'Về đích' xây dựng phường, xã an toàn thực phẩm

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TP Thanh Hóa đã 'cán đích' xây dựng phường, xã đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP).

Cửa hàng thực phẩm an toàn Trí Tài, xã Quảng Phú đã trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng địa phương.

Năm 2019, xã Quảng Phú được công nhận đạt tiêu chí xã ATTP. Để “về đích” xã ATTP, xã tăng cường công tác lãnh đạo về bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn, bằng việc kiện toàn ban chỉ đạo và thành lập 9 tổ giám sát cộng đồng. Song song với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng xã ATTP, xã còn tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhóm tiêu chí ATTP, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin, tuyên truyền, tập huấn; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định; kiểm tra, xử lý vi phạm. Sau hơn 1 năm thực hiện, xã Quảng Phú đã có 10/10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; có 164 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tuân thủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP; có 73 hộ sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn xã có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 100% sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở giết mổ được đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem, kiểm tra vệ sinh thú y trước khi lưu thông trên thị trường. Đáng chú ý, xã đã xây dựng thành công 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (TPAT).

Cùng với xã Quảng Phú, toàn thành phố còn có 32 phường, xã được tỉnh công nhận đạt tiêu chí ATTP; có 2 phường, xã được tỉnh thẩm định đạt các tiêu chí ATTP. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng kinh doanh TPAT. Điển hình như: chuỗi cung ứng lúa, gạo an toàn tại 2 xã Hoằng Quang, Đông Lĩnh; chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn các phường, xã: Thiệu Khánh, Quảng Thắng, Quảng Tâm và Hoằng Đại; chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn tại các phường, xã: Quảng Hưng, Quảng Đông, Đông Cương, Đông Vinh, Đông Tân, Quảng Phú, Thiệu Vân, Quảng Cát, Quảng Thành, Hoằng Quang, Long Anh, Thiệu Khánh và Quảng Tâm.

Để có được kết quả đáng phấn khởi trên, ngay sau khi Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020” được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thanh Hóa đã tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt các nội dung của nghị quyết đến các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, nhằm tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Đồng thời, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP các cấp. Đặc biệt, thành phố xây dựng phương án hỗ trợ xã đạt tiêu chí ATTP, với mức 100 triệu đồng/xã; hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi chợ đạt tiêu chí ATTP và 50 triệu đồng cho cửa hàng kinh doanh TPAT được mở mới.

TP Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh, với dân số đông. Bởi vậy, việc bảo đảm cung ứng nguồn TPAT cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ngay khi bắt tay vào triển khai xây dựng phường, xã đạt tiêu chí về ATTP, thành phố luôn ưu tiên cho việc xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh TPAT, chợ ATTP. Thông qua gói “kích cầu”, thành phố đã xây dựng được 112 cửa hàng kinh doanh TPAT và 29/29 chợ đạt tiêu chí ATTP. Nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT, chợ ATTP của thành phố đã nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng. Anh Nguyễn Trọng Thành, chủ cửa hàng TPAT Trí Thành tại xã Quảng Phú, cho biết: “Kể từ khi đi vào hoạt động tháng 4-2019, số lượng người tiêu dùng đến với cửa hàng ngày càng tăng. Chủng loại thực phẩm tại các cửa hàng cũng tương đối đa dạng, có nguồn gốc xuất xứ và được cung cấp bởi những nhà sản xuất uy tín nên tạo sự yên tâm về vấn đề vệ sinh ATTP và chất lượng sản phẩm. Việc hình thành các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch chính là hành trang của ngành nông nghiệp sạch của thành phố trong quá trình hội nhập”.

Từ thành công của việc xây dựng phường, xã đạt các tiêu chí về ATTP không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người dân, mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và thương mại, dịch vụ của TP Thanh Hóa. Hơn thế, đây còn là những điều kiện để TP Thanh Hóa hướng đến đô thị thông minh, hiện đại trong tương lai.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/ve-dich-xay-dung-phuong-xa-an-toan-thuc-pham/127045.htm