Về Hội An xem múa Thiên Cẩu...

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Trung thu, bên cạnh những sinh hoạt văn hóa truyền thống, ở TP Hội An (Quảng Nam) còn có múa Thiên Cẩu - Chó nhà trời, một linh vật mang tính huyền thoại.

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Trung thu, bên cạnh những sinh hoạt văn hóa truyền thống, ở TP Hội An (Quảng Nam) còn có múa Thiên Cẩu - Chó nhà trời, một linh vật mang tính huyền thoại. Đây là một thể loại múa linh vật lưu truyền lâu đời riêng có ở nơi này. Nét sinh hoạt truyền thống ấy hiện còn rất ít người duy trì, ngoại trừ 2 võ đường lớn ở Hội An, bởi để múa Thiên Cẩu đúng như hình thức múa truyền thống, đòi hỏi người múa phải có chút võ nghệ, được hướng dẫn bộ điệu, kỹ thuật cầu kỳ hơn so với múa lân sư rồng đang phổ biến hiện nay. Cùng với những thế hệ con nhà võ, lưu giữ loại hình này như là một cách "ngưỡng vọng" người sáng lập võ đường, khai sinh môn võ mà họ theo đuổi; Hiện nay, địa phương Hội An cũng đang nỗ lực gìn giữ một loại hình văn hóa đặc trưng này...

Đội múa Thiên Cẩu của Võ đường Kỳ Sơn.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Trung thu, ngoài việc lựa chọn một đội hình đều tay từ 12 đến 15 võ sinh có kỹ năng và đam mê, vào đội múa chính, các võ sư còn dành phần lớn thời gian cho việc sửa soạn, chăm chút lại những con Thiên Cẩu được cất giữ cẩn thận qua các mùa Trung thu trước. Theo võ sư Trần Xuân Mẫn - Võ đường Kỳ Sơn cho biết: Đội múa Thiên Cẩu đầu tiên tại Hội An là của một võ sư người Hoa thành lập và hướng dẫn kỹ thuật múa và đánh trống để phục vụ người xem vào dịp Tết Trung thu. Các động tác múa thường được lựa chọn từ những thế võ cổ truyền đơn gian. "Múa Thiên Cẩu mới nhìn có nét giống múa lân nhưng từ lối múa, bài múa đến nhịp điệu trống thì lại khác", võ sư Trần Xuân Mẫn cho biết thêm. Kế thừa môn võ và tiếp quản Võ đường Kỳ Sơn, múa Thiên Cẩu là cách mà võ sư Trần Xuân Mẫn ngưỡng vọng đến các bậc thầy tổ võ đã sáng lập ra võ đường này; đồng thời cũng là gìn giữ những gì một phần không thể thiếu của môn võ truyền lại cho đời sau... Võ sư Trần Xuân Mẫn chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng bảo tồn và phát huy múa Thiên Cẩu, ngoài sự hỗ trợ của thành phố Hội An để góp phần lưu lại những nét văn hóa truyền thống, còn là để giữ gìn đặc trưng của môn võ cổ truyền. Vì múa Thiên Cẩu khó tập, lại không hoành tráng, rộn ràng như lân sư rồng, nên bây giờ không còn mấy người chơi, nếu không giữ sẽ không còn ai biết tới...".

Ở Hội An, vào dịp Tết Trung thu, từ các vùng ven đến Khu phố cổ, không khí lễ hội diễn ra rất sôi nổi với các sinh hoạt truyền thống như lễ bái trời đất, gia tiên, tục bày mâm cỗ thưởng trăng, múa lân- sư-, rồng, rước đèn, ca hát... Những năm gần đây, múa Thiên Cẩu được chính quyền địa phương khuyến khích, thông qua các cuộc thi múa Thiên Cẩu được tổ chức quy mô hàng năm. Tuy nhiên, đây loại hình múa linh vật mà có lẽ chỉ duy nhất Hội An mới có, đòi hỏi nhiều kỹ năng, động tác khó nên cần được duy trì, xem đây là sản phẩm du lịch riêng có của Hội An thu hút du khách mỗi dịp Tết Trung thu... Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: "Hiện có rất nhiều Câu lạc bộ múa Thiên Cẩu của các võ đường, với những tiết mục được dàn dựng công phu. Việc tổ chức hội thi múa Thiên Cẩu thường niên vào rằm Trung thu để động viên, tôn vinh những nghệ nhân, những người múa Thiên Cẩu giỏi, qua đó bảo tồn, nâng loại hình nghệ thuật độc đáo này lên tầm cao mới". Vì vậy, các sự kiện văn hóa - du lịch tổ chức tại Hội An thì hoạt động của các đoàn múa Thiên Cẩu trình diễn đón chào khách du lịch. Đặc biệt là trong các dịp đầu năm mới, múa Thiên Cẩu đã được các võ đường tổ chức khá quy mô để phục vụ người dân và du khách tham quan... Đây cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách khi mùa Trung thu đến. Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết: Múa Thiên Cẩu gắn liền với Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và trong một số sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Hội An, với mong muốn trừ tà, cầu an bình, may mắn cho cộng đồng. Ngoài ra, loại hình này có sự giao lưu với múa linh vật của các cộng đồng dân cư sống ở Hội An, như người Hoa, người Nhật Bản nên các bộ thế, nhạc cụ, nhịp điệu... đều có yếu tố giao lưu, tiếp biến với các vùng văn hóa khác để sôi động, mới mẻ hơn".

Những ngày này, một mùa Trung thu đang về rộn rã với tiếng trống trên khắp những con đường ở phố cổ Hội An. Là trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Nam, du khách và người dân, nhất là lứa tuổi trẻ em dạo phố phường tại Hội An chắc hẳn sẽ rất thích thú háo hức đón xem hình ảnh những "Ông Thiên Cẩu" múa lúc thì hiền lành, thân thiện, lại có lúc oai nghi, dũng mãnh trong tiếng trống nhịp nhàng tươi vui. Một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân Hội An đang được bảo tồn và phát huy mỗi dịp Trung thu về...

AN NHIÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_195223_ve-hoi-an-xem-mua-thien-cau.aspx