Về làng Cự Đà ngày cuối năm

Về làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) ngày cuối năm, chúng tôi đã thấy những phên miến vàng, trắng ngà óng ả nhuốm đầy trên cánh đồng, đường làng, tường bao, vườn nhà, trong sân, ngoài ngõ… Trên con đường làng, xe máy, xe kéo, xe ôtô tấp nập nối đuôi bốc xếp hàng; người người tất bật bên những chảo miến nghi ngút hơi làn khói trắng…

Được trời cho "ăn lộc"

Cự Đà là một trong nhiều ngôi làng cổ nổi tiếng của Hà Nội đến nay vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống. Cách trung tâm Thủ đô chừng 15km về phía Nam, lạc giữa phố thị phồn hoa, ẩn nấp sau những tòa chung cư cao tầng của Khu đô thị Thanh Hà là ngôi làng Cự Đà mang đậm "hồn xưa lối cũ" của một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ trù phú "nhất cận thị nhị cận giang".

Lâu nay, Cự Đà vốn là một địa danh được nhiều bạn trẻ ưa thích trải nghiệm tìm về để tận hưởng cảm giác thanh bình chốn thôn quê bởi trong làng còn lưu giữ được lối kiến trúc nhà Pháp cổ độc đáo, khung cảnh rất đỗi nên thơ của làng Việt với cây đa, giếng nước, chùa cổ, chợ quê… và đặc biệt là nhịp sống thong thả, đầy nhiệt thành của con người, của làng nghề truyền thống. Nó đối lập hoàn toàn với sự xô bồ, náo nhiệt và gấp gáp ngoài kia khiến con người mỏi mệt sau mỗi giờ tan ca.

Những người thợ túc trực trên cánh đồng hong phơi miến

Những người thợ túc trực trên cánh đồng hong phơi miến

Yếu tố văn hóa đặc sắc mà Cự Đà có được chính là sự pha trộn giữa văn hóa tinh thần và văn hóa vật thể đến từ kiến trúc và nghề thủ công truyền thống, một trong số đó phải kể đến nghề làm miến dong nức tiếng được tạo ra bởi bàn tay và khối óc của những người nông dân cần cù, chân chất. Giống như bao miền quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, xưa kia Cự Đà vốn là một làng thuần nông một năm hai vụ lúa nước và xen canh hoa màu vào vụ đông. Với lợi thế nằm cạnh con sông Nhuệ nên hoa trái, mùa màng luôn tốt tươi, cuộc sống nông nhàn cứ thế trôi đi. Nghề làm miến dong đến với làng như một "cơ duyên" trời cho.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, không ai nhớ người làng Cự Đà học nghề từ đâu, cũng không còn nhớ ai là người đầu tiên truyền dạy, chỉ biết rằng, nghề làm miến dong ở Cự Đà đã có từ khoảng 80 năm về trước. Bắt đầu từ một số người trong làng đi làm bột dong riềng thuê trên mạn ngược (ý nói khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc), sau đó khi về làng đã thử dùng bột dong tráng thành sợi dựa theo cách làm bún từ bột gạo.

Nhận thấy sợi miến làm từ bột dong khi nấu lên ăn ngon miệng, lại dai, giòn khác hẳn với bún gạo nên người làng truyền tai nhau, nhà nào cũng làm để gia đình dùng. Lâu dần, nhu cầu từ sợi miến hình thành trong làng, rồi đến ngoài làng và những khu vực lân cận. Người làng Cự Đà bắt đầu phát triển nghề làm miến dong để bán, quy mô mỗi ngày một rộng lớn. Trong quá trình làm miến, người làng Cự Đà liên tục đúc rút kinh nghiệm để có được công thức cổ truyền lưu mãi tới ngày nay, tạo ra danh tiếng và giá trị thương hiệu cho miến Cự Đà mà không phải nơi nào cũng có được.

Lật giở thủ công từng phên miến

Từ chỗ là một làng thuần nông, những người nông dân ở làng Cự Đà đã rất nhạy bén. Họ vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức quý báu của cha ông từ hạt gạo để thực hành và không ngừng cải tiến trên một loại bột dong hoàn toàn mới, sáng tạo ra sợi miến mang hồn cốt Cự Đà. Quả không phải là giản đơn! Thành quả đó có được bắt đầu từ chính sự cần cù lao động của những con người sớm hôm với ruộng đồng, cộng thêm kinh nghiệm và sức sáng tạo vốn quý của những người nông dân chẳng quản khó nhọc làm giàu trên chính quê hương. Sợi miến dong trên làng quê Cự Đà cũng giống như bao sản vật ở các quê khác đã được tạo ra như vậy.

