Về đích sớm trong công tác giảm nghèo

Kết thúc năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội chỉ còn 1,16%, đưa thành phố về đích sớm hai năm trong kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự chủ động, đồng bộ và sáng tạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững từ thành phố tới cơ sở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chủ động, sáng tạo trong triển khai

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội còn 1,16%, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2017, khi tỷ lệ này là 1,69%. Thành phố cũng tiếp tục đón nhận tin vui khi các hộ nghèo trên địa bàn hai quận Thanh Xuân, Ba Đình đã thoát nghèo. Như vậy, cùng với các quận Cầu Giấy và Tây Hồ, đến nay Hà Nội đã có bốn quận không còn hộ nghèo.

Đến đầu năm 2018, quận Ba Đình còn 435 hộ nghèo với 1.271 nhân khẩu. Với quyết tâm xóa hộ nghèo, quận và các phường đã phân tích kỹ nguyên nhân để có sự hỗ trợ hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy, 76 hộ không có việc làm, 11 hộ có tâm lý lười lao động, 25 hộ thiếu vốn sản xuất, 67 hộ không có người trong độ tuổi lao động, 55 hộ có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo, 29 hộ có thành viên là người khuyết tật nặng... Trên cơ sở đó, quận phối hợp chính quyền cơ sở gặp gỡ, trao đổi với các hộ nghèo để tìm giải pháp hỗ trợ cụ thể. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung cho biết, bên cạnh việc thường xuyên rà soát di biến động, quận đã phối hợp các phường có chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp từng đối tượng. Triển khai hàng loạt giải pháp như sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập; trợ cấp những trường hợp không có khả năng lao động để thoát nghèo, đến tháng 10-2018, trên địa bàn quận đã không còn hộ nghèo.

Để hoàn thành xuất sắc kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó công tác hỗ trợ nhà ở. Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã trích ngân sách hơn 108 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời huy động và phân bổ thêm hơn 26 tỷ đồng cho các địa phương có hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ, ủng hộ thêm hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, thành phố có 4.166 hộ nghèo được xây mới, sửa chữa nhà ở trong năm 2018, tăng 120 nhà so kế hoạch. Hiện, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều

Năm 2018 là năm thứ ba Hà Nội chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Để thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, thành phố yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chuẩn nghèo của Hà Nội cũng được điều chỉnh theo hướng tăng cao tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong những năm gần đây, thành phố trợ cấp thường xuyên 350.000 đồng/người/tháng cho 5.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo. Thành phố đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và người mắc bệnh phong. Các đối tượng này được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức phí ưu đãi.

Bên cạnh hình thức hỗ trợ trực tiếp, thành phố cũng đầu tư một số chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, những địa bàn còn nhiều khó khăn. Điển hình như các mô hình trồng chè, chế biến chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); chăn nuôi, làm du lịch ở xã An Phú (huyện Mỹ Đức). Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các sàn và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo có nhiều cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập…

Để công tác giảm nghèo của thành phố bảo đảm nhanh và bền vững, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Thành phố tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo. Đối với những hộ người khuyết tật không thể thoát nghèo, chủ trương của thành phố là rà soát, điều chỉnh, đưa vào diện bảo trợ xã hội.

Dù đã hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo trước hai năm so kế hoạch, song khảo sát của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy kết quả giảm nghèo tại một số địa bàn xa trung tâm chưa thật sự bền vững. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo tại một số địa phương chưa thường xuyên, vẫn còn một bộ phận người nghèo được thụ hưởng chính sách có tâm lý trông chờ, ỷ lại, không có ý chí vươn lên thoát nghèo… Như vậy, để công tác giảm nghèo trên địa bàn Thủ đô đạt hiệu quả bền vững, ngoài sự cố gắng của các cấp chính quyền, sự chung tay của cộng đồng, rất cần sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo. Công tác giảm nghèo cần được chính quyền các cấp rà soát, tiến hành thường xuyên, liên tục, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời để những người yếu thế không bị tụt lại phía sau trước sự phát triển nhanh của xã hội.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38683002-ve-dich-som-trong-cong-tac-giam-ngheo.html