Về hưu mới bị kỷ luật vì tuyển dụng 'bát nháo': Lại hạ cánh an toàn

Bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển dụng.

Trí tuệ kém cỏi, chẳng linh hoạt, nhạy bén lại không có “ô dù”, “cơ cánh” đỡ nâng nên đến giờ, dù tuổi đã mấp mé đầu 4, lại dắt túi hai bằng đại học mà tôi vẫn cứ phải “làm nghề tự do”: Sáng bán hàng thuê, chiều vận chuyển khách lẻ đường bộ.

Ngẫm phận mình hẩm hiu, mãi chẳng đến giai đoạn ổn định để còn yên bề gia thất lại hận sao mình không sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa . Bởi được nghe nơi đó từng có bà chủ tịch huyện vô cùng sáng tạo, đã nghĩ ra cách tuyển dụng công chức vô cùng nhân đạo với những người… kém cỏi (như tôi).

Cụ thể, trong những năm tháng đương chức (từ năm 2011 – 2015) bà Ngô Thị Hoa – nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ban hành quy định tuyển dụng cá biệt, thậm chí đi ngược hoàn toàn với lẽ tự nhiên.

Bà Ngô Thị Hoa (nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định) bị kỷ luật cảnh cáo khi đã về hưu. Ảnh: Dân trí

Có thể cùng là lãnh đạo nên bà Hoa và ông Laszlo Bock - Phó Chủ tịch điều hành nhân sự của Google đều có chung “nỗi sợ”: Sợ những người giỏi bởi họ thường ít khiêm tốn, dễ tự cao, tự đại. Chính vì thế nên Google thường không tuyển dụng những sinh viên quá giỏi và bà Hoa, trong nhiều kỳ thi công chức, cũng thẳng tay đánh trượt những người điểm cao và “cứu vớt” những người điểm thấp.

Hoặc có lẽ với trái tim “bác ái”, “bình đẳng” của mình, bà đã nghĩ rằng những người giỏi thì thi đâu chẳng đậu nên mới mở rộng vòng tay, trao cơ hội cho những người kém hơn được cống hiến ở huyện.

Không chỉ vậy, vị nguyên chủ tịch huyện còn luôn cố gắng “tìm tòi”, “thắp sáng” những ngọn lửa tài năng tiềm ẩn trong mỗi người khi bố trí 7 người cán bộ chuyên ngành cử nhân chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản để làm công chức địa chính.

Nhiều người cho rằng đó là chuyện vô lý bởi việc bổ nhiệm đó không đúng chuyên ngành theo quy định. Nhưng tôi lại thấy rằng bà Hoa thật có con mắt biết “nhìn xa trông rộng”.

Địa chính là làm về đất đai. Mà đất đai thì chắc chắn bao gồm cả đất vườn, ao, chuồng chăn nuôi... Vậy bà Hoa tuyển những người có chuyên ngành đại học về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để làm địa chính chẳng phải quá “chuẩn” hay sao? Những cán bộ đó, ngoài công việc chuyên môn như làm thủ tục, giấy tờ sẽ tư vấn cho người dân nên chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang dạng gì, có nên đào ao nuôi cá, có nên xây chuồng nuôi lợn trên mảnh đất của mình hay không?

Những hành động nhân nghĩa trên của bà Hoa đã giúp bao người “có công ăn việc làm ổn định”. Vì vậy, trong nhiều năm liên tiếp, số cán bộ, công chức, hợp đồng lao động của huyện luôn thừa rất nhiều. Mà thừa thì có làm sao? Chúng ta vẫn thường nói “thừa còn hơn thiếu” mà!

Đúng là “gieo gì thì gặt nấy”. Khi bà Hoa gieo “nhân đạo”, gieo cơ hội lên những cá nhân “kém cỏi” thì bà cũng nhận được sự “nhân đạo” từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa: Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi bà đã… nghỉ hưu.

Quả thật hình thức kỷ luật đó dường như đã quá “bất công” với bà Hoa. Bởi theo lẽ thường, nhiều cán bộ khi bị phát hiện sai phạm còn được “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Nhưng nay bà Hoa đã về hưu thì làm gì được thưởng thức món “đặc sản” đó nữa.

Tôi chỉ tiếc sao bà “ hạ cánh an toàn ” nhanh quá! Kể mà bà vẫn làm chủ tịch UBND huyện thì chắc chắn tôi sẽ chuyển khẩu đến huyện bà làm việc để đăng ký thi công chức, thoát kiếp lông bông.

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ve-huu-moi-bi-ky-luat-vi-tuyen-dung-bat-nhao-lai-ha-canh-an-toan-a323601.html