Loay hoay tìm cách phát triển

Khẳng định dược danh tiếng từ sớm, song người dân Cự Đà cũng đã phải trải qua những thăng trầm cùng làng nghề. Nó như cái nghiệp đa mang vậy. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, những người nông dân của làng Cự Đà nay phải thích nghi với bối cảnh mới, trở thành những công dân của Thủ đô. Quá trình đô thị hóa đã mang đến cả những cơ hội rộng lớn và những thách thức cho làng nghề thủ công như Cự Đà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: "Nhờ quá trình đô thị hóa, đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho sản phẩm miến dong Cự Đà, đồng thời việc quy hoạch phát triển làng nghề thủ công truyền thống cũng được chính quyền thành phố quan tâm hơn. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng tác động tiêu cực, áp lực phải gia tăng sản lượng và vấn đề lợi nhuận kinh tế đã khiến làng miến Cự Đà có một thời gian khoảng những năm 2010 - 2012 rơi vào khủng hoảng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân có thâm niên mấy chục năm làm nghề miến, vừa nhanh tay đảo những phên miến mới tráng dưới cái nắng hanh đầu đông vừa ngậm ngùi trò chuyện với tôi về những ngày vất vả đó, khi những câu chuyện không vui, "con sâu bỏ rầu nồi canh" làm méo mó đi hình ảnh về miến Cự Đà.

Trong đó cũng có không ít những hiểu lầm: "Hình ảnh về một vài hộ nhỏ lẻ làm miến mất vệ sinh khiến miến của cả làng bị tẩy chay, lên án. Hay quá trình phơi bột dong của chúng tôi bị một số tờ báo không hiểu, vội vàng quy chụp là bẩn nhưng thực tế đó chỉ là bột dong thô, cần phải hong phơi như phơi thóc. Sau đó, để ra được sợi miến còn phải trải qua rất nhiều công đoạn lọc lắng bột để lấy tinh bột dong riềng chứ đâu phải cứ như vậy làm ngay".

Quả thực, có tận mắt chứng kiến những công đoạn người thợ làm ra sợi miến mới thấu hiểu phần nào những khó khăn, nhọc nhằn của nghề thủ công này. Phần lớn thời gian để có được thành phẩm miến dong Cự Đà, người thợ phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, bởi có đến 3 công đoạn cần phải hong phơi. Đầu tiên là phơi bột, bột dong riềng thô được người dân thu mua và bắt đầu hong phơi từ tháng 10 âm lịch. Đây là thời điểm vào đông của miền Bắc nên người thợ luôn phải làm việc dưới tiết trời giá rét, hanh khô.

Một công đoạn tráng miến

Thứ hai là phơi các phên miến tráng, công đoạn này người thợ phải liên tục túc trực ở khu vực phơi để lật giở và kiểm tra độ ẩm của phên miến. Tiết trời càng có gió se lạnh càng tốt bởi khi đó phên miếng nhanh chóng se bề mặt nhưng vẫn đảm bảo độ dai, dẻo ở trong, khi cắt miến sẽ không bị giòn gãy vụn. Thứ ba là công đoạn phơi khô sợi miến thành phẩm, phên miến sau khi được cắt thành sợi nhỏ, người thợ tiếp tục đem phơi khô hoặc sấy thủ công trên hệ thống sào cao, đảm bảo độ ẩm chỉ còn dưới 10% để bảo quản được lâu khi đóng gói.

Dân làng Cự Đà vẫn thường nói vui rằng một năm có 3 vụ ở ngoài đồng, bởi thực tế ngoài 2 vụ lúa chính thì vụ đông, khắp cánh đồng làng vẫn luôn rộn rã tiếng cười nói của những đôi bàn tay lao động không biết mệt mỏi. Hè phơi thóc, đông phơi miến từ lâu đã thành nếp nhà. Cánh đồng rộng lớn của làng Cự Đà được người dân trưng dụng để hong phơi miến khi vào đông bởi đồng đất mùa này khô ráo, thoáng rộng dễ đón nắng đón gió. Ý nghĩa một năm 3 vụ là như vậy.

