Về Hội An xem múa rối nước

Không phải vùng đất 'khai sinh' múa rối Việt Nam, ấy nhưng phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã và đang gánh trên 'vai' sứ mệnh tô điểm, quảng bá loại hình sân khấu gắn liền với nền văn minh lúa nước đến bạn bè bốn bể năm châu.

Ngập tràn sắc màu văn hóa dân gian

Trời buông dần về đêm, lượng du khách quá bộ về khu phố cổ Hội An mỗi lúc một đông. Cái đẹp rêu phong, cổ kính của các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi luôn hút hồn bao lữ khách. Và ở bên rìa không gian trầm mặc của đô thị cổ này vẫn còn một nơi níu chân du khách bằng sự mộc mạc, dân dã đến từ loại hình dân gian truyền thống. Đó là nghệ thuật múa rối nước và đêm đêm, chú tễu hay các con rối khác vẫn khuấy động mặt nước sân khấu “dã chiến” trong Nhà hát Hội An.

Chú tễu bước ra sân khấu nước trong sự thích thú của khán giả

Đúng 18h30, những dãy ghế tiệm cận bục sân khấu Nhà hát Hội An chật kín người. Tây có, ta có, người lớn và cả con nít. Tất cả háo hức đón chờ thời khắc vở rối nước chính thức công diễn. Khi cánh màn được kéo lên, sân khấu rối nước rộng chừng mươi mét vuông bỗng dưng bừng sáng. Chẳng mấy chốc, mặt nước tĩnh lặng bị khuấy động bởi âm thanh của nhạc hiệu, của tiếng trống, tiếng pháo và của chú Tễu ‘ngả nghiêng ngả ngửa’ ra ‘mào đầu’.

Đêm nay, Đội nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Thể thao& Du lịch TP. Hội An mang đến cho hàng trăm khán giả vở Bắt vịt. Và trong khoảng thời gian gói gọn 45 phút đồng hồ, 18 diễn viên của Đội nghệ thuật đã cùng nhau dựng nên một ‘bức tranh’ chân quê muôn màu, sống động. Hình ảnh đàn vịt tung tăng trên mặt nước hay chú trâu thong dong, những đoạn thoại hài hước, vui nhộn… đã đem lại trận cười sảng khoái cho du khách. Tất nhiên, liền sau đó là những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt dành cho các diễn viên trầm mình trong nước, âm thầm cống hiến tài nghệ điều khiển con rối phía sau ‘cánh gà’.

Du khách nước ngoài chăm chú xem múa rối ở Nhà hát Hội An

“Tôi đã nghe nhiều về rối nước nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp thưởng thức. Rất tuyệt vời, phố cổ Hội An đã giúp tôi có những trải nghiệm thú vị về văn hóa dân gian Việt Nam. Các chú rối quá ngộ nghĩnh, đáng yêu”, một du khách đến từ Đức vui vẻ chia sẻ.

Dựng sân khấu rối nước trên sông Hoài

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Hội An cho hay, cuối tháng 9/2015, đơn vị tổ chức biểu diễn thử nghiệm múa rối nước tại Nhà hát và trước những phản hồi tích cực từ phía người dân cùng du khách, thành phố quyết định đưa loại hình nghệ thuật dân gian này trở thành sản phẩm du lịch mới của địa phương.

“Chúng tôi mời các bậc thầy lão luyện ngoài Nhà hát múa rối Thăng Long về truyền dạy kĩ năng cho gần 20 diễn viên của Đội nghệ thuật. Sau 1 tháng lĩnh hội, các diễn viên tự tin điều khiển được các chú rối và sẵn sàng trình diễn phục vụ bà con địa phương cùng du khách. Theo thời gian, sản phẩm du lịch mang đậm tính nghệ thuật này đã trở thành món ăn tinh thần của đông đảo du khách gần xa khi đến tham quan phố cổ”, ông Phùng nói.

Múa rối nước đã và đang mang lại nguồn thu lớn cho du lịch Hội An

Theo ông Phùng, với giá vé 80 nghìn đồng/người lớn và 40 nghìn đồng/trẻ em và được công diễn đều đặn vào 3 ngày: thứ ba, sáu, bảy hằng tuần, loại hình dân gian truyền thống này mang lại cho nguồn thu du lịch Hội An lên đến 2 tỷ đồng trong vòng gần 3 năm qua. Riêng năm 2017, tổng số tiền bán vé xem múa rối nước tại Nhà hát Hội An đạt gần 800 triệu đồng.

Và một thông tin chắc chắn đem đến niềm phấn khởi cho những người dân ở địa phương không “sản sinh” ra rối nước nhưng ngày ngày nuôi dưỡng cho rối nước không bị mai một, đó là việc chính quyền Hội An đang lên phương án chuyển sân khấu biểu diễn múa rối vào khu vực trung tâm phố cổ.

Các diễn viên tham gia biểu diễn rối nước tại Nhà hát Hội An

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Để phát triển loại hình múa rối nước thì cũng cần một sân khấu đúng chuẩn. Do vậy, chúng tôi đã vạch ra kế hoạch xây dựng sân khấu sát mép nước sông Hoài ở bên khối Đồng Hiệp. Việc này sẽ sớm được triển khai nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và du khách yêu thích loại hình rối nước có thể thưởng thức các vở diễn một cách chân thực hơn”.

Thanh Ba

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ve-hoi-an-xem-mua-roi-nuoc.html