Về dự án luật có tác động rộng lớn trong xã hội

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội (QH) thông qua ngày 20-6-2012 đã có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014.

Sau sáu năm triển khai thi hành, từ thực tiễn cuộc sống, Luật XLVPHC phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn. Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ QH, lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu những khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền.

Vướng mắc khác cũng thường gặp trong các quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện các công việc chưa phù hợp thực tế; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện VPHC còn nhiều bất cập; việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC cũng có những hạn chế nhất định…

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý VPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Các chuyên gia pháp luật nhận định, Luật XLVPHC được xem là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Số liệu báo cáo tổng kết cho thấy, thời gian qua, mỗi năm có khoảng bảy triệu văn bản xử phạt VPHC! Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH và nhiều đại biểu QH cho rằng, xử lý VPHC là công cụ rất quan trọng để quản lý xã hội. Việc XLVPHC liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì thế, dự thảo luật phải bảo đảm hai yêu cầu: Ðó là, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt, vừa bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Ða số ý kiến thảo luận của đại biểu QH, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tại phiên họp vừa qua đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực. Tinh thần chung được tập trung nhấn mạnh là, chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thật sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm.

Phát biểu, góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cùng nêu ý kiến với Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ việc xử phạt tiền các vụ án hình sự hiện nay trong Bộ luật Hình sự và mức phạt trong Luật XLVPHC liệu có vênh nhau không? Qua nghiên cứu thực tiễn và tiếp thu ý kiến cử tri, các đại biểu phản ánh "hiện đang có thực tế vênh" giữa xử phạt hành chính và mức phạt xử lý hình sự. Chủ tịch QH đưa ra thí dụ, về tội đánh bạc, dự thảo luật lần này đưa ra mức tính mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội là 40 triệu đồng. Tuy nhiên, khung hình phạt tiền của tội đánh bạc tại Bộ luật Hình sự là từ 20 đến 100 triệu đồng…

Về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, dự thảo luật đã bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước" và "đình chỉ hoạt động vĩnh viễn" nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Về biện pháp "ngừng cung cấp điện, nước", Ủy ban Pháp luật của QH và nhiều đại biểu thẳng thắn nêu, báo cáo đánh giá tác động vừa qua không đánh giá tác động nội dung này. Việc dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự, như vậy là can thiệp "quá sâu" vào quan hệ dân sự. Việc cắt điện, nước để buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định xử phạt là không thật sự phù hợp. Do vậy, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp điện, nước" trong lần sửa đổi này.

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, thời gian qua, một số bộ luật, luật mới được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Cạnh tranh năm 2018… và tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tại Luật XLVPHC để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thời gian tới, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý các nội dung quan trọng được thảo luận kỹ tại phiên họp đầu năm của Ủy ban Thường vụ QH, để một đạo luật quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, rộng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước sớm được trình QH, qua đó thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối của Ðảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Ðồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định còn hạn chế, vướng mắc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập trong thi hành Luật XLVPHC.

THÁI TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/43337102-ve-du-an-luat-co-tac-dong-rong-lon-trong-xa-hoi.html