng (Lâm Thao – Phú Thọ) thì đã nổi tiếng lắm rồi. Từ những đận mà danh nho Nguyễn Doãn Cung đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi (1469), đời Lê Thánh Tông. Rồi bảng nhãn nổi tiếng Nguyễn Mẫn Đốc – người sau này được truy phong Tiết Nghĩa Đại vương, cũng là thành hoàng ở Xuân Lũng bây giờ.

Mà nào đã hết, người ta không thể ngờ ở vùng đất quê mùa ấy còn những nhân tài nức tiếng một thuở như Nguyễn Hãng. Bây giờ, nhắc về Nguyễn Hãng không nhiều người tỏ, vì ít sử sách chép. Nhưng, người đã tường văn chương chữ nghĩa mà quên Nguyễn Hãng thì có khi lại là một điều lỗi.

Lỗi vì trong dòng chảy văn học nước nhà, tên tuổi Nguyễn Hãng giống như một đại thụ hoặc tựa một văn bia. Danh tiếng Nguyễn Hãng vượt ra khỏi khuôn viên đất Tổ và định danh trên văn đàn chỉ bởi hai bài phú bất hủ “Tịch cư ninh thể” và “Đại Đồng phong cảnh”.

Riêng bài phú “Tịch cư ninh thể” đã được nhóm nghiên cứu văn học đưa vào trích giảng, sách giáo khoa dùng cho học sinh trung học đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Không chỉ có vậy, bài phú này của Nguyễn Hãng còn được coi là một trong những bài hay nhất, mẫu mực nhất của thể văn phú mà các tác gia Việt Nam.

Nhắc tới các danh nho Xuân Lũng là để nhớ về món bánh nẳng nhã nhặn kia. Nhiều người bảo món bánh nẳng cũng liên can đến chữ nghĩa, hoặc là món bánh được tạo thành bởi nền nếp gia phong của làng.

Quả đúng vậy! bánh nẳng làng Dòng là thức mà người ta dùng cúng tổ tiên trong tết Đoan Ngọ. Ngày xưa, ở làng Dòng có một cô gái tuổi đôi mươi nằm mơ thấy bụt dạy cách làm bánh.

Cô gái làm theo, chiếc bánh có vị nhạt nhưng lại thoang thoảng hương thơm cỏ cây vùng đồi. Theo lời bụt dặn, cô gái đặt tên bánh là bánh nắng.

Có một chàng trai từ kinh thành tìm đến, sau khi ăn bánh nắng và thích hương vị thơm ngon nên quyết tâm đi tìm người con gái làm ra bánh này. Vì mến tài đảm đang, khéo léo, chàng đã ngỏ ý đưa cô về ra mắt gia đình. Chàng là con trai một vị quan trong triều, nhưng vì cô gái quyến luyến cha mẹ đành gạt nước mắt tạ từ chàng trai.

Cùng trong năm đó, gia đình chàng trai phụng mệnh triều đình mang theo toàn bộ tư gia hành hương về đất Tổ lo việc cai quản phúng lễ tại Đền Hùng. Đôi trai gái được gặp lại nhau và nên duyên chồng vợ. Bánh nắng từ đó được gọi chệch đi thành bánh nẳng.

Bánh của người hay chữ

Ăn bánh nẳng, bình thơ phú đã là một nét văn hóa của làng Dòng. Thứ sần sật mà lại dẻo của bánh nẳng càng thêm hương vị thoang thoảng cỏ cây xứ trung du làm cho chữ nghĩa trở nên sang trọng. Nét quê qua bánh nẳng, nết người từ bánh nẳng càng tôn thêm một làng Dòng khoa bảng mà thuần khiết.

Món bánh nẳng, thực ra không phải chỉ làng Dòng mới có. Ở vùng chợ Tràng của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cũng thấy bày bán và được các cụ già khen lắm. Cứ đầu tháng 2 âm lịch, người làng dùng bánh nẳng tế thần tướng Lữ Gia – người anh hùng tham gia cuộc chiến chống giặc Hán.

Rồi ở vùng Định Hóa (Thái Nguyên), món bánh này được coi là sản vật của người Tày. Nhưng suy xét lại, cùng là tên bánh nẳng nhưng hình dáng của nẳng làng Dòng khác hẳn vùng Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Cái màu sắc của loại bánh nẳng làng Dòng đậm hơn, tựa mật chứ không nhạt màu như bánh nẳng vùng khác.

Thì ra, cùng tên bánh nẳng nhưng do cách chế biến và nguyên liệu khác nhau mà tạo nên mùi vị khác biệt. Nếu như bánh nẳng Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ăn giống bánh tro Bắc Ninh, thì bánh nẳng làng Dòng không phải như vậy. Cái vị nhàn nhạt của bánh phải chấm với mật mía mới nên hương vị hoàn mĩ, giống như cô gái sáng tạo ra món này phải lấy được chàng trai như trong sự tích vậy.

Người làng Dòng bảo, bánh nẳng cũng cần phải có nguyên liệu từ tro. Họ lên đồi, vào rừng kiếm những loại cây mang hương vị đặc trưng rồi đốt. Nước tro được gạn lọc kỹ càng rồi ngâm với gạo nếp trong khoảng thời gian vừa đủ cho gạo “no” nước.

Công đoạn này, người già làng Dòng quả quyết là quan trọng nhất. Cứ phải những tay làm bánh có duyên, có kinh nghiệm thì mới dám đảm trách vì nếu không, bánh sẽ đắng tựa như mật hòn. Đã có nhiều người, học đủ kinh nghiệm từ ông cha nhưng không tài nào làm được vì “cái tay không mát”.

Lá dong tươi có sẵn trong vườn làm thứ gói bánh. Nhưng bánh nẳng không vuông như bánh chưng, mà tròn và dài cùng kích cỡ nhỏ như cán dao. Khi gói xong, bánh được cho vào nồi và nấu trong khoảng 5 tiếng đồng hồ mới chín.

Khi mà các hạt gạo nếp quyện hòa vào nhau, người ta bóc lá ra mà bánh còn dính vào lá thì coi như chưa đạt. Thế nên, trong việc chế biến bánh nẳng, người làng Dòng có bí quyết riêng. Sự điệu nghệ ấy làm cho bánh trở nên nhã nhặn từ khuôn hình đến mùi vị.

Bánh nhạt, nhưng là nhạt mát nên bao giờ cũng vậy, bánh nẳng làng Dòng thêm bát mật mía để đôi lứa “nên duyên”. Vào những ngày trời nóng hay giá lạnh, bánh nẳng đều phù hợp cho một cuộc trò chuyện về nơi thôn dã. Người làng Dòng vốn chất văn thơ, nên khi ăn bánh nẳng vài cụ ông lại ngâm phú bình văn.

Phú rằng:

“Thược dược khéo mười phần

tươi tốt

mẫu đơn khoe hết tấc giàu sang.

Hây hây ngõ mận, tường đào

thay thảy đường hòe, dặm liễu,

quanh nhà thái tổ, bóng gió

thiều quang.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ve-lang-dong-ngam-phu-vinh-tho-an-banh-nang-jmwLc3bMg.html