Về huyện miền núi Hà Tĩnh xem người dân 'nâng niu' cái cổng làng

Làng Đỗ Gia (xã Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) là một làng cổ nằm trên bờ Bắc sông Ngàn Phố. Trong quá trình hình thành và phát triển của làng, cư dân bản địa đã xây dựng nhiều phong tục, tập quán, nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong đó, còn lưu lại đến ngày nay là văn hóa gắn với cổng làng ở các thôn.

Cổng làng Lạc Đình được người dân trong thôn thường xuyên tu bổ, chỉnh trang

Không có chung một thiết kế, mỗi thôn ở Sơn Tân lại có một kiểu cổng khác nhau. Tuy nhiên, thôn nào cũng có 2 cổng, gọi là cổng đồng (phía ngoài ruộng) và cổng rào (phía ngoài sông).

Những cổng này xưa kia được xây bằng đá ong, có cánh đóng mở bằng gỗ và làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong các thôn. Ngày nay, một phần kiến trúc của cổng đã thay đổi nhưng tất cả các làng đều thống nhất gìn giữ cả cổng đồng, cổng rào như muốn lưu giữ lại một nét văn hóa độc đáo của thế hệ cha ông.

Ông Lê Xuân Hợi hồi ức về những cánh cổng ngày xưa

Ở ngay cạnh cổng xóm Lạc Đình (thôn Tân Thắng ngày nay) là gia đình ông Lê Xuân Hợi - cháu nội của cụ Lê Hữu Én, vốn năm xưa đảm nhận công việc đóng mở cổng làng.

Ông Hợi cho biết: “Không biết cổng có tự bao giờ nhưng khi tôi lớn lên đã thấy ông nội tôi làm việc đóng mở cổng. Còn nhớ, xa xưa, làng có một đài quan sát đặt bên núi Thiên Nhẫn, khi nhận thấy có điều bất ổn, từ đài quan sát sẽ có tiếng kẻng báo hiệu và ngay lập tức tất cả các cổng làng đều đóng. Tuổi thơ tôi đã từng chứng kiến rất nhiều kẻ gian bị bắt giữ khi xâm nhập vào làng và được giải ra đình làng xử tội. Với tôi và những người cùng thế hệ, cổng làng giữ vai trò rất lớn trong đảm bảo an ninh trật tự của làng”.

Cổng làng tô điểm cho bức tranh nông thôn xanh mát, bình yên

Không chỉ giữ vai trò đảm bảo an ninh cho làng, theo nhiều người cao tuổi ở Sơn Tân, cổng làng còn là nơi từng diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Trong những đêm trăng thanh bình, cổng làng cũng chứng kiến những cuộc hẹn hò, những màn hát đối giao duyên của nam thanh nữ tú trong và ngoài làng.

Ngoài ra, cổng rào còn là nơi diễn ra các hoạt động mua bán giữa các thuyền vạn chài và người dân bản địa. Những sản vật của làng được đem qua cổng rào để trao đổi với những thực phẩm được chở lên từ biển cả. Cũng đã có không ít những tơ duyên gặp gỡ giữa gái làng sông với trai làng vạn diễn ra trước cổng rào.

Mỗi cổng làng có một nét kiến trúc khác nhau

Ngày nay, cổng làng Sơn Tân tuy đã hết chức năng, nhiệm vụ như buổi ban đầu nhưng dân làng sống phía trong những cái cổng ấy vẫn muốn gìn giữ. Với họ, tuy không còn những cánh cổng để đóng mở nhưng cổng làng vẫn có những giá trị tâm linh, giúp họ ngăn cách với những phức tạp bên ngoài. Chính vì vậy, hàng năm, con em xa quê vẫn cùng với bà con nhân dân quyên góp tiền để tu sửa, chỉnh trang lại các cổng làng. Các cụm dân cư cũng thường xuyên chỉnh trang và cử người luân phiên coi sóc cổng.

Cổng làng Sơn Tân đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại

Cổng làng Sơn Tân đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại

Ông Võ Tiến Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết: “Hiện nay, kích thước của cổng các thôn đều không phù hợp với kích thước của đường nông thôn mới. Vì vậy, xã mở thêm đường trục giữa xã và đường bờ đê theo tiêu chí nông thôn mới và giữ lại những tuyến đường cũ cùng với cổng làng. Hằng năm, xã cũng hỗ trợ kinh phí cho các cụm dân cư, các thôn có cổng để tu sửa, tôn tạo. Chúng tôi mong muốn, nét văn hóa độc đáo của làng Đỗ Gia xưa sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hiện đại”.

Phong Linh - Đình Nhất

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/diem-den/ve-huyen-mien-nui-ha-tinh-xem-nguoi-dan-nang-niu-cai-cong-lang/176978.htm