Về Lâm Bình ăn cá bỗng, nghe hát then, ngắm thiếu nữ Pà Thẻn

Được biết đến như một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi sinh sống của 12 dân tộc với kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, nhiều lễ hội độc đáo, huyện Lâm Bình là điểm du lịch mới mẻ, đầy tiềm năng của Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thành lập năm 2011, Lâm Bình là huyện trẻ nhất tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên gần 785 km2, bao gồm 8 xã, dân số 32.034 người đến từ 12 dân tộc anh em.

Trên địa bàn huyện có 6 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nhiều thắng cảnh đẹp. Đây cũng là nơi phát hiện di chỉ khảo cổ hang Phia Vài, với bộ di cốt người nguyên thủy hóa thạch có niên đại khoảng 12.000 năm tuổi.

Thắng cảnh Cọc Vài - điểm nhấn trong hành trình xuôi lòng hồ Na Hang - Lâm Bình

Thắng cảnh Cọc Vài - điểm nhấn trong hành trình xuôi lòng hồ Na Hang - Lâm Bình

Sau hơn 5 giờ đồng hồ di chuyển từ Hà Nội tới huyện Lâm Bình bằng ô tô, du khách bắt đầu khám phá vùng đất hoang sơ này bằng hành trình đi thuyền xuôi theo lòng hồ Na Hang - Lâm Bình. Cảm giác mệt mỏi, ngột ngạt mau chóng tan biến bởi không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.

Dọc hành trình, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp mà còn được tự mình khám phá các thắng cảnh nơi đây như thác Khuổi Nhi với ba tầng thác hùng vĩ, làn nước mát rượi; đền Pác Tạ - nơi thờ Đức Thánh mẫu nương nương, thiếp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật; khu 99 ngọn núi được ví như Hạ Long cạn giữa đại ngàn và đặc biệt là thắng cảnh Cọc Vài - dịch theo tiếng Tày có nghĩa là "cọc buộc trâu trời", gắn liền với sự tích chàng khổng lồ Tài Ngào chăm chỉ, có hiếu.

Dừng chân ghé đền Pác Tạ, nơi thờ thiếp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Chinh phục ba tầng thác Khuổi Nhi, đắm mình vào dòng nước mát rượi và thư thái khi được các chú cá suối massage

Ngoài cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, huyện Lâm Bình còn có văn hóa ẩm thực phong phú, hội tụ tinh hoa của 12 dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Từ những món rau rừng có mùi vị đặc trưng như rau hôi, rau bò khai, rau dớn... đến các động vật được nuôi "sạch" ngoài thiên nhiên như gà đồi, vịt suối, dê thả rông... Song đặc b biệt hơn cả món cá bỗng nước mọi. Đây là loài cá chỉ sống ở nơi nước chảy, ăn 100% thức ăn từ thiên nhiên nên thịt chắc, khi nướng lên cho vị ngọt thơm và đặc biệt ngon khi chấm với gia vị riêng biệt của người bản địa.

Món vịt suối gây ấn tượng với thực khách bởi nước chấm rất đặc trưng, được chế biến từ chính nước luộc vịt, nêm thêm chút muối tinh rồi thả đôi nhúm rau răm thái nhỏ, miếng tiết vịt rằm nhuyễn, tất cả quện lại tạo nên thứ nước chấm sền sệt, béo nhưng không ngậy, vừa đậm đà lại có chút cay cay, thanh thanh - một hương vị độc đáo, khó quên.

Cô gái Pà Thẻn giới thiệu cho du khách những đặc sản ẩm thực của huyện Lâm Bình

Tối đến, khi màn sương giăng nhè nhẹ phủ mờ các ngọn núi, ánh đén dần tỏ trong những khu nhà sàn của người địa phương, không gì tuyệt hơn là vừa nhâm nhi chén rượu ngô truyền thống, thưởng thức các đặc sản và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống do chính các nghệ sỹ người dân tộc thiểu số nơi đây biểu diễn.

Đối lập với hình ảnh các chàng trai Mông mạnh mẽ, uyển chuyển nhảy theo điệu khèn réo rắt mời gọi bạn tình là những thiếu nữ Pà Thẻn lại đầy e ấp trong bộ váy áo sặc sỡ, hay khuôn mặt hồn nhiên, trong trẻo của những cô bé người Tày say sưa đàn hát những làn điệu then truyền thống...

Thiếu nữ Pà Thẻn duyên dáng trong bộ váy áo sặc sỡ đang theo dõi, cổ vũ những chàng trai Mông múa khèn

Em bé người Tày tươi tắn, vừa đàn vừa hát các làn điệu then truyền thống

Dù là địa phương mới xuất hiện trên bản đồ du lịch vùng Đông Bắc Bộ, thế nhưng Lâm Bình được đánh giá là điểm đến du lịch đầy tiềm năng. Đường sá giao thông liên tục được cải tạo, nâng cấp để rút ngắn khoảng cách Hà Nội tới huyện Lâm Bình từ 5,5 tiếng còn khoảng 3,5 tiếng trong vài năm tới.

Còn ngay thời điểm này, chính quyền địa phương đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư, kết hợp với khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển các mô hình du lịch sinh thái. Hiện trên địa bàn huyện hình thành nhiều cơ sở lưu trú dưới hình thức homestay, do chính người bản địa xây dựng, vận hành và xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh quảng bá du lịch vùng Đông Bắc bộ.

Mô hình homestay với nhà sàn truyền thống, bao quanh là hoa cỏ, núi rừng ngày càng phát triển tại huyện Lâm Bình

Khu rừng nghiến cổ thụ hiếm có tại Việt Nam

Thông tin với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết huyện có tỉ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, rừng nguyên sinh chiếm 2/3 diện tích. Độc đáo nhất là khu rừng nghiến cổ thụ nằm giữa địa phận xã Thượng Lâm và xã Khuôn Hà, di chuyển từ các đường bê tông xã tới khu rừng chừng 30-45 phút đi bộ.

Những gốc nghiến cổ thụ có đường kính tới cả chục người ôm (Ảnh: N.V.H)

Khu rừng có hàng nghìn gốc nghiến, trong đó đa phần đường kính thân từ 2 đến 4 mét, có cây tới 10 người ôm. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều cá thể có tên trong sách đỏ như voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, gấu..., cùng nhiều động vật quý hiếm khác.

Được biết, UBND huyện Lâm Bình đã đề xuất và tỉnh Tuyên Quang cũng đang có chủ trương khai thác du lịch khu rừng nghiến nguyên sinh quý hiếm này làm sao cho hiệu quả, song song với nhiệm vụ bảo tồn các giá trị thiên nhiên.

Nếu được đưa vào khai thác, đây sẽ là “đặc sản” du lịch hiếm có, không chỉ của Lâm Bình mà còn của cả tỉnh Tuyên Quang, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/ve-lam-binh-an-ca-bong-nghe-hat-then-ngam-thieu-nu-pa-then/857442.antd