Về dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô: Sống 'ba không' giữa lòng Thủ đô

Liên quan đến công viên này có 1.100 hộ dân sống trong cảnh '3 không': Không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Không giấy phép xây dựng để xây nhà; Không được tách - nhập hộ khẩu… Tất cả chỉ vì diện tích đất ở nằm trong dự án công viên.

Khu vui chơi trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị bỏ hoang, gây lãng phí

Khu vui chơi trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị bỏ hoang, gây lãng phí

“Bức tử” không gian xanh

Những vi phạm về trật tự xây dựng tại công viên này đã được cơ quan chức năng “điểm mặt, chỉ tên” từ nhiều năm qua. Thế nhưng đến nay tiến độ xử lý vẫn rất chậm.

Có mặt tại công viên này chiều 21/11, hàng loạt nhà hàng kinh doanh ăn uống, tiệc cưới, phòng tập GYM, quán cà phê... vẫn tấp nập khách khứa. Ở chiều ngược lại là sự xuống cấp của Công viên Tuổi trẻ Thủ đô - công trình từng được kỳ vọng là “lá phổi xanh” của Hà Nội như: Đường lát gạch quanh công viên nứt vỡ, cỏ mọc um tùm; khu giải trí dưới nước xuống cấp; khu vui chơi trẻ nhỏ cầu trượt, vòng quay đã gỉ sét...

Mặt ngoài công viên, những nhà hàng tạm vẫn mọc lên dọc đường Võ Thị Sáu mang tên như: Nghé vàng, nghé tươi, dê núi, phở KCC, hải sản Vân Đồn, bãi rửa xe ô tô... Đặc biệt, có nhà hàng Queen Bee xây dựng kiên cố trên đất công viên.

Trước đó, tháng 8/2015, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Nhàn kiểm tra hiện trạng các hạng mục xây dựng tại công viên. Sở Xây dựng đã chỉ ra 14 hạng mục công trình không phù hợp với quy hoạch, hoặc thực hiện sai so với các giấy phép xây dựng đã được cấp.

Theo đó, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi thành phố và đề nghị quận Hai Bà Trưng cưỡng chế phá dỡ mái che của 4 sân tennis ngoài trời, giải tỏa 2 sân tennis ngoài trời, sân bóng mini, 17 hộ dân tái lấn chiếm đất công viên... Tuy nhiên, tiến độ xử lý các phần việc này còn chậm.

Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 21/11, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Tuấn Anh cho biết, hàng loạt cửa hàng, kinh doanh tại phố Võ Thị Sáu nằm trong quy hoạch đất của HTX Đông Thanh. “Đất nằm trong quy hoạch chưa giải phóng mặt bằng nên các xã viên HTX kinh doanh tại đó...”, ông Phạm Tuấn Anh giải thích.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm: “Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu xử lý dứt điểm đối với 10 hạng mục trong Công viên Tuổi trẻ. Tất cả các nội dung này phường đã lập biên bản từ năm 2012. Đến nay, phường đang rà soát lập biên bản xác minh các vi phạm có biến động không? Nếu biến động để tham mưu UBND quận ban hành các quyết định xử lý...”.

Cửa hàng kinh doanh chiếm dụng không gian tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô

Mỏi mòn vì... dự án

Liên quan đến công viên này có 1.100 hộ dân sống trong cảnh “3 không”: Không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Không giấy phép xây dựng để xây nhà; Không được tách - nhập hộ khẩu… Tất cả chỉ vì diện tích đất ở nằm trong dự án công viên.

Bà Ngô Thị Thủy, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn cho biết, nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân nơi đây đã có đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội. “Thanh tra Chính phủ tiếp nhận, UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận… nhưng dự án thì vẫn treo. Khổ nhất là không xây dựng lại được nhà, không có sổ đỏ để giao dịch vay vốn...”, bà Thủy nói.

Ông Trịnh Bá Lạc, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 4 thì cho biết: “Khu dân cư chúng tôi bị đưa vào dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô – một dự án kéo dài triền miên và không biết đến khi nào kết thúc. Nó khiến người dân luôn trong tâm trạng bất an…”.

Lý giải, Phó Chủ tịch phường Phạm Tuấn Anh cho biết: “Các hộ dân thuộc khu dân cư số 4 nằm trong quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011 phục vụ đầu tư xây dựng công viên. Bởi vậy, diện tích đất chưa cấp được giấy chứng nhận. Nhà cửa xuống cấp nhưng không được cấp giấy phép xây dựng, chỉ được sửa...”.

Năm 2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất - kiến nghị cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời triển khai việc điều chỉnh quy hoạch công viên với phương án cụ thể. Trong đó, đất dành cho tái định cư khoảng 1 ha được đặt tại vị trí đường Võ Thị Sáu. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc sơ bộ như: Cao khoảng 35 tầng, đáp ứng khoảng 1.100 căn hộ, cơ bản để đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư tại chỗ.

Liên quan đến sự việc trên, tại Hội nghị giao ban UBND thành phố Hà Nội tháng 8/2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu phải giải tỏa, cưỡng chế trong quý IV/2019 và sau cưỡng chế phải trồng thêm cây và mở cửa rộng rãi phục vụ nhân dân. Đầu tháng 11/2019, Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng đã có một số buổi họp để đẩy nhanh tiến độ cưỡng chế các công trình không có trong quy hoạch.

Theo Báo cáo số 1133 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội, tỷ lệ 1/500 được phê duyệt tại Quyết định số 2035/QĐ - UBND ngày 6/5/2010 với tổng diện tích đất khoảng 26,43 ha. Ngày 13/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 442 giao đất để tổ chức GPMB, chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Quá trình triển khai dự án kéo dài trong nhiều năm có vướng mắc do các nguyên nhân chủ quan và khách quan nên dự án chưa được GPMB dứt điểm để đầu tư xây dựng công viên đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ve-du-an-cong-vien-tuoi-tre-thu-do-song-ba-khong-giua-long-thu-do-4048834-b.html