Cũng chính vì lẽ đó mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong những năm gần đây đã tạo ra áp lực không hề nhỏ cho làng nghề, đặc biệt là quá trình quy hoạch của Khu đô thị Thanh Hà đã lấy toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trồng lúa của làng Cự Đà. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn sản xuất của làng nghề khi không gian sản xuất bị thu hẹp trong khi làng nghề vẫn phải đáp ứng sản lượng đưa ra thị trường ngày một tăng cao, lên đến hàng chục tấn trên ngày vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Có nghề truyền thống là một niềm tự hào khôn tả, song để giữ và phát triển nghề truyền thống không phải là câu chuyện giản đơn. Bên cạnh những tác động ngoại sinh từ phía Nhà nước, chính quyền tất yếu cần đến những giá trị nội tại bên trong của làng nghề. Chỉ khi về với Cự Đà tôi mới cảm thấu được sức mạnh ẩn sâu bên trong đó là gì. Nó đến từ chính những con người nơi đây, luôn trăn trở khôn nguôi làm sao giữ được giá trị của cha ông. Làm sao để truyền dạy cho con cháu mai này và làm sao để phát triển gia đình, quê hương bằng chính nghề xưa vốn có.

Luồng gió mới cho làng nghề

Nỗi niềm trăn trở của chính quyền địa phương cũng như người dân làm miến ở Cự Đà chính là nguồn động lực lớn lao thúc đẩy sự đổi thay, chuyển mình của những thế hệ tương lai trên chính mảnh đất này. Những tín hiệu vui đầu tiên đến với làng nghề truyền thống này chính là việc ngày càng có nhiều người con của Cự Đà ý thức sâu sắc với nghề truyền thống và quyết tâm khởi nghiệp từ những giá trị vốn có của quê hương.

Thành công của Hợp tác xã Thương mại phát triển làng nghề Cự Đà là một minh chứng điển hình, mà người đại diện là chàng trai trẻ thuộc thế hệ 9X lớn lên từ làng quê Cự Đà - Vũ Minh Quyết. Nhận thấy tiềm năng phát triển của các sản phẩm truyền thống như miến dong và tương nếp Cự Đà nhưng phần lớn người dân còn sản xuất và tiêu thụ theo lối manh mún, tự phát, Quyết đã quyết tâm trở về làng xây dựng mô hình hợp tác xã vừa sản xuất vừa bao tiêu các mặt hàng sản vật của quê nhà theo quy chuẩn an toàn, hướng tới truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Cố gắng của anh đã thành hiện thực, khi Hợp tác xã anh thành lập hiện nay đã và đang tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 40 lao động địa phương.

Bên cạnh đó còn có một số cơ sở khác cũng được hình thành và phát triển như Hiệp hội làng nghề miến Cự Đà. Rõ ràng, xây dựng thương hiệu tập thể, phát triển sản xuất tập trung, hướng tới sản xuất sản phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc là hướng đi mà làng nghề truyền thống Cự Đà đã và đang hướng đến. Hiệu quả thực tế cho thấy đây là hướng đi đúng đắn và bền vững cho làng nghề.

Để kiểm soát chất lượng và nâng cao năng suất của làng nghề, hiện nay, bên cạnh những cơ sở sản xuất thủ công truyền thống thì nhiều cơ sở sản xuất trong làng đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ vào thay thế sức người ở một số công đoạn nhất định, như máy cắt sợi miến (trước đây phải dùng dao sắc thái thủ công), máy sấy bột thô (thay công đoạn phơi bột phải phụ thuộc vào thời tiết),… Nhờ vậy năng suất cũng như chất lượng của miến Cự Đà dần lấy lại được danh tiếng và thị phần tiêu thụ trên thị trường.

Cứ như vậy, mỗi độ Tết đến xuân về những phên miến vàng, trắng ngà óng ả lại nhuốm đầy những con ngõ của làng Cự Đà, lan tỏa khắp phố phường Hà Nội, đến với mọi nhà trong mâm cơm sum vầy tất niên. Để mỗi khi thưởng thức ta lại không quên nhớ về một món ăn độc đáo, không thôi nhớ về những con người cần cù, sáng tạo, kiên cường đã làm ra và lưu truyền mãi thứ sản vật này.

Phạm Hường

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ve-lang-cu-da-ngay-cuoi-nam-630524/