Về lại trường xưa…!

Với những cô cậu đã qua thời học sinh, trở về mái trường xưa nhân ngày tri ân thầy cô 20.11, sẽ không kìm được những cảm xúc dâng trào…

Cô Đặng Phạm Minh Nguyệt cùng học trò mình - Ảnh: Tấn Hiệp

Lạc lõng rồi lại ấm lòng

Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức (TP.HCM), hôm nay thật sự chộn rộn hơn mọi ngày. Bởi tiếng hò reo, lời chúc mừng, những bông hoa thắm tươi mà học sinh dành tặng cho những người “đưa đò”. Trong sự đông đúc đó, có màu áo không phải là đồng phục của trường, đứng chênh vênh, lạc lõng… Đó là những bạn đã tốt nghiệp, ghé về trường để tìm thầy cô thân thương của mình.

Đứng nép mình sau tán cây bàng, Tuấn Huy, cựu học sinh của trường, dường như có điều gì đó hơi xa lạ sau 4 năm trở lại. Trong khung cảnh đông đúc, Huy cố đảo mắt liên tục để tìm cô giáo từng dành trọn tâm huyết cho mình. Bỗng cô Đặng Phạm Minh Nguyệt, giáo viên môn văn của trường, người từng la mắng, từng chia sẻ cho Huy không chỉ bài học trong sách vở, mà còn về cuộc sống, lại vỗ về Huy…

Hai cô trò nắm tay nhau, sự xúc động thể hiện trên từng ánh mắt, cử chỉ làm ai nhìn vào cũng dễ dàng nhận ra. Biết đứa học trò từng quậy phá, không nghe lời nay đã trưởng thành, cô Nguyệt vừa mừng, vừa hạnh phúc.

Huy chia sẻ những năm tháng học ở trường thường cãi lời thầy cô, trốn học thường xuyên, và vô cùng trò nghịch ngợm khiến thầy cô mệt mỏi. Nay mọi thứ đã qua, Huy cảm thấy có chút gì đó hối tiếc, pha lẫn sự biết ơn cô Nguyệt đã uốn nắn mình…

Còn về phần cô Nguyệt, đôi mắt rưng rưng suốt cả buổi sáng, điều mà làm cô cảm thấy ấm áp nhất là những đứa học trò mình hay la rày lại hiểu được nỗi lòng, về thăm. “Dạy ở ngôi trường với nhiều học sinh cá biệt, lắm lúc cũng buồn lòng, nhưng dõi theo hành trình, thấy nhiều em trưởng thành, là người có ích, những khó khăn trong nghề giáo như được khỏa lấp”, cô Nguyệt thổ lộ.

Những nhành hoa tươi thắm mang tặng thầy cô - Ảnh: Tấn Hiệp

Riêng với thầy Võ Hiền Nhân, giáo viên môn toán, điều cảm thấy vui sướng nhất trong ngày 20.11 là tình cảm của những học sinh dù đã dạy từ năm, bảy năm về trước, nhưng đến ngày này lại tụ hội nhau, về lại mái trường gửi gắm những lời chúc đến thầy. Nổi tiếng là người khó tính trên mục giảng, nhưng thầy lại được nhiều học trò yêu mến.

“Nhiều khi sợ mình khó quá, học sinh chẳng hiểu đâm ra giận, ghét. Nhưng trong suốt năm tháng giảng dạy, em nào cũng nhớ đến tôi. Những đứa mình phạt nhiều lại là đứa hay tới thăm”, thầy Nhân trải lòng. Nói rồi thầy Nhân lại nhìn về phía xa xăm, như hy vọng về điều gì đó cho những thế hệ sau, con đò nào cũng cập bến!

Chu Thiện, cậu học sinh hay đến thăm thầy Nhân, không chỉ là Ngày Nhà giáo Việt Nam mà cả ngày bình thường, chia sẻ rằng nếu thầy không khó tính với học trò, cậu không thể nào nên người…

Thầy Võ Hiền Nhân cùng cô học trò luôn đến thăm thầy mỗi dịp 20.11 về - Ảnh: Tấn Hiệp

Giọt nước mắt hội ngộ…

Cầm trên tay món quà nho nhỏ và những nhánh hoa hồng đang tỏa sắc, Nhật Uyên, là học sinh của trường ba năm trước, vội đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc cùng thầy cô mình. Năm nào ngày 20.11 Uyên cũng gác lại bộn bề cuộc sống, những toan lo thường nhật để dành thời gian thăm thầy cô. Cô nàng này cho biết sở dĩ đến ngày này về thăm trường là mong muốn tìm lại hình ảnh về năm tháng ngây ngô thời học sinh, tìm lại cảm xúc biết ơn người gieo chữ trong cô học trò ngày nào còn bé nhỏ, giờ đã mạnh dạn bước trên đôi chân mình.

Cố giấu đi những giọt nước mắt, nỗi niềm sâu thẳm trong lòng, Uyên bộc bạch: “Ai cũng có những thầy cô để nhớ, để thương, để biết ơn. Điều vui sướng nhất khi trưởng thành là tìm lại được những người cầm tay dạy dỗ mình. Dù không chắc có đền được ơn, đáp đủ nghĩa không. Nhưng chỉ mong sao thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, để mỗi lần trở về trường lại được nhìn thầy cô hạnh phúc với những đứa học trò mà họ dành trọn niềm tin”.

Vài chục năm gắn bó dưới mái trường, thầy Lý Văn Ê, đã có biết bao kỷ niệm với nơi đây. Nhiều cậu học trò từng “vô phương cứu chữa” vì quá ngỗ nghịch. Có lần một học sinh bị thầy dọa đuổi học vì thường nhảy rào trốn học, đánh bạn… Nhưng giờ đây vẫn về trường cảm ơn thầy vì những lời khuyên răn quá đỗi chân thành. Những lời thủ thỉ làm cậu nhớ mãi, đó như hành trang để cậu vào đời…

Giọt nước mắt ngắn dài rơi nhưng chẳng hiểu vì sao, đứng từ phía xa, cậu học sinh luôn dõi mắt theo bóng dáng người thầy tóc đã điểm màu hoa tiêu đang hướng dẫn các bạn sắp xếp hàng. Cậu chia sẻ kỷ niệm về thầy Ê: “Lúc trước mình hay bị mời phụ huynh lên gặp, nhưng chẳng bao giờ chịu mời người thân lên gặp thầy. Thầy dọa đuổi học như cơm bữa, nhưng vì thương học trò thầy cố khuyên mà không đuổi. Lần nào thầy cũng dốc hết ruột gan để giãi bày. Thầy phải “làm việc” riêng với mình biết bao lần nhưng chẳng có gì thay đổi. Nhiều lần mình ghét thầy cay đắng. Nhưng đến tháng ngày cuối cấp mình mới nhận ra tình cảm của thầy. Hứa với thầy khi thành công mới dám tìm thầy…”, cậu học sinh này chia sẻ và xin được giấu tên mình đi như cách cậu muốn giấu đi lời hứa đến lúc thành công mới bộc bạch.

Dẫu rằng trong mỗi người đã bước qua thời học sinh, trở về trường xưa mang những dòng cảm xúc, những câu chuyện riêng biệt, có những giọt nước mắt lẫn nụ cười… Nhưng điểm chung của họ là muốn gửi những lời tri ân đến thầy cô mình, tìm về ký ức màu áo trắng xưa cũ.

Tấn Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/ve-lai-truong-xua-1025274.html